fbpx

Tầm quan trọng của danh sách kiểm tra (Checklist)

“Đừng để thời gian trôi qua thật lãng phí, hãy đọc và suy ngẫm để tạo ra giá trị bền vững trong tương lai” VOT PARTNERS

Câu chuyện được trích từ cuốn sách The Checklist Manifesto

Phút dừng lại của người thông minh 

(Atul Gawande)

Xuyên suốt cuốn sách là hành trình nghiên cứu của tác giả qua các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, quy trình phức tạp với nhiều bước thực hiện như y tế, hàng không, xây dựng và cả đầu tư. Tác giả đã khám phá ra checklist thực ra đã được sử dụng từ trong những lĩnh vực này. Ông cố gắng tìm ra một checklist riêng có thể ứng dụng rộng rãi trong phạm vi quốc gia trong dự án được Tổ chức y tế thế giới (WHO) tài trợ. Điều khiến ông ngạc nhiên là hầu hết những sai sót gây ra hậu quả nghiêm trọng lại tới từ việc bỏ sót những bước rất nhỏ trong quy trình bị bỏ sót có thể do cố tình hoặc vô ý, sự kiểm soát và phối hợp không chặt chẽ giữa các bộ phận làm việc cũng là một trong những nguyên nhân gây thất bại. Trong những trường hợp khẩn cấp, checklist càng thể hiện vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, mọi công việc, thao tác phải được thực hiện chính xác và nhanh chóng trong vòng chưa đầy 1 phút. Một danh sách Đọc – thực hiện hoặc Thực hiện – kiểm tra (làm xong đánh dấu) sẽ phát huy công dụng tối đa trong những trường hợp con người rơi vào trạng thái sợ hãi, phi lý trí. Nghiên cứu đã chỉ ra việc áp dụng checklist thực sự có hiệu quả và có thể sử dụng trên diện rộng, được áp dụng thành công trong ngành y, giảm tỷ lệ nhiễm trùng, tử vong do sai sót chủ quan, giảm thiểu và tránh được những tai nạn thảm khốc trong ngành hàng không và giúp công trình xây dựng đứng vững hơn theo thời gian. Đoạn phỏng vấn giữa tác giả và nhà quản lý quỹ Monish Pabrai cũng cho thấy, checklist cũng rất hiệu quả khi áp dụng và lĩnh vực phức tạp như đầu tư:

Pabrai mô tả công việc của họ. Trong 15 năm qua, mỗi quý, ông chỉ có một hoặc hai vụ đầu tư mới. Ông nhận thấy đối với mỗi thương vụ, ông lại cần xem xét ít nhất mười yếu tố. Ý tưởng có thể đến bất cứ lúc nào, từ các bảng quảng cáo ngoài trời, một bài báo về bất động sản ở Brazil đến một tập san ngành mỏ mà ông tình cờ bắt gặp. Ông đọc nhiều, có cái nhìn bao quát và con mắt tinh tường đủ để phát hiện ra những dự án kinh doanh sắp bùng nổ.Ông tìm được nhiều cổ phiếu tỏ ra có triển vọng, nhưng sau khi kiểm tra lướt qua, ông đã gạt đi gần như tất cả. Tuy nhiên, mỗi tuần ông lại phát hiện ra một công ty khiến ông cảm thấy thích thú. Có vẻ như cổ phiếu của công ty đó sẽ tăng giá mạnh. Ông không thể tin là người ta lại chưa đầu tư vào những cơ hội mười mươi như vậy. Ông bắt đầu nghĩ cổ phiếu đó có thể sinh lời hàng chục triệu đô- la nếu ông quản lý tốt, mà không, lần này có thể sẽ là hàng trăm triệu.

Bạn bắt đầu trở nên tham lam, ông nói. Guy Spier gọi đó là “một thứ ma túy tinh thần”. Các nhà thần kinh học nhận thấy khát vọng kiếm tiền cũng được xem như chất gây nghiện. Theo Pabrai thì khi các nhà đầu tư nghiêm túc muốn việc đầu tư của họ trở nên bài bản, họ phải tập trung phân tích một cách khách quan, tránh trạng thái bốc đồng, hồ hởi hay lo ngại vô cớ. Họ miệt mài nghiên cứu các bản báo cáo tài chính của công ty, điều tra các khoản nợ cũng như các rủi ro, kiểm tra kết quả hoạt động của ban lãnh đạo, tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh, xem xét xu hướng thị trường… Nghĩa là họ cố gắng đánh giá cả cơ hội thành công lẫn biên độ an toàn.

Thần tượng của các nhà đầu tư giá trị là Warren Buffett – một trong những chuyên gia tài chính thành công nhất trong lịch sử và là một trong hai người giàu nhất thế giới, ngay cả sau khi bị thua lỗ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2008. Pabrai nghiên cứu từng vụ mua bán mà Buffett và công ty Berkshire Hathaway đã thực hiện, kể cả những thương vụ thành công lẫn không thành công, và đọc mọi cuốn sách liên quan đến chúng. Thậm chí, ông đã trả tới 650.000 đô-la tại buổi đấu giá từ thiện để được ăn trưa cùng Buffett. Sau bữa ăn với giá 650.000 đô-la đó, tôi nghĩ phải gọi ông bằng tên mới đúng. – Pabrai nói. – Warren áp dụng ‘danh mục kiểm tra’ khi xem xét các khoản đầu tư tiềm năng.

Đấy là điều mà Pabrai đã ít nhiều thực hiện ngay từ khi thành lập quỹ. Ông làm đúng như vậy, nghĩa là luôn đảm bảo sẽ dành thời gian để nghiên cứu một công ty. Quy trình thẩm định có thể mất đến vài tuần. Nhưng ông nhận ra rằng không phải lúc nào phương pháp này cũng đem lại hiệu quả. Ông vẫn phạm vài sai lầm, một số sai lầm còn dẫn đến thảm họa.

Những sai lầm này không chỉ đơn thuần là khiến ông mất tiền vì những dự đoán thiếu chính xác hoặc đánh mất cơ hội sinh lời khi quay lưng với những thương vụ thực sự đáng giá. Rủi ro và thua lỗ là điều không thể tránh khỏi trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Không, đây là những sai sót khi ông tính toán sai các rủi ro liên quan hay mắc lỗi trong phân tích. Ngẫm lại, ông thấy mình mắc lỗi nhiều lần khi xác định tình trạng của các công ty sử dụng vốn vay: Bao nhiêu tiền mặt thực là của họ, bao nhiêu là đi vay, và những khoản rợ rủi ro như thế nào? Thông tin thì có sẵn cả rồi, chỉ là ông chưa tìm kiếm cho thật đủ thôi.

Nhìn bên ngoài thì hình như Buffett có sử dụng danh mục kiểm tra. Nhưng Pabrai để ý thấy Buffett vẫn lặp lại một số lỗi sơ đẳng. Pabrai đi đến kết luận rằng Warren không hề sử dụng danh mục kiểm tra.

Thế là Pabrai soạn ra một danh sách những sai sót mà ông thấy Buffett và những nhà đầu tư khác, cũng như của chính ông, thường mắc phải. Có rất nhiều lỗi. Ông dựa trên đó để tạo ra danh sách các mục kiểm tra tương ứng – tổng cộng có tới 70 mục. Ví dụ, một lỗi lấy từ sai lầm của công ty Berkshire Hathaway trong thương vụ mua lại công ty chuyên cho thuê đồ nội thất Cort hồi đầu năm 2000. Mười năm trước, công việc kinh doanh và lợi nhuận của Cort tăng trưởng rất ấn tượng. Charles Munger, đối tác chiến lược của Buffett, tin rằng Cort đã tận dụng tốt cơ hội khi nền kinh tế Mỹ thay đổi. Môi trường kinh doanh thiếu ổn định khiến các công ty cần phát triển và thu gọn quy mô. Theo đó, các công ty ngày càng có khuynh hướng thuê văn phòng hơn là mua, kể cả thuê lại đồ nội thất. Munger lưu ý như vậy. Cort lúc ấy đang ở vào thời điểm kinh doanh vô cùng thuận lợi. Tất cả những yếu tố khác liên quan đến công ty đều được đánh giá là đủ tiêu chuẩn: tài chính vững mạnh, quản lý hiệu quả… Vậy nên Munger quyết định mua Cort. Nhưng hóa ra đó là một quyết định sai. Vì Munger đã bỏ qua một yếu tố quan trọng là thu nhập trong ba năm trước đó hoàn toàn nhờ vào sự bùng nổ kinh doanh trực tuyến của những năm cuối thập niên 90. Lúc ấy, Cort đang cho hàng trăm công ty mới thành lập thuê nội thất. Những công ty này đột nhiên không thanh toán tiền thuê rồi biến mất khi hình thức kinh doanh trên mạng thất bại. Pabrai nói: Cả Munger và Buffett đều thấy quả bong bóng kinh doanh trên mạng. Họ hoàn toàn biết rõ nguy cơ đó. Nhưng họ lại bỏ sót một chi tiết là doanh thu của Cort phụ thuộc vào đây.

Sau này, Munger gọi vụ mua bán đó là “một sai lầm kinh tế vĩ mô”.

Vì vậy, Pabrai thêm mục này vào danh sách kiểm tra: khi thẩm định một công ty, cần xem lợi nhuận của công ty ấy có thể phụ thuộc vào một xu hướng kinh tế-xã hội nào không.

Monish Pabrai trong một cuộc phỏng vấn có đưa ra quan điểm ” Checklist mà tôi tạo ra đến từ việc nghiên cứu các sai lầm của các nhà đầu tư thành công tuyệt vời khác. Lý do lớn nhất tại sao những khoản đầu tư không hiệu quả chính là đòn bẩy.  Lý do thứ hai là việc hiểu lầm lợi thế cạnh tranh – con hào kinh tế của doanh nghiệp. Và sau đó bạn gặp vấn đề về ban lãnh đạo, cổ đông và những vấn đề khác như môi trường, công đoàn hoặc người lao động…Ba thứ thực sự quan trọng theo thứ tự là đòn bẩy – con hào kinh tế – ban lãnh đạo.”

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: