fbpx

Tư duy về thị trường: dấu hiệu nhận biết từ vĩ mô (Phần 1)

“Đừng để thời gian trôi qua thật lãng phí, hãy đọc và suy ngẫm để tạo ra giá trị bền vững trong tương lai” VOT PARTNERS

“Các nhà giao dịch thì phản ứng với thị trường. Còn các nhà đầu tư giá trị thì xem thị trường như một đối tác, bản thân giá trị chính là động lực quay trở về của giá trị” 

 

Bất kỳ một thị trường nào đều tồn tại trong ba trạng thái giảm, tăng và đi ngang, đối với các nhà giao dịch thường yêu thích và năng động hơn trong thị trường giá lên, giá giảm hoặc đi ngang không phải là “bạn” của những nhà giao dịch này. Nhà đầu tư cũng vẫn sẽ xác định trạng thái của thị trường theo những cách không giống với các trường phái khác. Thay vì dùng các công cụ kỹ thuật, sức mạnh đà, hay trường phái đầu tư tăng trưởng thực ra đã có trên thế giới trong rất nhiều năm, nhà đầu tư nhìn vào các yếu tố nội tại, cơ bản của Doanh nghiệp, ngành nghề, giá thị trường chỉ là một nhân tố quan trọng trong việc ra quyết định giá mua hợp lý cho tầm nhìn rất dài hạn để có tỷ suất sinh lời tốt hơn. Trước hết phải xét tới dấu hiệu cụ thể của hai trạng thái thị trường phồ biến là Bull (thị trường con bò) và Bear Market (thị trường con gấu):

Bear Market: thị trường con gấu thực sự làm giá cổ phiếu giảm rất nhiều và đưa ra cơ hội đầu tư rất lớn cho chiến lược mua đi ngược lại với tâm lý đám đông. Rất hiếm chọn được một khoản đầu tư thực sự tốt nhưng rất dễ để phát hiện ra thị trường con gấu, các phương tiện truyền thông đều có hàng loạt các bài báo, phỏng vấn, nhận định “chúng ta” đang ở trong thị trường giá xuống. Khi giới tài chính thông báo rộng rãi ra bên ngoài, tâm lý mọi người trở nên bi quan quá mức và những lời khuyến nghị “hạn chế tham gia với tỷ trọng thấp” liên tục được nhắc tới. Bear market thường xuất hiện sau một đợt thị trường giá lên trong một thời gian dài, giá cổ phiếu bị đẩy lên “cung trăng” thường được nhắc tới như khái niệm “bong bóng”, thị trường giá lên có thể kéo dài 4-5 năm như giai từ giai đoạn năm 2013 tại Việt Nam tới nay hoặc ở nước ngoài có thể kéo dài hơn đến hàng chục năm.

“Warren Buffett tin rằng, nỗi sợ hãi trong giai đoạn điều chỉnh là một cơ hội hoàn hảo cho chiến lược đi ngược đám đông. Ông mua Coca Cola trong suốt giai đoạn suy thoái năm 1987”.

Quá trình chuyển đổi từ Bear Market sang Bull Market: thị trường giá lên xuất hiện sau trạng thái suy thoái của nền kinh tế, sau một đợt thị trường giá xuống không khó để tìm các cổ phiếu đang giao dịch tại mức P/E một chữ số (nhỏ hơn 10, ngược lại với trường hợp giá lên với P/E lên tới 30 lần hoặc hơn). Ngân hàng Trung ương có động thái hạ lãi suất để kích cầu, thúc đẩy nền kinh tế, như vậy điều này khiến giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Ở nước ngoài, trong thị trường giá xuống, những nhà quản lý tiền theo chiến lược đầu tư ngược đám đông, với định hướng giá trị thường được thuê trong rất nhiều giai đoạn này thay cho trường phái đà tăng trưởng – những người đã thất bại khi giá cổ phiếu sụp đổ. Warren Buffett gọi chiến lược này là “mua một đồng đô la với giá 50 cents”. Rất nhiều công ty phải chứng kiến giá cổ phiếu của họ giảm khi trải qua một nền kinh tế ảm đạm và một thị trường giá xuống không hơn không kém, trong khi không có nhân tố nào thực sự nổi bật “ăn mòn” lợi nhuận của các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững trong giai đoạn này. Công ty vẫn tạo ra tài sản dồi dào cho các cổ đông, thị trường, cổ phiếu của công ty vẫn đang ở trong trạng thái “quá bán”.

Bull Market: Lãi suất cơ bản hạ thấp thúc đẩy nền kinh tế và khiến lợi nhuận làm ra của doanh nghiệp “có giá trị hơn”, là nguyên nhân trực tiếp kéo giá cổ phiếu tăng trở lại. Nhà đầu tư chứng kiến giá cổ phiếu tăng và bắt đầu nhảy vào mua, quá trình này tiếp diễn thu hút nhiều nhà đầu tư vào hơn. Các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán bắt đầu quay trở lại quảng cáo nhiều hơn để hút vốn. Khi bạn “nhòm ngó” sang người hàng xóm và thấy danh mục họ sinh lời 20%- 30% một cách dễ dàng, người gửi tiền tiết kiệm bắt đầu rút tiền và mua cổ phiếu. Nhà đầu tư theo trường phái đà tăng trưởng lại bắt đầu xuất hiện, nổi lên với những khoản đầu tư sinh lời khủng. Những nhân tố này đóng một vai trờ quan trọng trong diễn biến tài chính. Trong quá trình đi lên, thị trường luôn vấp phải những đợt điều chỉnh ngắn hạn (Correction)  làm nhà đầu tư “hoang mang” . Cần nhấn mạnh lại khái niệm rằng “không có bất kỳ cần một vấn đề kinh doanh thực sự khó khăn nào các Công ty cần phải trải qua, hay cú sốc kinh tế nào”, để quay lại thị trường Bear Market cần xuất hiện sự khó khăn thực sự trên diện rộng của nền kinh tế.

 

Khi thị trường đạt đỉnh: Trong suốt quá trình thị trường giá lên, một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các cá nhân, tổ chức đầu tư khác bắt đầu thay đổi các tiêu chí định giá của họ một cách dễ dàng, hợp lý hóa giá cổ phiếu vẫn đang còn rất rẻ vì giá đang giao dịch dưới mức P/E của thị trường chung. Giá cổ phiếu lại tiếp tục tăng và những giả định của họ tiếp tục được “biện hộ” một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, một điều thú vị khi giá cổ phiếu tăng tới mốc P/E 40 – 50 lần, thay vì mô hình định giá dựa trên lợi nhuận, dòng tiền thì bây giờ dựa trên “Doanh thu”. Điều này có thể áp dụng cho cổ phiếu của những Công ty đơn lẻ, khi công bố tin tức tốt về hợp đồng, đơn hàng nhận được giá có xu hướng đi xa hơn giá trị thực nhận được từ những hợp đồng, đơn hàng này. Phương pháp định giá này có thể liên tưởng tới các quỹ đầu tư “mạo hiểm” trả giá trên doanh thu của Start – up trong khi các công ty chưa tạo ra bất kỳ đồng lợi nhuận nào. Các phương pháp trading như dùng phân tích kỹ thuật, đà tăng trưởng, Canslim trở nên rất thịnh hành trong giai đoạn này. Các nhà đầu tư giá trị trở thành những “ẩn sĩ” như quần áo bị lỗi mốt, không hợp thời hoặc tệ hơn như người bị bệnh hủi bị các nhà đầu cơ khác tránh xa. Những cá nhân, tiểu thương, hộ gia đình nhỏ lẻ cũng rời khỏi công việc kinh doanh truyền thống hàng ngày, liên tục nhắc về khoản lời chứng khoán với thái độ phấn khởi.

Khi nhà đầu tư giá trị rời khỏi cuộc chơi: Một trong ba lý do khiến nhà đầu tư giá trị rời khỏi cuộc chơi là khi giá cổ phiếu đi quá xa ngay cả khi so với tiềm năng dài hạn của Công ty. Tiền đổ vào trong thị trường chứng khoán nhiều hơn nữa vì nhiều người dễ bị dụ vì khả năng giàu nhanh chóng, nhảy vào cuộc chơi. Một nền kinh tế được “hâm quá nóng” có nghĩa là lạm phát được đẩy lên cao, các NHTW sẽ có động thái kìm chế lại bằng cách nâng lãi suất, siết tăng trưởng tín dụng để làm xì từ từ quả bong bóng này, điều này không xảy ra trong một đêm. Ban đầu thị trường sẽ lờ đi các tín hiệu tăng lãi suất này, vì thị trường không quan tâm tới cả lợi nhuận của doanh nghiệp thì khó có thể chú ý tới lãi suất. Trong một trò chơi giá lên, đà tăng trưởng, bạn phải di chuyển tới bất kỳ đâu mà dòng tiền đang tập trung. Trên thực tế nhà đầu tư giá trị thành công trên thế giới, đã bán cổ phiếu từ trước rất lâu khi quả bong bóng thực sự nổ, họ sẽ kiên nhẫn ngồi trên đống tiền mặt quan sát và chờ đợi cơ hội ở các nhóm ngành, công ty đang bị tránh xa rơi về mức giá thấp tới mức phi lý trí.

Những điều trên nghe có vẻ mọi thứ “hoàn hảo” với các nhà đầu tư giá trị và có vẻ dễ dàng trong việc xác định thị trường đang ở trong giai đoạn nào. Hãy nhớ lại Warren Buffett không mua cổ phiếu dựa trên việc ông ấy nghĩ thị trường sẽ định làm gì, tức ông không cố gắng dự đoán thị trường như các chuyên gia. Ông ấy đầu tư khi “giá cả làm cho mô hình kinh doanh có ý nghĩa”, tức ngay cả khi Công ty rất tốt nhưng giá cả quá cao cũng không thể là một khoản đầu tư tốt. Điểm chính yếu là nền tảng để thực sự để quyết định nắm giữ một khoản đầu tư lâu dài tự nó đã hài hòa các yếu tố khác trong quá trình tác động của ngoại cảnh.

“Peter Lynch dành 15 phút một năm để phân tích nền kinh tế vĩ mô, trước đó ông cùng một nhóm các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp đã nỗ lực phân tích trong nhiều năm để đưa ra dự đoán, nhưng tất cả đều không tạo ra nhiều giá trị cho việc đầu tư thực sự”.

Tất cả các dấu hiệu trên có thể nhìn thấy rõ hơn trong lịch sử các thị trường chứng khoán đã phát triển hàng trăm năm. Thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá non trẻ và mới chỉ trải qua một cuộc suy thoái đúng nghĩa gọi là Bear Market vào giai đoạn 2007 – 2008, nhà đầu tư có thể nhìn lại môi trường vĩ mô trong giai đoạn này, những ai đã trải qua có lẽ đều thấy được sự say mê và điên cuồng cho tới sợ hãi tột độ.

Thay vì nhìn vào giá và thanh khoản thị trường hay chỉ số chỉ là những dấu hiệu thể hiện sau đó, hoàn toàn không có cơ sở thể hiện điều này báo hiệu một cuộc khủng hoảng hay suy thoái. Nhà đầu tư có thể thấy được thông qua vài phút đọc về tin tức vĩ mô mỗi ngày từ mặt bằng lãi suất, lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng xuất nhập khẩu…Vài năm gần đây xuất hiện rất nhiều lý do giải thích cho sự điều chỉnh của thị trường như:

  • Ngành Ngân hàng siết tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng chậm lại kéo theo các nhóm ngành khác nhạy cảm với lãi suất như bất động sản, chứng khoán, tài chính sụt giảm theo là nguyên nhân tiền không được đổ vào thị trường chứng khoán nhiều.
  • Kênh phái sinh xuất hiện kích thích dòng tiền đầu cơ, đánh bạc từ thị trường cơ sở, sắp tới là các sản phẩm về chứng quyền có đảm bảo trên cổ phiếu.
  • Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mở ra nhiều cơ hội, thách thức cho Doanh nghiệp, cần đề phòng rủi ro và thách thức.

Những điều trên tuy không sai nhưng không thể giải thích một cách hoàn hảo và không bao giờ có thể hoàn hảo. Việc dòng tiền sụt giảm, chỉ số giảm đơn giản là vì chỉ số đã tăng nóng trong một khoảng thời gian ngắn không còn hấp dẫn được thêm các dòng tiền đầu cơ, ngắn hạn và đã gọi là ngắn hạn thì độ biến động rất cao, không thể nào tìm lý do cho tâm lý đám đông được. Nhìn dài hạn ra nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng tăng dài hạn kể từ năm 2014 tới nay, tức Việt Nam vẫn đang trong trạng thái Bull Market đan xen trong đó vẫn có các ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp có triển vọng và mức giá còn hợp lý trong dài hạn. Có hàng nghìn lý do để giải thích, hàng triệu dự đoán bao gồm cả các thuyết âm mưu, chiêm tinh học tài chính. Một số nhận định có phần rất tiêu cực về mặt số liệu xác thực dùng trong tính toán GDP, lạm phát…, chung quy lại theo quan điểm người viết, việc phân tích vĩ mô chỉ nhằm hai mục đích chính:

1. Nhận diện các thông tin tổng quan, mặt bằng chung về môi trường vĩ mô xung quanh tác động tới hoạt động của một doanh nghiệp.
2. Dự đoán tình hình của nền kinh tế ở trong tương lai, đặc biệt là cố gắng dự báo tính chu kỳ của nền kinh tế.
Trong đó việc làm thứ nhất luôn dễ dàng hơn việc làm thứ hai, suy thoái, khủng khoảng chỉ biết rõ khi nó đã và và đang xảy ra, các cuộc khủng hoảng đa phần đều không thể dự đoán trước được và với nhiều lý do khác nhau. Nói như vậy, không có nghĩa là việc biết và tìm hiểu về vĩ mô không tạo ra giá trị gì, việc này cũng giúp nhà đầu tư nhìn nhận rủi ro, thách thức cũng như cơ hội liên quan trực tiếp tới Doanh nghiệp cho tới khi các sự kiện thực sự xảy ra ít nhất nhà đầu tư cũng sẽ có sự chuẩn bị, nghiên cứu trước.

“Vĩ mô không phải là nhân tố để Warren đưa ra quyết định đầu tư, thậm chí tình hình vĩ mô không tốt mang lại cơ hội mua vào rất tốt cho ông”.


“Có thể chúng tôi chưa hoàn hảo, nhưng chúng tôi biết cách nỗ lực và học hỏi để trở thành nhà đầu tư giá trị” – 
VOT PARTNERS

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: