fbpx

Cẩm nang chuyên sâu đầu tiên cho nhà đầu tư giá trị tại Việt Nam

Cẩm nang chuyên sâu đầu tiên cho nhà đầu tư giá trị tại Việt Nam

I. Bạn tiếp cận đầu tư chứng khoán như thế nào?

Đầu tiên, VOT PARTNERS xin gửi lời chào tới tất cả các bạn đọc quan tâm đến đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, những người vẫn đang trên con đường tìm kiếm ý nghĩa và chinh phục những mục tiêu trong cuộc đời mình và trong đầu tư chứng khoán. Bằng tất cả niềm vui, sự hân hoan cũng như niềm yêu thích, đam mê của chúng tôi trong lĩnh vực đầu tư sẽ được thể hiện qua những kiến thức sắp tới đây mà bạn sẽ đọc là một cuốn cẩm nang nhỏ dành cho tất cả những con người có ý định, đã và đang trên con đường học hỏi không ngừng, tìm kiếm những giá trị quan trong cuộc sống nói chung và đầu tư giá trị nói riêng. Đối với chúng tôi sự nhìn nhận về hai từ “giá trị” là vô hạn và không bị bó hẹp xong bất kỳ không gian, thời điểm, lĩnh vực nào. Chúng tôi vẫn yêu thích câu nói “thái độ sẽ quyết định trình độ”, mỗi một con người sẽ có những thời điểm, giai đoạn và nhịp điệu khác nhau trong cuộc sống đầy quay cuồng và bận rộn, cho nên việc đầu tiên chúng tôi muốn bạn làm là “hãy lấy một cái cốc và rót nước vào đó và tiếp tục cho tới khi nước đầy tràn ra ngoài”. Chúng tôi muốn nói rằng đây chính là tình trạng chung của chúng ta trong quá trình trải nghiệm công việc và cuộc sống, chúng ta cố gắng tiếp thu, học hỏi và có những con người dường như rất “tham lam” vơ vét mọi thứ có thể vào trong đầu mình, có những con người cố thủ với những trải nghiệm kinh hoàng, một số khác nhìn mọi thứ với góc nhìn hẹp và tiêu cực. Các bạn có đồng ý rằng rất khó để còn “chỗ trống” cho những ước mơ đối với những cái đầu đầy thành kiến, suy tính và sự sợ hãi? Bạn hoàn toàn sẽ khó nhận ra điều này khi bạn đang là người trong cuộc, chỉ khi cuộc sống phản ánh đầy đủ những gì có sẵn trong suy nghĩ của bạn, thời gian dài sẽ chứng minh điều gì thực sự tốt và đúng đắn, việc liên tục có những nhận thức muộn màng như vậy sẽ khiến cuộc sống không ngừng gặp rắc rối, khó khăn, thất bại và tệ nhất là khi mất niềm tin, sự hài lòng đối với cuộc sống của chính mình. Ngài Charlie Munger đã có lần nói não người hoạt động với cơ chế giống như “trứng của người phụ nữ”, khi 1 ý tưởng đã lọt vào được rồi, việc chấp nhận những ý tưởng khác là vô cùng khó khăn với cái bản ngã to lớn của riêng mỗi người. Chúng tôi sẽ không ở đây để viết ra cuốn Cẩm nang với mong muốn hướng dẫn cho bạn đầu tư cổ phiếu, chỉ ra lối sống đúng đắn hay con đường đi đến hạnh phúc trong cuộc sống. Chúng tôi chỉ cố gắng truyền tải những suy nghĩ, kiến thức, trải nghiệm của bản thân mình đến với bạn đọc có chung giá trị quan hoặc đang trên con đường tìm ra những gì đã “có sẵn” trong suy nghĩ của các bạn nhưng chưa được khai phá. Vì vậy trước tiên để chúng ta cùng nhìn trên một hệ quy chiếu là “giá trị” thì bạn: “Hãy đổ bớt nước ra khỏi chiếc cốc của mình, sẵn sàng đón nhận, suy ngẫm đi sâu vào nội tâm để tìm ra những giá trị phù hợp đối với bản thân mình”.

Mọi người khi muốn tìm hiểu về đầu tư thông thường họ sẽ đặt câu hỏi bằng cách đảo ngược lại quá trình với những câu dạng như: đầu tư chứng khoán có dễ giàu hay không, có kiếm tiền nhanh bằng bất động sản, vàng, ngoại tệ…hay không, xem bảng điện như thế nào, giao dịch cổ phiếu ra sao, nhờ ai để tư vấn cho mình giao dịch cho hiệu quả bây giờ? Đây đều là những câu hỏi về “kết quả” trông sẽ ra sao khi mình đầu tư chứng khoán, có rất ít người suy nghĩ về các vấn đề mang tính “quá trình”: mình có phù hợp với kênh đầu tư này hay không, mình nên bắt đầu tìm hiểu các kiến thức từ nguồn nào, tư duy làm sao cho đúng đắn, chuẩn bị những nguồn lực gì và mình dự định dành bao nhiêu thời gian trong 1 ngày để nghiên cứu?

“Có một sự thật là bạn chẳng tài nào kiểm soát được các kết quả nhưng bạn có thể làm mọi việc trong quá trình bằng những nỗ lực cao nhất của mình”.

Như ngài Charlie Munger đã nói rất nhiều về bản chất của con người vốn không phù hợp với việc đầu tư giá trị vì con người không phải là một cỗ máy, trong con người tồn tại những cảm xúc rất mãnh liệt, khó lường, khó hiểu…khi đối diện với những vấn đề đụng chạm đến tài sản, cái tôi của họ. Chính vì vậy đầu tư chứng khoán cũng là 1 quá trình lao động mà bộc lộ những sai sót, khuyết điểm của bản thân rõ nét nhất, bạn phải đối diện với sự lười biếng, tham sân si, sự đố kỵ và cả sự ngu ngốc của chính mình. Đây không phải là 1 bộ môn thể thao mà chỉ dùng tới sức khỏe vật lý, đây cũng không phải là bộ môn khoa học trí tuệ cần IQ siêu cao, đây đúng là 1 nghề phải đối diện rất nhiều với bản chất của con người. Bạn sẽ cần quá trình không ngừng suy ngẫm để ngộ, liên tục chiến đấu với bản thân để tìm ra những suy nghĩ sâu sắc, khách quan và thực tế nhất. Một câu nói rất hay của tỷ phú Jeff Bezos có thể áp dụng trong trường hợp này bạn cần ngoan cố trong tầm nhìn nhưng linh hoạt trong chi tiết”, đây cũng không phải là một nghề khi bạn thấy ai đó khoe khoang về danh mục của mình lời 500%, 1000% mà có thể chắc chắn được điều gì về tương lai nếu như bạn không hiểu lối suy nghĩ, triết lý đầu tư vào các công ty của anh ta. Theo chúng tôi, bạn cần ít nhất 10.000 giờ cho việc học tập, thẩm thấu các kiến thức về chuyên môn cũng như triết lý đầu tư. Tuy nhiên, bạn cần đạt được hiệu quả tốt trong 10 năm để có thể chứng minh được sự đúng đắn trong phương pháp cũng như quá trình lao động hăng say của bạn. Nếu tầm nhìn của bạn dài hạn như vậy, khi nhìn xung quanh bạn sẽ thấy không còn “đối thủ” nào khác ngoài “chính bạn”. Điều này mở ra hàng loạt các vấn đề, khái niệm cũng như khuôn khổ mà chúng tôi đã suy nghĩ qua trên con đường đầu tư đầy chông gai này.

“Thực tế có rất ít những người thực sự phù hợp với việc đầu tư, bạn sẽ cảm nhận được sự đồng điệu ngay lập tức khi đọc về các kiến thức đầu tư, trực giác của bạn sẽ nói cho bạn biết ở giai đoạn đầu, đó là niềm tin đã có sẵn ở trong bạn”. Nào bây giờ hãy cùng dùng lý trí của mình để đọc tiếp những kiến thức phía dưới tuy nhiên bạn đừng “bỏ quên” và đừng bao giờ đánh giá thấp trực giác của mình.

Chúng tôi xin được giới thiệu với bạn đọc một khái niệm hẹp hơn trong đầu tư chính là Đầu tư giá trị (Value Investing), đây là một thế giới quan riêng của những nhà đầu tư theo trường phái này và đã rất thành công qua nhiều thế hệ. Trong đó có nhà đầu tư giá trị – người phân bổ vốn giỏi nhất mọi thời đại là tỷ phú Warren Buffett, chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway với giá trị vốn hóa hơn 500 tỷ USD (GDP của Việt Nam năm 2019 chỉ khoảng hơn 266 tỷ USD), với thị giá cổ phiếu hơn 310.000 USD/ 1 cổ phiếu (cao nhất thế giới).

CÁC BẠN CẦN CHÚ Ý VIỆC ĐỌC, TỰ HỌC VÀ NGHIÊN CỨU NHỮNG “NÚI” KIẾN THỨC LÀ VIỆC LÀM CHỦ YẾU CHIẾM 80% THỜI GIAN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ.

II.  Đầu tư giá trị, bí kíp để đi bền với thị trường

Ngài Warren Buffett đã từng nói thị trường chứng khoán ở đó là để phục vụ bạn chứ không phải để tư vấn cho bạn phải làm gì. Ngài thị trường – ám chỉ thị trường chứng khoán (Mr Market) là một người rất công bằng trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn ông là người có cảm xúc rất đa dạng và thật là sai lầm khi suy nghĩ rằng ông ta sẽ luôn đúng, vì nếu vậy người sai chỉ có thể là bạn. Khi bạn suy nghĩ rằng “giá” sẽ phản ánh tất cả thì tư duy bị thiếu mất một vế là giá không phản ánh đầy đủ rủi ro trong dài hạn của các doanh nghiệp mà thường đánh đồng chúng, kết quả là khi giá phản ánh thực sự các rủi ro này thì bạn đã phải “trả giá” rất nhiều rồi. Đây là bài học đã rất cũ đối với các nhà đầu tư tham gia chạy theo thị trường từ nhiều thế hệ, vì vậy nếu bạn là người mới thì nhất định bạn vẫn sẽ phải học những bài học cũ này, những nhà đầu tư kỳ cựu kinh nghiệm họ lại học những bài học đã và đang bị mọi người lãng quên để không ngừng nhắc nhở họ rằng “Khi mọi người bất cẩn bao nhiêu thì họ càng phải cẩn trọng bấy nhiêu”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng bí kíp để đi bền với thị trường lại không phải là đi cùng hay chạy theo thị trường chứng khoán, đó chính là việc có sự hiểu biết và thực hành về đầu tư giá trị một cách đúng đắn.

Đầu tư giá trị đã là một khái niệm phổ biến và đã lan rộng trong các cộng đồng, các quốc gia trên toàn thế giới gần một thế kỷ qua. Cha đẻ của trường phái này là ngài Benjamin Graham, cùng người đồng nghiệp của mình là ngài David Dodd đã viết thành những cuốn sách được coi là “kinh thánh” trong đầu tư giá trị là cuốn Nhà đầu tư thông minh và cuốn Phân tích chứng khoán.

Đầu tư giá trị là một bộ các nguyên tắc định lượng thứ gì đó thực sự đơn giản hơn rất nhiều – và đó là hành vi con người. Như tên gọi, đó là một phương pháp về hành vi. P/E thấp hay bất kỳ số liệu gì bạn sử dụng tìm kiếm để “nắm bắt” những hiệu ứng tâm lý về nỗi sợ hãi và lòng tham. Điều tồn tại trên thị trường cổ phiếu Anh cũng tồn tại theo cách đó trên thị trường Mỹ, Châu Âu và Châu Á.(States Nick Kirrage –Giám đốc quản lý quỹ của Specialist Value UK Equities at Schroders).

Từ đó tới nay, cụm từ “giá trị” được mở rộng và áp dụng thành công bởi các học trò xuất sắc của hai ông, tiêu biểu trong đó là ngài Warren Buffett – nhà đầu tư giá trị xuất sắc nhất mọi thời đại và cộng sự của ông là ngài Charlie Munger. Trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng thị trường chứng khoán, nền kinh tế với những cuộc khủng hoảng tài chính, những đợt tăng hoặc sụt giảm lớn, triết lý về đầu tư giá trị “trưởng thành” qua thời gian. Ban đầu, khái niệm giá trị được các nhà đầu tư giá trị hiểu là việc mua một công ty với giá thấp hơn vốn lưu động ròng (sau khi đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ nợ), khoản chênh lệch này được gọi là biên an toàn (Margin of safety) càng lớn, thì giá trị thực mà nhà đầu tư nhận được sẽ càng nhiều nếu công ty sớm thanh lý tài sản, giải thể để chia lại cho các cổ đông. Phương pháp này được ví như những điếu xì gà hút dở (Cigar butt), người đi qua đường nhặt được có thể hút thêm vài hơi miễn phí trước khi tắt và không cẩn thận sẽ nhặt được những điếu xì gà đã ướt sũng không còn hút được thêm hơi nào. Có thể nói, phương pháp này tập trung vào việc đánh giá giá trị tài sản của công ty sau tất cả các nghĩa vụ nợ, kỳ vọng giá thị trường đang thấp hơn sẽ quay về các mức giá trị thực này, phương pháp mang nặng yếu tố định lượng và ít các yếu tố định tính như tài sản vô hình, triển vọng tương lai, văn hóa công ty, năng lực quản trị của ban lãnh đạo…Đây chính là điểm hạn chế lớn nhất mặc dù đã có rất nhiều nhà đầu tư giá trị thành công với phương pháp này nhưng cũng có rất nhiều những khoản đầu tư rơi vào trạng thái “thua lỗ vĩnh viễn”. Cũng cần xem xét trong bối cảnh cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 1929-1933, nhiều công ty đã phá sản và ông Benjamin Graham cũng đã trải qua giai đoạn này với nỗi sợ hãi những điều tương tự sẽ xảy ra trong tương lai nên có thể nói phương pháp của ông  tập trung phần lớn để “giải quyết nỗi sợ này”

Những người học trò đã áp dụng thành công và các cộng đồng đầu tư giá trị ngày nay vẫn còn áp dụng phương pháp này, thêm những cải tiến khác để tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Nhưng người học trò xuất sắc nhất của ông là Warren Buffett cũng đã kịp nhận ra mặt hạn chế này và một người học khác là ngài Charlie Munger đã mở rộng hai từ “giá trị” lên một tầm cao nữa mà sau này ngài Warren Buffett đã phải nói rằng Charlie đã giúp tôi “tiến hóa từ tinh tinh thành người với tốc độ nhanh hơn”. Cả hai ông đều là những cỗ máy học tập và có trí tuệ thông thái mà Cộng đồng những nhà đầu tư giá trị trên toàn thế giới năm nào cũng tập hợp hơn 40.000 con người tại thành phố Ohama để học hỏi. Ngài Charlie Munger cho rằng hai từ giá trị là sự “thừa thãi” vì bản chất của việc đầu tư giá trị là bỏ một đồng vốn là thu lại nhiều hơn một đồng vốn ở trong tương lai, cụm từ “giá trị” đi kèm được hiểu là giá trị thực hay giá trị nội tại (Intrinsic Value) của công ty, thể hiện một lập luận vững chắc, đã được kiểm chứng qua thành công của nhiều nhà đầu tư giá trị rằng về dài hạn, giá cả của công ty sẽ xoay quanh giá trị thực này. Và điều này đã thực sự thuyết phục ông Warren Buffett tập trung vào những yếu tố định tính, lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn của công ty và 2 ông đã xây dựng nên Tập đoàn Berkshire Hathaway khổng lồ như bây giờ.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chiến lược đầu tư giá trị chưa được áp dụng rộng rãi tại thị trường chứng khoán Việt Nam?           

Có rất nhiều lý do để giải thích cho câu hỏi này nhưng xin được trích 2 câu trả lời của 2 ông trong 2 buổi phỏng vấn khác nhau về cùng 1 câu hỏi là lý do tại sao chiến lược đầu tư giá trị thành công nhưng không nhiều người “bắt chước”:

+ Ông Warren Buffett trả lời rằng “Vì không ai muốn giàu chậm”.
+ Ông Charlie Munger nói rằng “Vì nó (phương pháp) quá đơn giản”.

Rõ ràng ngài Warren đang là một trong những người giàu nhất thế giới, người phân bổ vốn giỏi nhất mọi thời đại. Cũng có câu nói “đơn giản nhất nhưng không đơn giản hơn”, đơn giản hoàn toàn khác với dễ dàng và những ai cho rằng việc đầu tư là dễ dàng thì đều học được những bài học lớn từ suy nghĩ này.

Chúng ta hãy tạm quên lời nói của 2 ông và quay trở lại với thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam. Được xếp vào dạng thị trường sơ khai nên niềm tin của những nhà đầu tư vào thị trường rất thấp và số lượng người tham gia cũng rất ít. Nếu để chỉ ra 1 nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này thì có thể nói mức độ phổ biến về mặt “nhận thức” của người dân ta về việc đầu tư rất kém, thậm chí có những người không hề biết thị trường chứng khoán đang tồn tại, họ không có ý niệm gì về việc đầu tư ngoài gửi tiếp kiệm, mua đất, mua vàng… Có những người suy nghĩ thị trường chứng khoán giống như “sòng bạc cao cấp” và đa số nghĩ rằng khả năng để một nhà đầu tư cá nhân có thể tự đầu tư thành công là 0% nên họ tìm mọi cách làm sao để lấy được những thông tin mà thị trường không có mới đầu tư thành công được. Ngay cả một bộ phận những người làm nghề tư vấn (người đi bán ý tưởng đầu tư) họ cũng có những suy nghĩ tương tự như vậy và đây đều là những tư duy chưa đúng đắn với mục tiêu sinh lời bền vững từ việc đầu tư.

Nếu để nói về tính cách của người Việt Nam không phù hợp với việc đầu tư giá trị thì chưa có cơ sở để khẳng định vì tại những thị trường phát triển tỷ trọng những nhà đầu cơ, giao dịch ngắn hạn vẫn chiếm áp đảo. Có lẽ đi về bản chất của con người khó phù hợp với việc đầu tư giá trị vào doanh nghiệp lâu dài vì cần sự chuyên cần, tuân thủ kỷ luật rất cao. Một số nghề liên quan tới việc quản lý tài sản yêu cầu những con người phải có “gen trách nhiệm”, đây là điều gần như không thể rèn luyện mà phải có sẵn tính trách nhiệm trong các nhà quản lý này, nếu không có tố chất này họ không thể quản lý tiền để sinh lời tốt cho các đối tác trong dài hạn, những thị trường phát triển yêu cầu đây là một trong những điều kiện tiên quyết để chọn người phù hợp. Trên phạm vi 1 bài viết ngắn, chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề thực tế và đang hiện hữu tại thị trường Việt Nam là làm thế nào lan tỏa, tuyên truyền, phổ biến những nhận thức đúng đắn về công việc của một nhà đầu tư giá trị cá nhân trước. Điều này có lẽ cần thời gian vài thập kỷ tương tự như tạo ra một thế hệ các nhà đầu tư giá trị nghiêm túc, thành công đủ lớn để lan tỏa các triết lý này khắp các ngóc ngách trong cuộc sống của 1 nhà đầu tư giá trị. Một trong những người ngoại quốc có tâm huyết và đóng góp lớn vào thị trường chứng khoán Việt Nam là ngài Dominic Scriven (chủ tịch quỹ Dragon Capital) đã cho rằng đây là công việc đòi hỏi 1 “hệ sinh thái (Ecosystem)” bao gồm sự tham gia rộng rãi của: chính phủ, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và sự liên kết giữa các tổ chức khác như ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.…Theo quan điểm của chúng tôi thì cần thời gian và sự tuyên truyền không biết mệt mỏi vì đây là câu chuyện của việc xây dựng niềm tin, uy tín để thu hút các thành phần cùng tham gia xây dựng thị trường chứng khoán. Độ lớn của thị trường sẽ không quan trọng bằng độ lớn của nhận thức, niềm tin, sự nghiêm túc của đại bộ phận các nhà đầu tư giá trị tham gia thị trường và dĩ nhiên đây là nền móng vững chắc để thị trường chứng khoán đi xa hơn, thị trường hiệu quả sẽ không phải là thị trường phản ánh ngay tức thời với tất cả các loại thông tin mà là thị trường có nhiều nhà đầu tư giá trị có trình độ chuyên môn cao, đầu tư hiệu quả thực sự.

Có thể lấy câu chuyện U23 Việt Nam để truyền cảm hứng vì rõ ràng con người Việt Nam có sẵn tình yêu bóng đá nhưng vài chục năm qua chúng ta chưa dám mơ tới những thành tích đã đạt được như ngày nay, những năm vừa qua có thể nói là “điểm bùng nổ” cho quá trình chuẩn bị hàng chục năm về trước với những con người đi tiên phong trong việc xây dựng học viện và câu lạc bộ bóng đá, đi khắp đất nước Việt Nam để chọn ra những “hạt mầm” có tiềm năng, đi khắp thế giới để học hỏi mang về những huấn luyện viên và cầu thủ chất lượng giúp nâng tầm cho nền bóng đá, thế hệ đó là những “ông bầu” như bầu Đức, bầu Long, bầu Kiên, bầu Thắng, bầu Hiển….thực sự đam mê bóng đá vì làm bóng đá thời đó quá nhiều bất cập, tiêu cực chứ chưa dám nghĩ tới lợi nhuận để ngày hôm nay đội tuyển Việt Nam có những chiến thắng vang dội, người dân có những dịp “tràn” ra ngoài đường ăn mừng vì niềm tự hào dân tộc và lạ thay tất cả mọi người như quen biết nhau từ trước.

Nếu nói tới xuất phát điểm như đất nước ta vừa mở cửa năm 1986, thị trường chứng khoán vừa thành lập năm 2000 với 2 công ty, hiện tại chúng ta đang có khoảng 1.500 công ty trên 3 sàn và ngót nghét 800 công ty chưa cổ phần hóa và niêm yết. Cùng hàng trăm nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm, đây sẽ là những cơ hội đầy tiềm năng trong tương lai trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc tiếp cận và học hỏi từ thế giới ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Nếu nhìn sang 1 đất nước khác mà cả thế giới đang phải học tập, những tập đoàn, những nhà tư bản hàng đầu thế giới đều rót vốn vào đầu tư là Isarel thì Việt Nam vẫn có những điều kiện tốt hơn đáng kể. Israel là quốc gia khởi nguồn từ trí tưởng tượng của những con người 2000 năm lưu vong, với hành trang không có gì ngoài những lời nguyện cầu trọn vẹn này đã nuôi dưỡng hy vọng và lòng trung thành của người Do Thái với vùng đất hứa của cha ông họ. Vốn liếng duy nhất mà họ có thể sử dụng chính là con người. Mảnh đất khô cằn không tự dưng sản sinh ra vàng, mà phải cần đến con người tình nguyện làm nhiều, hưởng ít. Họ đã phát minh ra lối sống mới như kibbutz (nông trang), đã xây dựng nên những thị trấn và cộng đồng dân cư từ nơi chưa hề tồn tại. Họ lao động cật lực và không bao giờ thỏa mãn với bản thân, song họ cũng chính là những con người biết ước mơ và hướng đến sự “sáng tạo” (trích từ sách Quốc gia khởi nghiệp). Có thể nói tài sản và di sản ban đầu được sinh ra từ những tư duy đúng đắn, biết đặt những lợi ích chung, lâu dài của tập thể, tổ chức lên trên lợi ích tầm thường của cá nhân. Tư tưởng này cũng rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ với tinh thần hợp tác cùng phát triển.

Quay trở lại với câu chuyện về đầu tư chứng khoán thì vai trò của “giáo dục” trong việc thiết lập ra một hệ tư tưởng của các thế hệ đi sau phải được đặt lên hàng đầu. Dường như đang có sự khác biệt, cách biệt rất lớn giữa việc giáo dục của Việt Nam so với các nước phát triển, họ đề cao ý thức, tính tự giác, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định của bản thân và đặc biệt họ để những đứa trẻ tự vấp ngã và đứng dậy, đi bằng chính đôi chân của mình, ngay từ nhỏ bọn trẻ đã được dạy dỗ về chuyện tiền bạc bằng những câu chuyện sâu sắc. Khi mức độ nhận thức cao những đứa trẻ sẽ trưởng thành rất nhanh, có định hướng nghiêm túc trong mọi việc làm, chúng hiểu được rằng làm bất kỳ việc gì cũng cần quá trình rèn luyện, kỷ luật và đương nhiên việc đầu tư cũng không ngoại lệ. Đầu tư giá trị suy cho cùng là để đồng tiền làm việc sinh lợi ra nhiều đồng tiền khác nhưng khi trình độ, tầm hiểu biết chưa đủ thì việc sở hữu những khối tài sản lớn là việc làm “gây hại” cho những người sở hữu nhiều hơn và bài học là thứ duy nhất còn ở lại sau khi tài sản ra đi. Quá trình này đang bị đảo ngược lại tại Việt Nam khi đa phần nhà đầu tư bước vào thị trường chứng khoán để “nhân bằng lần tài khoản”, họ không nhận thức được những rủi ro mình có thể sẽ gặp, trình độ chuyên môn cá nhân để đầu tư và họ dùng kinh nghiệm tại những ngành nghề khác áp dụng và ngoại suy trong việc đầu tư với những hi vọng tươi sáng. Cuối cùng, những kinh nghiệm có sẵn không phù hợp hoặc chưa đầy đủ này quay lại làm hại họ và chính là nhân tố ngăn cản họ học hỏi những điều mới, những điều đúng đắn và những triết lý đầu tư giá trị vượt thời gian – hãy dẹp bỏ những cái tôi to lớn, tất cả mọi người khi bước chân vào một lĩnh vực mới đều phải học như một đứa trẻ với tinh thần tò mò, khiêm tốn và cầu thị.

Việc tiếp cận kiến thức, giao lưu với thị trường thế giới hiện tại đã dễ dàng nên có thể hi vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có hàng trăm cộng đồng về đầu tư giá trị “đúng nghĩa”, đây sẽ là những con suối chảy xuống sông và hòa mình vào biển lớn. Thay vì cần những tổ chức thật thành công về đầu tư giá trị để lan tỏa thì mỗi nhà đầu tư cần tự xác lập lại tư duy, nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu, nuôi dưỡng và chịu lan tỏa những giá trị đúng đắn. Quá trình cộng hưởng về giá trị đến một lúc nào đó sẽ quay ngược lại hỗ trợ tất cả mọi người đều tốt lên, nâng cao trình độ và tất cả đều sẽ có những kết quả đầu tư “thỏa đáng” với những nỗ lực của mình. “Đằng sau những gia tài không nhất thiết phải là những tội ác”, đây sẽ không phải là một trò chơi có tổng bằng 0 khi tất cả đều tạo ra những giá trị “dương” cho xã hội và cuối cùng, hiểu được tất cả các nhân tố trên chính là bí quyết đi bền với thị trường chứng khoán trong mọi hoàn cảnh.

Link đọc thêm bài viết 5 sự thật “mất lòng” về Thị trường chứng khoán Việt Nam:

III. Quá trình tư duy trong đầu tư chứng khoán

3.1 Tiền sinh ra từ tư duy và chiến lược đầu tư đúng đắn

Ngài Charlie Munger nổi tiếng với việc “tư duy ngược”, khi bắt đầu tìm hiểu về một vấn đề nào đó ông thường bắt đầu bằng cách suy nghĩ ngược lại so với mọi người. Đây là điều mà nhà quản lý quỹ Li Lu (người được ông Charlie Munger gửi vốn để đầu tư tại thị trường Trung Quốc) đã học từ ông Charlie Munger:

Khi mà ngài Charlie Munger bắt đầu suy nghĩ, ông ấy luôn đảo ngược suy nghĩ. Để hiểu như thế nào là hạnh phúc trên cuộc đời, Charlie sẽ bắt đầu học làm như thế nào để khiến cuộc sống này khốn khổ. Để xem xét các doanh nghiệp bắt đầu phát triển, khỏe mạnh và thành công, Charlie đầu tiên sẽ học điều gì khiến các doanh nghiệp suy yếu và sup đổ. Khi hầu hết mọi người chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để thành công trên thị trường chứng khoán, Charlie chủ yếu chỉ quan tâm tới những lý do tại sao lại thất bại. Cách ông ấy suy nghĩ đến từ triết lý của người nông dân “Tất cả những gì tôi muốn biết là tôi sẽ chết ở nơi nào và tôi sẽ không bao giờ đến nơi đó”.

Nói một cách khác, Charlie Munger tin tưởng vững chắc rằng cách tốt nhất để thành công trong cuộc đời là tìm ra điều gì khiến hầu hết mọi người không đến được với thành công và tránh những điều này, dù sao đi nữa thì:

“Trong suốt cuộc đời của ông, Charlie kiên nhẫn thu thập và nghiên cứu mỗi trường hợp thất bại trên mỗi kiểu người, các doanh nghiệp, chính phủ và các nghiên cứu học thuật. Sau đó ông ấy sắp xếp những thất bại này vào một danh sách kiểm tra (checklist) để đưa ra những quyết định đúng đắn. Chính vì điều này, ông ấy đã tránh được hầu hết những sai sót trong các quyết định trong sự nghiệp đầu tư và cuộc đời. Điều quan trọng này đã tác động tới Buffett và Berkshire Hathaway trong suốt hơn 50 năm qua mà không được nhấn mạnh một cách đầy đủ.

Tâm trí của Charlie rất nguyên bản và sáng tạo, không bao giờ bị ngăn cản bởi những quy tắc cứng nhắc và những học thuyết. Ông ấy có sự tò mò vô độ của 1 đứa trẻ và sở hữu phẩm chất của những nhà khoa học hàng đầu cùng phương pháp của họ. Ông ấy có một cơn khát mạnh mẽ với kiến thức trong suốt cuộc đời mình và thích thú thực hành mọi thứ. Với ông ấy, với một chiến lược đầu tư đúng, bất kỳ vấn đề gì cũng có thể hiểu được nhờ việc tự học. Việc sáng tạo hơn nữa có thể được xây dựng trên nền tảng thiết lập bởi những bộ óc thông thái đi trước. Trong vấn đề này, ông ấy rất giống Benjamin Franklin”. Tâm trí con người có điểm yếu và điểm mù.

Từ lối tiếp cận của ngài Charlie Munger, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và có suy nghĩ rằng “Chất lượng cuộc sống sẽ quyết định chất lượng của kết quả đầu tư”, nếu bạn luôn không hài lòng hoặc bất mãn với cuộc sống thì rất khó để có một kết quả đầu tư tốt. Bên cạnh đó, việc có thêm những hiểu biết sâu sắc cho việc đầu tư giá trị còn đến rất nhiều từ những quan sát, cảm nhận trong cuộc sống và ngược lại. Những con người có cách tiếp cận đúng đắn với các vấn đề trong cuộc sống thường sẽ có lối tiếp cận với việc đầu tư cũng sẽ bài bản, có chiến lược đầu tư và hướng tới những suy nghĩ dài hạn, bền vững. 

Một điều đáng buồn là sau nhiều năm làm việc trong nghề đầu tư chúng tôi vẫn gặp gỡ và trò chuyện với nhiều nhà đầu tư chưa hiểu đầu tư chứng khoán là gì. Nếu gọi một cách chính xác thì đây là những người “chơi chứng khoán” vì nhà đầu cơ chuyên nghiệp cũng sẽ không tư duy và hành động như vậy. Trên thế giới cũng chưa từng tồn tại một nhà “chơi chứng khoán” huyền thoại, chỉ có nhà đầu tư/ đầu cơ huyền thoại. Một người không hiểu được và không phân biệt được hai khái niệm hay còn gọi là các nhà đầu tư “nửa vời”  trên thường có các suy nghĩ và hành vi như sau:

+ Chơi chứng khoán như chơi bạc
+ Dùng tâm linh, phong thủy để chơi chứng khoán
+ Theo thuyết âm mưu là chủ yếu, tức mua theo tin tức từ nhiều nguồn khác nhau.
+ Tôi sẽ chơi chứng khoán kiếm cái nhà, cái xe hơi…
+ Cổ phiếu về tới vùng giá này là đáy, giảm hết mức rồi mình phải all in (tất tay)
+ Tôi quen biết cả chủ doanh nghiệp, giám đốc đầu tư và những nhân vật lớn, mối quan hệ khác nên chơi chứng khoán dựa trên các mối quan hệ này.

Và còn rất nhiều kiểu suy nghĩ, hành vi đa dạng khác trên thị trường chứng khoán dẫn tới sự mất tiền đã đưa chúng tôi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác trong việc cố gắng tìm ra công thức thành công của người chơi chứng khoán. Chính vì vậy, không ở đâu, lĩnh vực nào lại sinh ra nhiều chuyên gia và phương pháp đầu tư như trong lĩnh vực tài chính. Hầu hết mọi người đều bị cuốn vào vòng xoáy đó và không tự nhận ra mình đang ở đâu trong kênh đầu tư này. Nên các cuộc gặp với nhà đầu tư đều có chung kết quả “chơi chứng khoán nhiều thấy tuổi lên, nhanh già và chỉ có gia sản là đi xuống, hao tâm, tốn sức mà không được gì cả”. Sau một quá trình thua lỗ, chán nản các suy nghĩ sau sẽ hình thành:

+ Sợ chơi chứng khoán.

+ Chơi chứng khoán khó ăn quá mà dễ mất tiền nên thôi.

+ Ngay cả các nhà đầu tư cũng nghĩ tiền mình đầu tư đưa chủ doanh nghiệp tiêu xài không thể kiểm soát được, họ lấy tiền phục vụ nhu cầu cá nhân, làm hại tới công ty và cổ đông.

Tất cả các suy nghĩ lối mòn này cũng chỉ để ngụy biện cho sự nông cạn và không biết cách đầu tư của mình. Xin trích một câu nói hay trong tác phẩm Pay back time của tác giả PhilTown – người từng là hướng dẫn viên du lịch và trở thành triệu phú nhờ đầu tư chứng khoán “ Những người theo chủ nghĩa hoài nghi sẽ nghĩ rằng chúng ta chẳng thể biết những gì đang xảy ra trong một doanh nghiệp. Đó là vì họ không biết cách đầu tư. Những nhà đầu tư vĩ đại sẽ cười nhạo nhận định ấy. Chúng ta sẽ rất mong rằng họ sẽ tiếp tục dạy những điều vớ vẩn ấy trong trường kinh doanh để chúng ta có thể tiếp tục mua cổ phiếu của những công ty tuyệt vời “. Nếu bạn là người từng trải nghiệm và có sự nghiên cứu nghiêm túc về đầu tư giá trị bạn sẽ hiểu được câu nói trên.

Tất cả đều phải học từ đầu khi bước vào lĩnh vực hoàn toàn mới, là khởi nguồn của sự thịnh vượng. Với những người trẻ nên nghiêm túc, với những người đã có sự nghiệp vững chắc muốn vươn tới tự do tài chính, hãy dẹp bỏ cái tôi để dấn thân hơn nữa, tìm hiểu một cách bài bản và dành nhiều nhất tâm huyết của mình vào kênh đầu tư này.

“Bạn có thể rất giỏi trong lĩnh vực mình đang làm nhưng bạn đang ở một thế giới khác, mọi thứ đều phải học”.

Những nhà đầu tư giá trị vĩ đại ban đầu cũng đều là những con người rất bình thường, có người còn xuất thân từ nghèo khó, từ bùn đi lên. Chính vì vậy sẽ nỗ lực của họ rất phi thường, tuy thành công không có một công thức cụ thể nhưng bạn sẽ khó thấy một người thành công lớn mà thiếu đi một trong ba yếu tố sau (trích từ cuốn cách sống từ bình thường trở nên phi thường của tác giả Inamori Kazuo):

Tư duy x nhiệt huyết x chuyên môn

Đây là một tích số, sắp xếp theo thứ tự quan trọng dần, thiếu một trong ba bạn sẽ khó lòng vươn tới lý tưởng mà mình muốn đạt được. Giải thích cụ thể như sau:

  1. Tư duy: những người từ thành công lớn tới vĩ đại là những người làm những việc đúng đắn trong một khoảng thời gian rất dài. Đây là yếu tố quan trọng nhất, tư duy đúng đắn có được từ việc dẹp bỏ cái tôi, bản ngã và tiếp thu những cái mới suy nghĩ , cân nhắc, áp dụng và sáng tạo biến nó thành kĩ năng, kiến thức của mình, không ngừng phấn đấu và cải thiện.

  2. Nhiệt huyết: Lòng đam mê, ham học hỏi, năng lượng làm một điều gì đó có ý nghĩa với lý tưởng đủ để chúng ta không chán nản trong quá trình đạt được.

  3. Chuyên môn: Không ngừng trau dồi kiến thức, sự hiểu biết.

Bây giờ hãy liên hệ với quá trình đầu tư cũng chúng ta, những nguời chơi chứng khoán và đầu tư nghiệp dư đang loay hoay với điều số 3 hoặc thậm chí không quan tâm tới bất kỳ điều nào trên đây vì còn bận nhìn bảng điện và nghe ngóng tin tức từ bốn phương. Chúng tôi được gặp gỡ nhiều người có tài sản khá lớn nhưng không biết cách đầu tư và cũng đang tìm cách đi lên những nấc thang cao hơn của sự tự do tài chính, vì vậy chúng tôi cũng không bất ngờ khi hầu hết nhà đầu tư chúng tôi gặp chủ yếu là “chơi chứng khoán”. Vấn đề mà chúng ta đang đối diện không nằm ở năng lực hay khả năng của bản thân, cái chúng ta đối diện hàng ngày là “ tư duy ngắn hạn, thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới đại cuộc, lâu dài”, nó chi phối, ăn sâu vào tiềm thức của những người chơi chứng khoán, rất nhiều câu nói hay để khuyên chúng ta tư duy cho đúng đắn về điều này:

Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu” – Abraham Lincoln tổng thống thứ 16 của Mỹ.

“Kinh doanh mà không có kế hoạch là việc bạn đang tự lập kế hoạch cho sự thất bại trong kinh doanh.” (sưu tầm)

Vậy bạn sẽ tự hỏi là cách xác định bạn đang ở đâu trong nấc thang đầu tư để phấn đấu. Xin được trích lời của một bài viết khá hay mà chúng tôi từng đọc , diễn tả theo quan điểm của chúng tôi tuy nhiên ý chính sẽ không thay đổi:

Nhà đầu tư sẽ cần trả lời ba câu hỏi tương ứng với nấc thang cao dần về sự nhận thức trong đầu tư chứng khoán:

What ( cái gì): Chứng khoán là gì, cách doanh nghiệp kinh doanh, vận hành ra sao, những vấn đề xung quanh một doanh nghiệp và kênh đầu tư này. Các thị trường chứng khoán vận hành ra sao, vai trò chức năng chính là gì. Đây là câu hỏi sơ khai nhất trước khi bước vào đầu tư với một tâm thế hoàn toàn mới, nhìn nhận mọi thứ theo khía cạnh khách quan nhất. Giai đoạn này  chủ yếu là quá trình tự tìm hiểu và căn bản nhất trong nấc thang đầu tư.

How ( như thế nào): Họ làm điều đó như thế nào, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư vĩ đại, thành công trên thế giới đã dùng chiến lược đầu tư gì để thành công. Hầu hết các nhà đầu tư, chuyên gia đều dừng lại ở giai đoạn này. Một số người sẽ học hỏi được kinh nghiệm trong quá trình đầu tư thua lỗ và cũng dừng lại ở đây, các chuyên gia là người đi thu thập, học hỏi rồi truyền đạt lại cho các nhà đầu tư ở nấc đầu tiên mà chúng tôi đề cập phía trên, họ ít khi là người thực chiến, thực thi được các phương pháp mà họ là người truyền ước mơ, sự hào hứng cho các nhà đầu tư mới bước vào. Họ sẽ là người giàu lên nhờ việc truyền thụ lại kiến thức và nhà đầu tư nếu không biết chọn lọc để áp dụng rất dễ bị “tẩu hỏa”. Đây là nấc thang rất dễ dẫn tới lối mòn nếu chúng ta không vượt qua được thì mãi mãi chúng ta cũng chỉ là người đi thu thập nguyên liệu về nấu một nồi lẩu thập cẩm. Còn những món lẩu khác chúng ta không biết nấu, vì đi theo lối mòn này chúng ta không thể trở thành một đầu bếp giỏi được. Thay vì học cách dùng lửa, cách kết hợp các nguyên vật liệu, cách nêm nếm sao cho vừa vặn thì chúng ta đi học một công thức cứng nhắc mà các chuyên gia nấu lẩu thập cẩm truyền lại. Có thể bạn cũng sẽ có nhiều cảm hứng hơn sau các khóa học nhưng điều này không giải quyết căn cơ vấn đề. Hãy TẬP TRUNG vào những vấn đề có thể hiệu quả trong DÀI HẠN.

Why (tại sao): Tại sao tôi vẫn chưa đạt được hiệu quả đầu tư cao, cần làm gì để khắc phục. Rất ít nhà đầu tư đi được tới nấc thang này, vì còn mải mê với quá nhiều bận tâm trong cuộc sống, công việc, gia đình và cả trường hợp đi chệch hướng trong tư duy đầu tư. Tới giai đoạn này, nhà đầu tư cũng đã “ thấm đòn”, kinh nghiệm có nhiều, kiến thức cũng rất vững vàng nhưng vẫn chưa thể kiếm lời. Có thể chúng ta vẫn vướng vào bài học về kỷ luật thép và lòng tham, tới lúc này bạn hãy nhìn lại phương trình phía trên mà chúng tôi đề cập. Liệu sau bao nhiêu năm “chiến đấu”, chúng ta còn sự đam mê và nhiệt huyết để tiếp tục chặng đường cuối cùng trước khi có thể kiếm tiền bền vững từ kênh này hay không. Đi tới đây, hẳn bạn đã có tư duy đúng đắn, điều còn lại là sự mạnh mẽ, năng lượng tràn đầy để chuẩn bị hưởng thành quả là đứng dưới bóng mát của cái cây mà bạn đã gieo trồng bao năm nay. Nên nhớ thiếu một trong ba yếu tố thì tích số cũng vẫn sẽ bằng 0. Không như ở giai đoạn đầu, giai đoạn này đã có rất nhiều thứ để mất, nhưng không được mất niềm tin, nghi ngờ sẽ giết chết thành công.

Chúng tôi đánh giá người thông minh trong đầu tư không phải bằng IQ, mà là sự mạnh mẽ nhìn nhận thẳng thắn và học từ sai lầm của chính bản thân mình.

“Hãy bắt đầu nhìn nhận đầu tư từ những thứ nhỏ nhất xung quanh cuộc sống liên hệ nó với công việc đầu tư của mình”

Đọc tới đây chắn hẳn bạn đồng cảm với chúng tôi về sự thử thách trong đầu tư giá trị và người giải quyết khó khăn này không ai khác là chính bạn. Và bạn cũng hiểu luôn rằng mình cần xử lý ra sao với các tin tức, tư vấn và mọi thứ bạn tiếp xúc qua các kênh truyền thông, bạn bè. Hãy bình tâm mà luận, suy nghĩ, đánh giá lại vào xếp vào trong “kho” tri thức của chúng ta, phân loại nó nằm ở mục nào trên con đường nghiên cứu.

“Hãy cố gắng giữ một cái đầu lạnh để tâm không động trong một thị trường đầy biến động”

Khi lượng đổi chất sẽ đổi, sẽ có một lượng kiến thức khổng lồ mà bạn phải trau đồi, học hỏi ngày qua ngày. Các nhà đầu tư giá trị huyền thoại cũng đều phải mất hàng chục năm để hình thành một triết lý đầu tư cho riêng mình.

Warren Buffett từng đọc cuốn Phân tích chứng khoán – Benjamin Graham 12 lần trước khi quyết định 1 khoản đầu tư vào cổ phiếu của một công ty. Là 1 nhà đầu tư giá trị huyền thoại mà ông vẫn cần phải làm như vậy thì việc nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ chúng ta dành vài năm để nghiên cứu chuyên môn cũng không có gì là lạ.

Tóm lại, sẽ không có “việc nhẹ, lương cao” và công thức cứng nhắc để đầu tư cổ phiếu thành công, chúng ta vẫn phải không ngừng học hỏi, không ngừng thực thi và rút kinh nghiệm. Mong muốn của chúng tôi, các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận đúng bản chất hơn về kênh đầu tư này để chúng ta có một cộng đồng đầu tư giá trị chuyên nghiệp, khách quan hơn trên đà phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Để khi nhắc tới nghề đầu tư chứng khoán, ai cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và trân trọng hơn.

Link đọc thêm bài viết Chuyên môn của 1 nhà đầu tư giá trị, 5 trụ cột giúp đầu tư hiệu quả hơn và nghệ thuật đầu tư Dhandho:

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: