fbpx

Nợ vay và các vấn đề tranh cãi xoay quanh

I. Vấn đề về tăng trưởng tín dụng và những tranh cãi

Ngày 31/12/2019, trong buổi họp báo tổng kết của NHNN, con số đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 13%, mức thấp nhất trong 5 năm  trở lại đây và sát với mục tiêu kế hoạch đề ra là 14%. Một phát biểu cũng rất ấn tượng của Thủ tướng trong cuộc họp là “Làm chính sách tiền tệ mà không giúp đẩy mạnh tăng trưởng thì làm cái gì”. Ông cho rằng ngành Ngân hàng phải có tinh thần xốc tới để đưa đất nước tiến lên và phát triển. Cùng với sự sụt giảm của tăng trưởng tín dụng, tính tới cuối quý 3/2019, đà tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết cũng đã chậm lại so với cùng kỳ và trong 9 tháng đầu năm 2019, một số thống kê trên 553 DN niêm yết đạt tăng trưởng 11,66% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của 9 tháng năm 2018 là 29,8%.

Thị trường chứng khoán nhìn trong ngắn hạn khoảng 2 năm qua thì Vn-index hầu như “không nhúc nhích” nhưng nhìn dài hạn khoảng 6 năm kể từ khi thị trường giảm về mức 525 điểm, mức sinh lời kép hàng năm đạt khoảng gần 12%/năm, cao hơn mức lãi suất tiết kiệm đáng kể và “rất khó” để chiến thắng được điểm số nếu cứ mải mê chạy theo những con sóng ngắn hạn. Một vài tranh cãi xoay quanh vấn đề tăng trưởng của điểm số những năm về trước tới chủ yếu từ các ngành chiếm tỷ trọng cao như Ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng, bán lẻ, xây dựng và vật liệu xây dựng….và việc siết tăng trưởng tín dụng cùng với hạn chế dòng vốn vào ngành bất động sản, các ngành nghề có tính chu kỳ khác cũng bị ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm hơn của ngành Ngân hàng khiến mức tăng trưởng không bền vững như khi rót vốn vào các ngành sản xuất, tiêu dùng…Một tranh cãi khác là nếu vốn vay ngân hàng đổ vào những ngành nghề không hiệu quả thì tình hình sẽ kém khả quan hơn và “thà” rót vào những ngành  tăng trưởng sẽ tạo ra giá trị nhiều hơn. Thật khó để khẳng định vấn đề nào là “hệ quả” của vấn đề nào nhưng căn cứ theo định hướng phát triển kinh tế cũng ưu tiên theo hướng đẩy mạnh “công nghiệp hóa- hiện đại hóa”, tập trung phấn đấu trở thành nước công nghiệp năm 2030 trong bối cảnh hội nhập sâu với thị trường thế giới và cuộc cách mạng 4.0, một số nhóm ngành là ưu tiên như: cơ khí – luyện kim, chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện tử viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo….là những ngành tạo ra giá trị thặng dư bền vững cho nền kinh tế. Việc dự báo tương lai dễ rơi vào tình trạng “thầy bói xem voi” đặc biệt đối với 1 vấn đề quá lớn như là dự báo nền kinh tế. Tuy nhiên, xét về mặt hiện tượng ở trong mỗi giai đoạn của nền kinh tế đi kèm với nhiều biến số vĩ mô khác cũng biểu hiện tính tương quan trong giai đoạn này. Ví dụ tăng trưởng kinh tế cao đi kèm với tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất thấp….nhưng chỉ khi mặt bằng lãi suất lên tới ngưỡng rất cao và các chỉ số tăng trưởng rất kém, lạm phát tăng cao mới biểu hiện rõ nền kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái. Tóm lại, việc dự báo thường không đủ cơ sở và độ tin cậy, thay vào đó việc phân tích tình hình hiện tại sẽ cung cấp nhiều thông tin và góc nhìn thực tế hơn.

II. Vấn đề nợ vay trong cấu trúc hoạt động của 1 DN

Ngay sau khi việc thông báo giảm lãi suất điều hành của NHNN có hiệu lực vào ngày 19/11/2019, một loại các Ngân hàng lớn như BIDV, Viettinbank, Vietcombank và một số Ngân hàng nhỏ khác cũng đã giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trước áp lực của tiền đồng tăng giá vì một lọat các NHTW trên thế giới khác cũng giảm lãi suất cộng thêm thặng dư thương mại của Việt Nam gây áp lực lên tỷ giá. Việc giảm lãi suất cũng thể hiện ý chí của cơ quan điều hành trong việc tiếp tục kích thích, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo thông lệ của thế giới thì các NHTW đóng vai trò như một “bộ phanh hãm” tốt hơn là vai trò thúc đẩy phát triển vì muốn phát triển cần phải thực hiện và đo lường qua rất nhiều mục tiêu trung gian chứ không chỉ riêng việc tác động tới giá cả của nền kinh tế. Các Doanh nghiệp vẫn là đối tượng được nhắm đến và hưởng lợi từ việc lãi suất giảm xuống này. Một vài nghiên cứu cho thấy trong các nền kinh tế mà nhà nước đóng vai trò kiến tạo cao, việc gia tăng nợ cũng có nghĩa là các DN đang gia tăng đầu tư cho tương lai và sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Ở góc độ của nhà đầu tư, việc lựa chọn ra những DN sử dụng đòn bẩy hiệu quả cũng sẽ đem lại nhiều giá trị cho họ nhưng trên thực tế mọi việc lại không dễ dàng như vậy. Trước khi thực hiện một dự án các DN sẽ phải cân nhắc tính toán rất nhiều nhưng có thể gom lại thành 2 vấn đề chính là quyết định kinh doanh và quyết định nguồn tài trợ trong đó nợ vay Ngân hàng chỉ là một trong những nguồn tài trợ cho các phương án kinh doanh ngoài ra còn vốn cổ phần, nợ chuyển đổi và nợ chiếm dụng… Từ đây sinh ra 2 loại rủi ro chính là rủi ro kinh doanh và rủi ro từ nguồn vốn tài trợ (lãi suất, lạm phát, tỷ giá..). Việc thực hiện dự án và lựa chọn nguồn tài trợ có thể tác động lớn lên cả bức tranh tài chính của 1 DN nhưng đối với một phương án kinh doanh khả thi, các DN sẽ có xu hướng tách bạch dự án này ra khỏi các HĐKD khác và thành lập 1 pháp nhân mới để thuận tiện cho việc quản lý. Hiệu quả của dự án này sẽ là vấn đề quan trọng nhưng quan trọng nhất là rủi ro đơn lẻ của phương án này không cao hơn rủi ro tổng thể của toàn bộ công ty trước khi cân nhắc đầu tư dự án. Một số DN sẽ chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề. Trường hợp này giới chuyên môn trong đầu tư gọi là lợi nhuận không cân xứng do việc phóng đại kết quả của đòn bẩy, ví dụ gần gũi là việc các nhà giao dịch cá nhân cố gắng sử dụng đòn bẩy thật cao để mang lại mức sinh lời lớn trong một thời gian ngắn mà không lường trước rằng rủi ro sụt giảm có thể là “vĩnh viễn”.

III. Áp dụng thực tế vào ba loại hình Doanh nghiệp với 3 sự nhìn nhận về giá trị khác nhau

Như đã đề cập phía trên, việc dự báo tương lai rất khó khăn dù là nền kinh tế hay lợi nhuận tương lai của 1 DN. Đôi khi ban lãnh đạo Công ty cũng khó có thể lường trước được xu hướng tương lai của thị trường. Họ sử dụng các con số để nắm bắt tình hình DN và ra những quyết định quản trị, kinh doanh dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết tương đối của họ về thị trường. Các nhà đầu tư hoặc các báo cáo phân tích lại đang cố gắng dự báo những con số lợi nhuận thay vì tập trung vào HĐKD chính của DN. Về mặt nguyên tắc thì DN càng kiếm được nhiều tiền (sau khi trừ chi phí) thì chủ sở hữu các DN này cũng sẽ kiếm được những “giá trị” từ khả năng tạo tiền của DN, cụ thể là gia tăng giá cổ phần và cổ tức. Nhưng ngược lại nếu DN đang kinh doanh kém hiệu quả thì nhà đầu tư cần hiểu rằng quyền của chủ nợ và các nghĩa vụ nợ của DN sẽ “cao hơn” quyền của cổ đông để đảm bảo cho họ thu được vốn gốc và lãi vay. Ba loại hình DN theo bảng dưới đây:

Ba công ty trên đều sử dụng nợ trong HĐKD nhưng cách phân bổ vốn rất khác nhau. Đối với mô hình thâm dụng vốn như HPG và NT2, giai đoạn đầu các công ty này đều phải vay nợ NH rất lớn, mỗi đồng lợi nhuận tạo ra đều dùng để trả nợ gốc vay dài hạn trong giai đoạn đầu. Như vậy, dòng tiền tự do sau trả nợ gốc sẽ là biến số cuối cùng thuộc về cổ đông trong giai đoạn này chứ không phải lợi nhuận tạo ra. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ các DN điện sau 3-5 năm vận hành tốt có thể bắt đầu chia lại hầu hết lợi nhuận tạo ra và chỉ giữ lại 1 phần tiền cho việc vận hành và sửa chữa lớn ở tương lai và rất khó để tái phân bổ vốn đầu tư. Đối với DN thép việc liên tục phải chi mua sắm, sửa chữa để nâng hoặc duy trì công suất, không ngừng mở rộng mạng lưới và thương hiệu khiến 1 phần lợi nhuận cố định sẽ không bao giờ quay trở về cổ đông dưới dạng tiền mà vốn hóa vào tài sản hoặc đi vào chi phí SXKD ở những kỳ sau. Chính vì đặc điểm này HPG dù là DN thép đứng đầu thị trường Việt Nam nhưng khó có mức cổ tức cao so với các ngành nghề khác. Vì đều vay nợ nên cả hai mô hình đều bị rủi ro về lãi suất (dù là lãi suất vay cố định) và rủi ro về tỷ giá (nếu vay ngoại tệ), cả hai ngành đều có thời gian hoàn vốn rất lâu và chịu rủi ro lạm phát khá rõ. Đối với rủi ro kinh doanh cả hai đều chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra mặc dù ngành thép có rủi ro cạnh tranh về giá bán cao hơn cùng việc dư cung. Đối với ngành thép khi đã hoạt động tối đa công suất muốn gia tăng giá trị công ty không còn cách nào khác ngoài việc gia tăng lợi thế quy mô đi kèm một hiệu suất sinh lời tốt. Đối với ngành điện vì việc xây dựng 1 nhà máy không đơn giản với sản lượng điện đạt cực đại khi nhà máy mới và giảm dần theo thời gian nên việc tiết giảm chi phí, tối ưu vận hành là ưu tiên.

Đối với PNJ là mô hình bán lẻ trang sức theo chuỗi có khả năng mở rộng rất nhanh trong thời gian ngắn hơn nên giá trị DN trong giai đoạn này thường phản ánh cả tốc độ tăng trưởng về mặt lợi nhuận mặc dù lượng cổ tức trả thấp. Lợi nhuận được giữ lại tái đầu tư với tỷ suất tiếp tục được cải thiện vì công ty càng mở rộng hiệu quả, chi phí biên để đạt được 1 đồng lợi nhuận có thể càng nhỏ. Công ty chủ yếu vay nợ ngắn hạn lại thu tiền bán hàng ngay nên rủi ro về mặt hoàn trả vốn gốc sẽ thấp miễn là doanh số không có sự sụt giảm đột ngột, nhưng xét về mặt hiệu quả hoạt động việc vay nhiều hơn nhu cầu vốn lưu động thực tế sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả HĐKD của DN và điều này có thể gây ra một vòng luẩn quẩn nếu DN duy trì tỷ lệ nợ cao cho việc mở rộng.

IV. Chu kỳ nợ ảnh hưởng như thế nào tới các Doanh nghiệp


Một số ý kiến cho rằng nên tận dụng “đòn bẩy” để tối ưu lợi nhuận và khi bạn nợ Ngân hàng hàng trăm, hàng nghìn tỷ thì vấn đề là của Ngân hàng chứ không phải của bạn. Nhưng rõ ràng việc thành lập DN để phát triển những mục tiêu lớn lao chứ không phải để đi vay NH và sau đó dành nguồn lực cho việc xử lý những tồn đọng yếu kém trong kinh doanh. Người cho vay mạo hiểm sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn người bảo thủ miễn là môi trường tín dụng còn tốt đẹp và ngược lại lợi nhuận chỉ đến với các ngân hàng có chính sách cho vay thận trọng trong môi trường tín dụng đang xấu đi nhưng nợ xấu không gia tăng. Vì đặc thù ngành Ngân hàng sử dụng đòn bẩy cao lại phụ thuộc vào chu kỳ phát triển kinh tế nên dư nợ cho vay cũng sẽ theo chu kỳ này. Khi chính sách cho vay siết chặt khả năng cao DN phải thu hẹp quy mô do việc giảm hạn mức tín dụng từ NH và tất nhiên giá trị nhận được của cổ đông cũng sẽ sụt giảm. Thông thường các NH đều có định hướng tín dụng cho các ngành nghề hàng năm và trong trường hợp bảng cân đối của các DN xấu đi, khả năng sẽ phải giảm hạn mức hoặc gia tăng tài sản đảm bảo. Đó là một trong những rủi ro của các DN có nợ vay lớn và ngành nghề có tính chu kỳ cao.

V. Vấn đề phát triển bền vững trong nền kinh tế định hướng và sử dụng nợ nhiều

Nguồn vốn dồi dào cho DN vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để sử dụng vốn hiệu quả, kinh nghiệm cho thấy “đồng tiền dễ dàng (easy money) đôi khi lại làm hại cho các DN. Các NH phát triển bền vững qua thời gian luôn là những NH cho vay thận trọng vì suy cho cùng nguồn trả nợ từ khả năng trả nợ thực sự của 1 DN mới là nguồn quan trọng nhất và gắn kết một mối quan hệ tín dụng lâu dài. Thận trọng ở đây được hiểu là cho vay đúng mục đích và vừa đủ đối với nhu cầu của 1 DN đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật, không chạy theo việc tăng trưởng lợi nhuận thay vì mức sinh lời ổn định trên vốn chủ.

Tóm lại, nợ vay cùng các vấn đề tranh cãi xung quanh tất cả nên nhìn đúng về mặt bản chất. Đưa tính hợp lý, trách nhiệm và uy tín lên hàng đầu với các quyết định độc lập. Đa phần các cuộc khủng hoảng, suy thoái đều bắt nguồn từ hệ thống tài chính yếu kém mang ý chí “sáng tạo” và chủ quan của nhiều thành phần tham gia. Nhằm đạt được những mục tiêu trong thời gian quá ngắn mà không suy nghĩ về hậu quả và rủi ro, sự nhất trí của một đám đông đã gây ra nhiều sai lầm đáng tiếc.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: