fbpx

Thị trường chứng khoán không thể “may mắn 1 lần”

Thị trường chứng khoán không thể “may mắn 1 lần”

I. Bạn là kẻ đi săn hay bị săn?

Thị trường chứng khoán trong 20 năm qua vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kép rất tốt trên 10%/năm nhưng nhiều lớp nhà đầu tư đã bị “vùi lấp” vĩnh viễn dưới chân các con “sóng thần”. Đó là sự thật khắc nghiệt của thị trường chung và là những bài học không bao giờ quên của các lớp nhà đầu tư đó để lại. Có câu nói “các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường học những bài học cũ và những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường lại học những bài học đã bị lãng quên”. Kết quả chung là các nhà đầu tư thất bại đều “mất tiền”, có nhiều cách để đánh mất tiền khác nhau và những bài học này nên được “đóng gói” lại để truyền đạt tới các thế hệ sau để họ không phải trả giá đắt như vậy.

 
Trong cuộc sống có 1 triết lý “kẻ mạnh chưa chắc là kẻ chiến thắng mà kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh (Franz Anton Beckenbauer)”. Những nhà đầu tư họ thường xem mình là “người đi săn (hunter)” các món hời trên thị trường, nhưng thực tế lại rất “phũ phàng” khi người đi săn lại biến thành “con mồi (hunted)”, như vậy nhà đầu tư đã bị chuyển từ trạng thái kiểm soát sang bị chi phối theo đúng triết lý “cái nào mạnh hơn kẻ đó sẽ chi phối”. Vì nhiều lý do mà họ sẵn sàng thực hiện những chiến lược mà trong điều kiện tâm lý bình thường họ sẽ không thể nào nghĩ tới điều đó. Trong khi trải nghiệm qua quá trình này nhiều năm trên thị trường chứng khoán, nhìn lại và suy ngẫm về những diễn biến trong trạng thái tâm lý, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tránh được những sai lầm từ mẫu hình tâm lý quen thuộc. Các trạng thái phổ biến có thể kể tới như sau:
 
  • “Cờ bạc đãi tay mới” ám chỉ việc nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán với suy nghĩ tò mò, khám phá và thử nghiệm nhưng kết quả thì ngoài sức tưởng tượng của họ, họ kiếm được rất nhiều tiền một cách dễ dàng. Cả chuỗi quá trình này có thể nhìn lại như sau: ban đầu nhà đầu tư chưa có ý định gì về việc tham gia vào thị trường chứng khoán, họ giữ trạng thái cân bằng, không quan tâm hoặc tiêu cực khi nghe tới việc đầu tư, nhưng khi nghe về việc kiếm tiền trên thị trường chứng khoán quá dễ, người đồng nghiệp, người thân chỉ trong vài tháng có thể nhân vài lần tài khoản. Họ tìm đọc các tin tức về thị trường hiện tại thì toàn những tin tích cực như GDP tăng trưởng, lạm phát thấp, xuất siêu, tỷ giá ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng…những tin tức này xây dựng nên 1 bức tranh rất “màu hồng” về tương lai tương sáng. Họ bắt đầu tư thử những khoản vốn nhỏ trước đều cho những tín hiệu tích cực, cho tới khi khoản tiền bỏ vào đã rất lớn nhưng thói quen vay nợ (margin) không bỏ được. Cộng thêm các tác nhân bên ngoài từ bạn bè, người tư vấn khiến tài khoản lúc nào cũng trong trạng thái full margin. Quá trình mất kiểm soát bắt đầu tới khi đủ lớn thì thị trường sẽ làm họ phải “tỉnh giấc”. Trước khi bắt đầu đầu tư họ đã vướng vào 1 khái niệm gọi là “tâm lý đám đông”, trong quá trình đầu tư là việc “lẫn lộn giữa chuyên môn, trí tuệ bản thân với 1 thị trường giá lên hào hứng”, kết thúc quá trình thể hiện rất chính xác bản chất phi lý trí của con người khi đối diện với “tiền bạc” khi họ bán tháo cổ phiếu. Đây là quá trình mất tiền căn bản nhất mà ngay cả những người đã đầu tư lâu ở trên thị trường vẫn vướng phải, thực sự đối thủ lớn nhất của nhà đầu tư từ gốc rễ chính là “sự bất ổn trong tâm lý của họ”. Những nhà đầu tư dày dặn, có lập trường cũng phải đối diện với những cảm xúc tương tự như vậy, nhưng mô hình tư duy, môi trường xung quanh được họ chủ động thiết lập ngay từ đầu để họ có thể vượt qua được tâm lý đám đông, tỉnh táo hơn trong việc ra quyết định.
  • “Nghề đầu tư có đầy những con người nổi tiếng chỉ vì họ đúng một vài lần” –Howard Marks. Nhà đầu tư hay doanh nhân thành công đều không phủ nhận vai trò của sự may mắn trong cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, tư duy của họ về may mắn rất khác, họ cho rằng may mắn hay cơ hội là 1 hệ quả của quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng. Điều này khác với tư duy bỏ tiền vào thị trường chứng khoán để cầu may, nếu được thì tốt mà mất thì cũng không sao. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến không ít những nhà đầu tư, môi giới kiếm được hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn thuận lợi nhưng điểm chung là tiền kiếm được nhanh chóng lại rất khó để “rút ra” khỏi thị trường. Rất hiếm có nhà đầu tư nào lại không bị cám dỗ từ những lời thúc dục của các nhà tư vấn, theo những giấc mơ kiếm được thêm hàng nghìn tỷ từ thị trường. Thậm chí trước giai đoạn năm 2008, các sinh viên ra trường một vài năm đã có thể kiếm được tiền tỷ từ việc môi giới cổ phiếu OTC hay theo ngôn ngữ trong ngành gọi là “cò OTC”. Những cậu sinh viên vừa ra trường làm nghề môi giới và gặp may mắn khi kiếm được những khách hàng có tài sản khổng lồ chịu giao dịch thường xuyên và thế là cuộc sống thay đổi hẳn, sức cám dỗ này quả thực khó cưỡng lại. Và những đồng tiền dễ dàng (easy money) này đang ngủ quên trong chiến thắng lại tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán theo những giấc mơ huy hoàng, để rồi sau năm 2008, mọi người chỉ nhắc tới thị trường với các ký ức “kinh hoàng” khi mang cổ phiếu ra bán giá sàn vài tháng nhưng không ai mua, đã có những nhà đầu tư không chỉ mắc nợ mà thực sự đã bỏ mạng. Khi ai cũng giữ tư duy là mình sẽ may mắn trong 1 trò chơi có tổng bằng 0 (zero sum game), vậy ai sẽ người xui xẻo? Câu trả lời là những người nắm giữ “cục than hồng” vào phút trót, tiền giao dịch trên thị trường thứ cấp chỉ thực sự chảy vào túi của rất rất ít những nhà đầu tư thành công hoặc những bên không trực tiếp tham gia vào thị trường mà chỉ cung cấp các dịch vụ, hạ tầng hỗ trợ. Thực sự nếu giữ tư duy phụ thuộc vào sự may mắn trên thị trường thì rất khó để thúc đẩy thị trường chứng khoán trở nên tốt hơn và chuyên nghiệp hơn.
  • Khi ở 1 vị trí nắm quá nhiều thông tin nội bộ, trái chiều và thậm chí còn mâu thuẫn lẫn nhau, bạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm và có khả năng sớm “trắng tay”. Người nắm rõ thông tin của doanh nghiệp nhất không ai khác chính là những ban lãnh đạo cấp cao, tiếp theo có thể là người thân và những nhà đầu tư lớn có mối quan hệ thân thiết. Chỉ cần đặt câu hỏi 1 cách hết sức đơn giản “nếu ban lãnh đạo lợi dụng thông tin kinh doanh cổ phiếu của chính doanh nghiệp thì trong dài hạn chuyện gì sẽ xảy ra?”. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp trên sàn làm điều này và có chung 1 kết quả. Có câu nói “thị giá có cái lý của nó” có thể hiểu theo 2 chiều (1) nắm giữ những doanh nghiệp tốt thực sự nhưng giá chưa tăng (2) thị giá không có bất kỳ quy luật nào. Nếu nhà đầu tư lựa chọn tư duy theo cách số (1) nhưng vì bất ổn tâm lý lại bị phân vân theo tư duy số (2), quy trình mua cao –bán thấp hoàn toàn có thể xảy ra vì không có sự kiên nhẫn chờ đợi. Các ban lãnh đạo doanh nghiệp và bên liên quan nắm rất rõ thông tin là doanh nghiệp mình tốt, mua vào thêm cổ phiếu nhưng rốt cuộc thị trường chung không tăng vì nhiều lý do, giá cổ phiếu ngược lại giảm, họ cũng dễ dàng rơi vào tư duy số (2). Đây là rủi ro của việc đầu tư, không phải rủi ro trong thế giới kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Cả hai tư duy này nếu biết kết hợp, hiểu đúng thì sẽ thấy được ngay vấn đề. Giá cổ phiếu là hệ quả cuối cùng phản ánh 1 quá trình dài những gì mà doanh nghiệp tạo ra cho cổ đông và là biến số không thể kiểm soát được, những gì người doanh nhân cần làm là tập trung vào việc kinh doanh và tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp đó, càng tập trung vào kết quả, nguy cơ mất kiểm soát càng cao. Càng làm tốt quá trình hơn qua mỗi ngày, kết quả cộng hưởng sẽ lớn hơn 1 phép cộng đơn thuần. Từ đây có thể thấy sai lầm của 1 số nhà đầu tư là họ sẵn sàng “bỏ tiền” ra mua các thông tin nội bộ và nghĩ rằng có thể thu hồi lại với giá trị lớn hơn nhiều, điều này quá rủi ro như đã chứng minh.
  • Nhà đầu tư chỉ tham gia trong thị trường giá lên, giá xuống thì họ rút tất cả tài sản cũng thường xuyên mất tiền vì căn bản nền tảng không có gì giữ cho họ thoát khỏi “tâm lý đám đông”. Khi xác định rằng “thị trường chứng khoán đang trong trạng thái giá lên” là 1 lỗi sai lầm khi phân tích rất nghiêm trọng là survival bias –nghĩa là chỉ xác định được thị trường giá lên khi giá đã lên. Nhà đầu tư như vậy thường không có chính kiến, dễ “đẽo cày giữa đường” khi họ lắng nghe các quan điểm khác nhau từ nhiều người khác nhau. Ngoài việc chuẩn bị dòng tiền để đầu tư, hãy chuẩn bị thêm kiến thức để nắm bắt cơ hội 1 cách độc lập, tránh tình trạng phụ thuộc vào các “tác nhân bên ngoài”.
  • Có 1 bộ phận các nhà đầu tư dài hạn nhưng giữ tư duy rất bảo thủ và không chịu trau dồi về mặt chuyên môn. Về mặt tư duy định hướng và kỷ luật, họ đã làm được nhưng về quá trình “lựa chọn”, cụ thể là việc phân tích đầu tư thì không được bài bản và không kĩ càng. Rất dễ thấy tại những thời điểm thị trường giá lên giai đoạn trước, rất nhiều nhà đầu tư “có tuổi” cũng tụ họp tại các sàn chứng khoán để thảo luận về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, họ rất dễ bị thu hút bởi các tin tức giật gân và hợp lý hóa tất cả các thông tin liên quan tới doanh nghiệp mà họ nắm giữ. Phân tích không bài bản + nắm giữ lâu dài kết hợp với nhau có thể tạo ra những thảm họa vì “rủi ro mất vốn vĩnh viễn” vào những doanh nghiệp mà không biết khi nào mới vực dậy lại được. Đã có những cuộc tranh cãi quyết liệt, thậm chí là chửi bới tại nhiều ĐHCĐ của các doanh nghiệp mà ban lãnh đạo đi ngược lại lợi ích với các cổ đông. Nhà đầu tư thường là những người đã nắm giữ cổ phiếu lâu năm, dành phần lớn tài sản của họ trong đó và “rớt nước mắt” khi nhìn khối tài sản bay hơi gần hết chỉ vì những người lãnh đạo thiếu “đạo đức kinh doanh”.

Thị trường chứng khoán không dành cho người "may mắn 1 lần"

II. Để “may mắn nhiều lần” trong thị trường chứng khoán

Đầu tư là 1 nghề thực sự rất nhiều thử thách, khắc nghiệt trong đó nhà đầu tư không thể đổ lỗi cho thị trường chứng khoán. Ở thị trường sơ khai hay thị trường phát triển, tất cả đều có chung 1 kết quả là số đông sẽ mất tiền dù thị trường có thay đổi như thế nào, sản phẩm đa dạng ra sao, thời gian tồn tại của thị trường có thể vài trăm, vài nghìn năm nhưng tâm lý cảm xúc của con người là không thay đổi và không thể đo lường được. Tiền vẫn sẽ dịch chuyển từ những người thiếu chuyên môn, thiếu sự bài bản và kiên nhẫn sang nhóm còn lại – là những người thực sự đồng hành dài hạn, không ngừng trau dồi, học hỏi và có sự đóng góp những giá trị thực sự vào các doanh nghiệp mà họ đầu tư chứ không chỉ khư khư nắm giữ và nghĩ về những khoản lợi nhuận lớn của cá nhân họ. Nhà đầu tư như vậy cũng sẽ sớm rời bỏ khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn trong ngắn hạn. Để thực hành tốt triết lý kinh điển của nhà đầu tư giá trị huyền thoại Warren Buffett –nguyên tắc số 1: không bao giờ để mất tiền, nguyên tắc số 2: không quên nguyên tắc số 1. Tác giả đề xuất 1 số cách thức chi tiết hơn như sau:

 
1. Cần tiếp cận mọi thứ với 1 tư duy đúng đắn, bài bản đi từ việc hiểu những điều căn bản nhất.

2. Xác định rõ và phải chấp nhận vòng tròn năng lực của mình, đừng đi quá xa vòng tròn này sẽ rất dễ mất kiểm soát. Có những kiến thức, những khoản đầu tư nhìn ban đầu có vẻ hấp dẫn nhưng thực sự là “ngoài tầm với”. “Tôi không thích nhảy qua bức rào cao 2 mét. Tôi chỉ tìm bức rào 30 cm để có thể bước qua” –Warren Buffett.

3. Luôn giữ thái độ “ngại rủi ro (risk averse)” và không bao giờ được thỏa mãn với các kết quả đầu tư vì thế giới kinh doanh thực tế rất phức tạp. Một kết quả đầu tư tốt và đáng tin cậy chỉ sau khi quá trình phân tích đã đánh giá chi tiết các loại rủi ro, không phải vì “gặp may” mà có lợi nhuận.

4. Không có khoản đầu tư nào tốt đến mức mà với bất kỳ giá nào cũng có thể mua được. Thị trường chứng khoán ngày nay đã chứng kiến những doanh nghiệp mở rộng quy mô tới vài chục lần so với giai đoạn năm 2008 nhưng thị giá mới bắt đầu quay trở về giai đoạn bong bóng đó.

5. Nếu bạn không biết đầu tư vào đâu, tạm thời hãy gửi tiết kiệm hoặc bỏ tiền vào 1 quỹ chỉ số.

6. Hãy chủ động thiết kế cho bạn 1 mạng lưới, một môi trường phù hợp với việc đầu tư dài hạn: ví dụ những người bạn cùng giá trị quan, những cuốn sách về đầu tư, nguồn vốn thực sự nhàn rỗi….vì môi trường là thứ tác động tới tư duy chứ không phải chiều ngược lại.

7. Thực hành trong việc đầu tư có 2 dạng: học cách lựa chọn và học cách nắm giữ.
 
Cuối cùng, trải qua những thăng trầm của thị trường mới thấy được vai trò quan trọng của việc trau dồi chuyên môn, kiến thức và tư duy độc lập. Những khi nhà đầu tư thực sự khó khăn hãy suy nghĩ thật kĩ về những “lý do mình đã bắt đầu”, nếu những lý do đó không đủ mạnh mẽ để thuyết phục bạn thoải mái với việc đầu tư, hãy ra quyết định ngay, đúng sai chưa hẳn đã quan trọng bằng việc xây dựng nền tảng vững vàng trước. Hãy nghĩ thêm về cái giá phải trả của những nhà đầu tư đi trước, học hỏi từ những sai lầm của họ để thấy rằng triết lý “thà đổ mồ hôi nơi thao trường còn hơn đổ máu nơi chiến trường”, có sự mất mát từ những sai lầm còn lớn hơn mất mát về tài chính rất nhiều, đó là “mất niềm tin”.

Để nhà đầu tư có định hướng đúng đắn hơn và không muốn trở thành kẻ “bị săn” trên thị trường chứng khoán. Bạn có thể tham khảo “bí kíp” trở thành nhà đầu tư giá trị thực thụ tại đây: https://votpartners.com/cam-nang-chuyen-sau-dau-tien-cho-nha-dau-tu-gia-tri-tai-viet-nam.html

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: