fbpx

Thấy gì từ khuyến nghị của các CTCK?

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 đã diễn ra, theo “nguyên tắc bất thành văn” tại Việt Nam, quý III là quý “thấp điểm” của lợi nhuận và DN thường có xu hướng dồn lợi nhuận cho quý cuối cùng cho việc chốt sổ sách. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, “cơn khát” thông tin tích cực và một đợt tăng giá đã khá lớn do xu hướng đi ngang của thị trường kể từ đầu năm 2018. Lướt qua các diễn đàn chứng khoán có thể thấy sự “trầm lặng” này kéo dài, đỉnh điểm của cơn khát tăng giá, mong muốn tìm kiếm lợi nhuận là những bình luận theo kiểu “để lại 1 chấm và nhận ngay mã cổ phiếu ăn bằng lần”. Thời điểm hiện tại, các Công ty chứng khoán đã bắt đầu đưa ra những nhận định, dự đoán về thị trường, nhóm ngành, nhóm cổ phiếu có khả năng “tăng giá” trong quý III và những tháng cuối năm trong đó có thể tóm gọn lại 2 ý chính như sau:

  • Chiến tranh thương mại là lý do cho tâm lý e ngại của thị trường, đi ngang của điểm số, lãi suất, tỷ giá, lạm phát, dự trữ ngoại hối, gdp vẫn đang được kiểm soát tốt …v..v.

  • Các nhóm ngành chính có thể cân nhắc xem xét như: ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, vật liệu xây dựng, điện, nước…v..v.

Một số phân tích rất sát sao, số liệu chi tiết và cập nhật liên tục, một số khác có đánh giá rất tổng quan nhưng cuối cùng tất cả những phân tích này lại có chung một mục tiêu là “dự đoán” thị trường với thời gian càng ngắn càng tốt. Nhà đầu tư cũng nên hiểu rằng những dự báo thường cho ta biết nhiều hơn về người dự báo vì trên thực tế không ai dự báo trước được điểm số thị trường cả và việc làm này không có cơ sở cũng không tạo ra thêm giá trị. Tốt hơn là nên tập trung vào hoạt động cốt lõi của DN, để xác định được cơ hội đầu tư cần tập trung vào nhận diện và kiểm soát rủi ro trước. Cần phân biệt được xác định một cơ hội đầu tư tốt khác với việc xác định một cổ phiếu sắp tăng giá ngay trong quý IV, việc làm thứ nhất đúng đắn và có nền tảng vững chắc hơn.

Nhà đầu tư cần hiểu khái niệm căn bản của rủi ro, đó là những biến cố không chắc chắn có thể gây ra tổn thất cho nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh của DN. Nhưng khái niệm rủi ro đang bị hiểu sai là độ biến động của giá, đôi khi tỷ suất sinh lời trong hoạt động của DN lại bị đánh đồng với việc tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Cùng xem xét các nhóm ngành đang được các CTCK khuyến nghị như sau:

Nhóm ngân hàng: đang công bố lợi nhuận tăng trưởng tốt và rất khả quan. Vấn đề là số liệu này ai cũng sẽ đọc được một cách dễ dàng và lợi nhuận luôn là biến số mà nhà đầu tư để mắt tới đầu tiên. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống theo số liệu của Tổng cục thống kê 9 tháng năm 2019 đạt 8,4% (mục tiêu năm nay là 14%), cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng đạt 9,52%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2014 tới nay. Bản chất các ngành ngân hàng hoặc tài chính bảo hiểm, các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ, là đi “mua một mức rủi ro để nhận được lợi nhuận”, vậy biến số đầu tiên phải chú ý tới trong ngành này là rủi ro chứ không phải lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng trong những năm vừa qua đóng góp 1 phần không nhỏ là từ tín dụng tiêu dùng. Hệ quả của quá trình tăng trưởng và biểu hiện bằng số của những rủi ro này chính là nợ xấu. Một trong những trọng tâm giai đoạn này của hệ thống NH vẫn là xử lý nợ xấu, số dư nợ xấu VAMC tính tới cuối năm 2018, dư nợ gốc mua bằng trái phiếu đăc biệt nội bảng còn hơn 338 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu hồi hơn 115 nghìn tỷ.

Nhà đầu tư đều biết rằng khi tăng trưởng chi tiêu, tỷ trọng tiết kiệm/ GDP sẽ sụt giảm và mang lại tác động lâu dài không tốt cho nền kinh tế vì những thu nhập tương lai không được tái đầu tư mà sẽ quay ngược lại để trả nợ. Và khi nền kinh tế ở trong trạng thái không thuận lợi, tín dụng cho tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên và nhanh chóng. Có thể nói “qua rồi” thời biến động đồng pha “cùng tăng, cùng giảm” của các cổ phiếu như giai đoạn trước năm 2014, đặc biệt là nhóm Ngân hàng. Bức tranh sẽ ngày một rõ ràng hơn và dòng tiền sẽ ngày càng “thông minh” hơn.

Nhóm bất động sản: phụ thuộc lớn vào lượng vốn từ Ngân hàng rót vào. Bằng sự quan sát thông thường, nhà đầu tư có thể thấy ngành bđs đang chịu rủi ro 2 đầu, đặc biệt là các chủ đầu tư trực tiếp xây dựng dự án. Đầu vào khó huy động vốn và đầu ra cũng đang chịu sự kiểm soát. Đặc biệt, với các Công ty có độ tập trung cao tại khu vực TP.HCM. Các công ty bđs rất dễ rơi vào vòng xoáy liên tục tăng trưởng, tìm quỹ đất đẹp, vay nợ NH và mất cân đối dòng tiền, vay nợ thêm từ đó kéo theo hiệu quả kinh doanh dài hạn không được đảm bảo. Rủi ro khá cao và rất phức tạp dưới góc độ một nhà đầu tư cá nhân có thể hiểu và kiểm soát được.

Nhóm bán lẻ: 8 tháng năm 2019 đạt 3,2 triệu tỷ đồng (gần 14 tỷ đô la, +11,5% yoy), tiềm năng lớn và cạnh tranh khốc liệt là hai vấn đề nổi bật và dễ thấy nhất trong ngành này thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kép trong doanh số của ngành và sự đào thải đồng thời gia nhập rất cao từ các DN nước ngoài, chắc chắc mức độ cạnh tranh sẽ còn tăng cao hơn nữa trên nhiều nhóm mặt hàng. Các nhóm ngành nổi bật, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu và cả trong số các DN bán lẻ niêm yết trên sàn là hàng nhu yếu phẩm, tiện ích, điện thoại, điện máy và trang sức. Một nguyên tắc trong ngành bán lẻ là các chủ DN phải trở nên “thông minh hơn mỗi ngày” vì việc bắt kịp xu hướng tiêu dùng rất quan trọng bên cạnh các vấn đề như thương hiệu, chuỗi cung ứng và nguồn vốn. Nhìn trên góc độ chung của toàn ngành sẽ thấy sự tiềm năng rõ rệt nhưng theo từng nhóm ngành có những đặc thù riêng, theo đó người Việt Nam được xem là nắm bắt xu hướng khá nhanh và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhưng câu chuyện về thói quen của người tiêu dùng vẫn cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu và mặt bằng bán lẻ vẫn là bài toán đau đầu và trọng yếu cho việc mở rộng nhanh chóng. Giá trị một cửa hàng bán lẻ sẽ tăng rất nhanh thậm chí sẽ vượt xa chi phí xây dựng cửa hàng đó trong giai đoạn tăng trưởng, vì nó bao gồm các giá trị khác như vị trí, thương hiệu…từ đó định giá các Công ty bán lẻ đang tăng trưởng luôn rất cao “trong giai đoạn tăng trưởng”. Khi tốc độ chậm lại, nhiều đối thủ nhảy vào thì chi phí bỏ ra để có thêm 1 khách hàng sẽ tăng nhanh kéo theo hiệu suất giảm. Để khắc phục bài toán này, các DN sẽ song song thực hiện 2 hướng đi là tối ưu hóa việc vận hành và nhảy sang những mặt hàng mới. Cân đối tài chính và dòng tiền trở nên vô cùng quan trọng giai đoạn chuyển tiếp này.

Nhóm vật liệu xây dựng: theo khảo sát của BMI, ngành xây dựng – vật liệu xây dựng được cho sẽ tiếp tục tăng trưởng đến hết năm 2019, riêng ở khu vực TP.HCM vật liệu xây dựng năm nay tiếp tục được mùa. Nếu chỉ nhìn riêng các công ty niêm yết trên sàn thì bức tranh có lẽ sẽ tiêu cực hơn nhưng nhìn cả nền kinh tế thì thị trường vật liệu xây dựng vẫn tăng trưởng vì Việt Nam vẫn đang là 1 quốc gia đang phát triển, duy trì tỷ lệ tăng trưởng của ngành quanh 10%/năm là con số bình thường , tuy nhiên vật liệu đầu vào tăng gây ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận của các công ty xây dựng lớn. Đối với các nhà thầu nhỏ có thể rất linh động, khi thu nhập dân cư tăng lên, những khu dân cư phát triển đến tận làng xã thì đây lại là mảnh đất màu mỡ cho những nhà thầu và cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ mà những ông lớn không thể nào lấy được. Ngành xây dựng cũng là một ngành có tính chu kỳ rất rõ nếu nhìn tổng thể, tuy nhiên các Công ty xây dựng lớn trên sàn lại thể hiện tính chu kỳ rõ ràng hơn khi doanh thu phụ thuộc lớn vào bất động sản dân dụng tại những thành phố lớn đang hạn chế cấp phép, dự án lại được tài trợ tập trung vào một số chủ đầu tư lớn.

Nhóm điện, nước: khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung bắt đầu nổ ra từ đầu tháng 7/2018 trước đó là một đợt sụt giảm của chỉ số, tâm lý thận trọng đang bao trùm toàn thị trường. Thời điểm đó nhóm điện – nước lại trở thành “ngôi sao” khi có đợt tăng giá kéo dài. Nhà đầu tư thường gọi đây là nhóm cổ phiếu “phòng thủ” vì đây là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế diễn ra đối với 1 công ty ngành nước đang không “an toàn” và có tính phòng thủ như nhà đầu tư suy nghĩ trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, nắng nóng kéo dài cũng tạo điều kiện cho hoạt động của các công ty nhiệt điện thuận lợi hơn nhưng nếu cứ căn cứ vào dự báo thời tiết để dự đoán tình hình công ty về lâu dài thì cũng không ổn. Tóm lại, không có nhóm ngành nào gọi là nhóm phòng thủ cả ngay cả khi đó là những công ty kinh doanh những mặt hàng thiết yếu nhất nếu công ty đó không nằm trong vòng tròn hiểu biết của nhà đầu tư.

Khái niệm “vòng tròn năng lực” luôn luôn phải ghi nhớ, ngoài ra tư duy ngược giúp nhà đầu tư có nhiều góc nhìn thực tế hơn trong thời đại thông tin “quá tải”. Để đầu tư thành công cần có cái nhìn sâu sắc và toàn diện, nên tư duy như chủ sở hữu thực sự của một công ty, cũng không nên nhìn cổ phiếu dưới ánh nhìn của một nhà tư vấn, nhà phân tích, nhà kinh tế học vĩ mô hay nhà quản lý quỹ…. Nhân tố rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của một nhà đầu tư thực thụ -kiếm được tiền dài hạn từ đầu tư, chính là sự độc lập, khách quan và thực tế, việc cố gắng nhìn những vấn đề và suy luận theo cách mà ta muốn nhìn lâu ngày sẽ trở thành thói quen xấu, ảnh hưởng tới kết quả đầu tư chung.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: