fbpx

Bài học đầu tư: “Tấm đệm” từ câu chuyện thám hiểm của Amundsen và Scott

“Đừng để thời gian trôi qua thật lãng phí, hãy đọc và suy ngẫm để tạo ra giá trị bền vững trong tương lai” VOT PARTNERS

Đó là một cặp so sánh gần như hoàn hảo. Ở đây chúng ta có hai nhà lãnh đạo thám hiểm – Roald Amundsen, người chiến thắng, và Robert Falcon Scott, kẻ thua cuộc – tuổi tác tương đương (39 và 43) và kinh nghiệm có thể sánh ngang nhau. Amundsen đã lãnh đạo hành trình thành công đầu tiên qua Hành lang Tây Bắc và tham gia cuộc thám hiểm đầu tiên để trải qua mùa đông ở vùng Nam cực; Scott dẫn đầu cuộc thám hiểm Nam cực vào năm 1902, đi đến mốc 820 Nam. Amundsen và Scott khởi đầu hành trình đến vùng Nam cực của mình chỉ cách nhau vài ngày, cả hai đều đối mặt với một hành trình cả đi lẫn về hơn 1.400 dặm (xấp xỉ khoảng cách đi về giữa New York và Chicago) trong một môi trường bấp bênh và không khoan nhượng, nơi mà nhiệt độ có thể dễ dàng hạ xuống đến -200 F ngay cả trong mùa hè và những cơn gió đầy bão tố làm thời tiết càng thêm tệ hại. Và hãy nhớ đây là năm 1911. Họ không có những phương tiện liên lạc hiện đại để gọi về trại tập trung – không radio, không điện thoại di động, không kết nối vệ tinh – và nếu họ rơi vào tình thế nguy ngập thì việc cứu nạn ở Nam cực là gần như không thể. Một người đã dẫn dắt đội mình đến chiến thắng và an toàn. Còn người kia lại đưa đội mình vào thất bại và cái chết.

Điều gì đã khiến hai người đàn ông này khác biệt? Tại sao một người đạt được thành công ngoạn mục trong một loạt điều kiện cực độ như thế, trong khi người kia thậm chí còn không thể sống sót?. Ở đây chúng ta có hai nhà lãnh đạo, cả hai đều tìm thành tựu cực độ trong môi trường cực độ (Để biết rõ thêm nữa về Amundsen và Scott, chúng tôi khuyên quý vị hãy bắt đầu với tác phẩm siêu việt Nơi cuối cùng trên Trái đất (The last place on earth) của Roland Huntford, một nghiên cứu so sánh đồ sộ và kỹ lưỡng về hai người đàn ông này.)

BẠN LÀ AMUNDSEN HAY SCOTT?

Vào những năm cuối của độ tuổi U30, Roald Amundsen đã từ Na Uy đến Tây Ban Nha để dự cuộc đi thuyền dài hai tháng nhằm lấy chứng chỉ chỉ huy. Đó là năm 1899. Trước mặt ông là cuộc hành trình gần hai nghìn dặm. Và Amundsen đã thực hiện hành trình này ra sao? Đi xe? Đi ngựa? Đi tàu thủy? hay đi tàu hỏa?

Ông đi bằng xe đạp.

Sau đó Amundsen trải nghiệm việc ăn thịt cá heo sống để có thể quả quyết rằng đấy là một nguồn cung cấp năng lượng. Xét cho cùng, ông lập luận, có thể một ngày nào đó ông bị đắm tàu, xung quanh chỉ toàn là lũ cá heo, vì thế ông cũng muốn biết xem mình có thể ăn chúng được hay không.

Đó là tất cả những việc mà Amundsen đã làm trong những năm xây dựng nền tảng cho cuộc chinh phục, rèn luyện cơ thể và học hỏi càng nhiều càng tốt kinh nghiệm thực tiễn về những gì thực sự có hiệu quả. Amundsen thậm chí còn đi đến học tập những người Eskimo. Còn cách nào để học hỏi những gì có hiệu quả trong các điều kiện ở địa cực tốt hơn cách ở bên những người đã tích lũy được hàng trăm năm kinh nghiệm với băng giá, với cái lạnh, tuyết và gió? Ông học cách người Eskimo dùng chó để kéo xe. Ông quan sát cách người Eskimo chẳng bao giờ hấp tấp, di chuyển chậm và vững vàng, tránh đổ mồ hôi quá nhiều vì có thể bị đông đá khi nhiệt độ dưới không. Ông bắt chước cách ăn mặc của người Eskimo, quần áo rộng (để giúp mồ hôi thoát hơi) và để bảo vệ. Ông thực tập có hệ thống các phương pháp của người Eskimo và tự rèn luyện mình trước mỗi tình huống mà ông hình dung mình có thể phải đối diện trên đường đến địa cực.

Triết lý của Amundsen: Bạn đừng chờ đến khi gặp phải một cơn bão bất ngờ để thấy rằng mình cần phải có thêm sức khỏe và dẻo dai. Đừng chờ đến khi bị đắm tàu mới quyết định xem có nên ăn thịt cá heo sống hay không. Đừng chờ đến khi đang trên hành trình đi Nam cực mới trở thành một tay trượt tuyết và điều khiển chó siêu hạng. Bạn chuẩn bị với cường độ cao, lúc nào cũng vậy, để khi gặp các điều kiện bất lợi, bạn có thể tận dùng nguồn dự trữ sức mạnh từ sâu thẳm. Và đồng thời, bạn chuẩn bị để khi gặp các điều kiện thuận lợi, bạn có thể tấn công mạnh mẽ

Robert Falcon Scott thể hiện hoàn toàn ngược lại với Amundsen. Trong những năm tháng hướng tới cuộc chạy đua đến Nam cực, lẽ ra ông phải rèn luyện như một kẻ mắc chứng nghiện trượt tuyết xuyên đất nước và đạp xe đi nghìn dặm. Ông đã không làm thế. Lẽ ra ông phải đến sống cùng những người Eskimo. Ông cũng đã không. Lẽ ra ông phải thực tập nhiều hơn với chó, để dễ dàng chọn lựa giữa chó và ngựa. Không như chó, những con ngựa ra mồ hôi ở da vì vậy chúng bị bọc trong băng khi bị cột và vật lộn trong tuyết, và nhìn chung chúng không ăn thịt. (Amundsen đã trù tính trên đường đi sẽ giết những con chó yếu hơn để cung cấp thức ăn cho những con chó khỏe.) Scott chọn ngựa. Scott cũng đặt cược vào “những xe trượt có động cơ” chưa từng được kiểm tra đầy đủ trong điều kiện khắc nghiệt tột cùng nhất của Nam cực. Nhưng hóa ra, các động cơ của xe trượt bị vỡ nứt chỉ trong vài ngày đầu, lũ ngựa cũng bỏ cuộc sớm và đội của ông phải ì ạch suốt hành trình bằng “sức người kéo”, tự quàng dây buộc mình vào xe kéo, vật lộn trong tuyết và kéo những chiếc xe trượt phía sau.

Không như Scott, Amundsen đã xây dựng một cách có hệ thống rất nhiều các lớp đệm cho những sự kiện không thể lường trước. Khi dựng các trạm tiếp tế, Amundsen không chỉ đánh dấu một trạm đầu tiên mà ông còn cắm 20 chiếc cờ đuôi nheo màu đen (để có thể dễ dàng nhận thấy trong tuyết trắng) theo những khoảng cách bằng nhau dài hàng dặm ở cả hai bên, giúp ông có được mục tiêu hơn 10 km bề rộng trong trường hợp ông bị chệch đường trong lúc bão tố khi trở về. Để cho chặng về nhanh hơn, ông đã đánh dấu đường đi của mình ở mỗi 1/4 dặm bằng những vật dư thừa trong thùng hàng và ở mỗi 8 dặm ông lại treo cờ đen lên cột tre. Ngược lại Scott chỉ cắm một lá cờ tại trạm tiếp tế đầu tiên và chẳng để lại dấu vết gì trên con đường của mình, đặt mình vào thảm họa nếu chỉ cần một chút chệch đường. Amundsen trữ ba tấn hàng cung cấp cho 5 người khởi hành trong khi Scott chỉ trữ một tấn cho 17 người. Trong chặng cuối cùng đến Nam cực từ vĩ độ 82, Amundsen đã mang một lượng hàng cung cấp thêm đủ để dùng nếu nhỡ hết các trạm dừng và vẫn còn đủ dùng nếu có đi thêm 100 dặm. Scott thì dùng mọi thứ gần sát với tính toán của mình một cách hết sức nguy hiểm, vì vậy chỉ cần nhỡ mất một trạm cung cấp là đủ để gặp tai họa. Một chi tiết nhỏ có thể nêu bật sự khác biệt trong giải pháp của hai người: Scott chỉ đem theo một cái nhiệt kế để làm dụng cụ chính đo độ cao so với mặt nước biển và ông đã bùng nổ “một cơn giận dữ và phải lãnh chịu hậu quả” khi nó bị vỡ; trong khi Amundsen lại đem theo những bốn cái để phòng những tại nạn như thế.

Amundsen không biết chính xác những gì ở phía trước. Ông không biết địa hình chính xác, độ cao so với mặt nước biển của các con đường hẹp trên núi hay tất cả những chướng ngại vật mà ông có thể chạm trán. Ông và đội của ông có thể bị nghiền nát bởi một loạt những sự kiện không may. Thế nhưng ông đã thiết kế toàn bộ hành trình sao cho có thể giảm một cách có hệ thống vai trò của các ngoại lực to lớn và những sự kiện tình cờ bằng cách quyết liệt gắn chặt với khả năng có thể xảy ra của chính những ngoại lực to lớn và những sự kiện tình cờ ấy. Ông giả sử những sự kiện xấu có thể tấn công vào đội của ông ở đâu đó trên đường đi và ông chuẩn bị cho họ, thậm chí phát triển những kế hoạch để đối phó với các sự kiện bất ngờ để đội vẫn có thể tiếp tục nếu có gì đó không may xảy ra cho ông trên đường đi. Scott không tự chuẩn bị và than phiền trong nhật ký về vận rủi của mình. “Sự may rủi của chúng tôi về thời tiết thật lố bịch,” Scott đã viết như vậy trong nhật ký, và ở một đoạn khác ông viết “Thật vượt quá sức chịu đựng của chúng tôi về sự xui xẻo… Yếu tố may rủi quả là to lớn!”

Ngày 15/12/1911, trong ánh mặt trời rực rỡ chiếu lấp lánh qua vùng mênh mông trắng, với một cơn gió nhẹ thổi tạt ngang và nhiệt độ là -100 F, Amundsen đã đến được Nam cực. Ông và đội của mình đã cắm quốc kỳ Na Uy, “phần phật bay trong gió”, và dành tặng vùng mênh mông ấy đến đức vua Na Uy. Sau đó họ quay trở lại công việc ngay lập tức. Họ dựng lều và cột một lá thư gửi đức vua Na Uy mô tả lại thành công của họ; Amundsen đề địa chỉ trên phong thư cho Thuyền trưởng Scott (giả định Scott sẽ là người tiếp theo đến được Nam cực) như một bằng chứng bảo đảm trong trường hợp đội của ông gặp phải bất trắc trên chặng về. Ông có lẽ không thể biết rằng Scott và đội của ông ta đang dùng sức người để kéo các xe trượt tuyết, đúng 360 dặm phía sau.

Hơn một tháng sau, vào lúc 6:30 chiều ngày 17/1/1912, Scott nhận ra mình đang nhìn chằm chằm vào quốc kỳ Na Uy của Amundsen tại Nam cực. “Chúng tôi đã có một ngày khủng khiếp,” Scott viết trong nhật ký. “Thêm vào sự thất vọng của chúng tôi là một cơn gió ngược cấp 4 đến 5 và nhiệt độ -220 … Lạy Chúa, đây là một nơi dễ sợ và đủ kinh hoàng cho chúng con khi cật lực đến được đây để rồi không được nhận phần thưởng là kẻ tiên phong.” Cũng vào ngày hôm ấy, Amundsen đã đi được gần năm trăm dặm trở về hướng bắc, đến trạm tiếp tế ở vĩ độ 82 chỉ với tám ngày rất dễ dàng. Scott quay lại và nhắm trở về hướng bắc, cách căn cứ chính hơn 700 đặm bằng sức kéo của người và ngay khi thời tiết bắt đầu giao mùa. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, gió càng thổi mạnh và nhiệt độ càng giảm, trong khi nguồn cung cấp thì teo lại và mọi người phải vật lộn trong tuyết.

Amundsen và đội của ông về đến căn cứ chính trong tình trạng tốt vào ngày 25/1, đúng vào ngày ông đã dự định cho hành trình. Hết nguồn cung cấp, Scott bị sa lầy vào giữa tháng Ba, kiệt sức và tuyệt vọng. Tám tháng sau, một nhóm trinh sát Anh đã tìm thấy các thi thể bị đông cứng của Scott và hai người đồng hành trong một túp lều nhỏ ở nơi xa xôi, đầy tuyết xoáy, và chỉ cách trạm tiếp tế của ông có mười dặm

Trích trong cuốn “Vĩ đại do lựa chọn” của tác giả Jim Collins

Bài học đúc kết: Trong đầu tư cũng như vậy, cả hai doanh nghiệp A và B trong một ngành có thể cùng xuất phát điểm như nhau nhưng kết quả thành công cực kỳ khác nhau, không phải vì họ đối diện với những hoàn cảnh cực kỳ khác nhau. Nếu A và B đương đầu cùng một môi trường kinh doanh, trong cùng một năm với cùng một mục tiêu thì nguyên nhân dẫn đến thành công và thất bại hoàn toàn không thể là do môi trường. Họ có những kết quả khác nhau chủ yếu là vì họ đã thể hiện những hành vi hết sức khác nhau. Điều quan trọng đó chính là “Tấm đệm” mà doanh nghiệp tốt hơn đã chuẩn bị. Như Warren Buffett đã từng nói “Biết sợ hãi khi người khác tham lam và biết tham lam khi người khác sợ hãi”. Doanh nghiệp tốt hơn sẽ:

1. Luôn đưa ra những phương án “thử và sai” từ thực nghiệm một cách liên tục và chỉ áp dụng những gì thực sự hiệu quả.

2. Vì phải luôn đối diện với sự bấp bênh liên tục và rằng họ không thể kiểm soát cũng như dự đoán một cách chính xác những khía cạnh quan trọng của thế giới. Nhưng để tránh những rủi ro không thể lường trước này, họ luôn dự phòng “Tấm đệm” cho mình và để chớp lấy cơ hội sử dụng nó nhằm tạo ra kết quả tốt hơn trung bình trong những hoàn cảnh khó khăn

3. Và cuối cùng, đó chính là việc làm đúng với nguyên tắc và giá trị mà họ đề ra. Điều đã đưa họ đến thành công.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: