fbpx

Những trải nghiệm đầu tư mùa Đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 là một sự kiện được xếp vào dạng thiên nga đen (black swan) gây ra những xáo trộn trong tâm lý, hoạt động kinh doanh và cả nền kinh tế. Sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng, sự thay đổi ngắn hạn trong tâm lý tiêu dùng hay việc dừng tạm thời các HĐKD với ưu tiên hàng đầu là đẩy lùi dịch bệnh. Những điều này cũng tác động rất lớn tới tâm lý của các nhà đầu tư/giao dịch, doanh nghiệp, những lãnh đạo đầu ngành chứng khoán. Về phía UBCK đã đề xuất đưa ngành chứng khoán vào danh mục ngành nghề “dịch vụ thiết yếu” đồng thời rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 1 ngày, cắt giảm cách loại thuế, phí dịch vụ khác và nới lỏng một số quy định về giao dịch cho vay ký quỹ (margin), ngành chứng khoán rơi vào 1 trạng thái rất khó khăn bên cạnh việc mức độ cạnh tranh trong ngành rất cao từ các công ty chứng khoán ngoại.

Xét trên góc độ doanh nghiệp thì động thái rõ ràng nhất về mặt phân bổ vốn trong thời gian qua là việc các DN quyết định chi nhiều tiền để mua cổ phiếu quỹ. Điều này cũng đang là chủ đề tranh cãi rất nóng ở cả trên các mặt báo quốc tế, theo thống kê của 1 số tờ báo nội địa Việt Nam, tổng tiền cam kết sẽ rót vào việc mua cổ phiếu quỹ hơn 3.500 tỷ đồng. Tổng thống Donald Trump hay một số nhà đầu tư, chủ DN lớn khác đã cảnh báo rằng những công ty thuộc diện được xem xét hỗ trợ tài chính như thuế, phí, vay ưu đãi, bảo lãnh… không được mua cổ phiếu quỹ và nên tập trung ưu tiên tối đa vào việc đối xử công bằng với cán bộ, công nhân viên, bởi vì đây mới là những đối tượng duy trì được sự tồn tại và giúp DN vực dậy sau suy thoái, dường như có một số DN Việt Nam đang làm ngược lại những điều này. Thông thường việc mua cổ phiếu quỹ nên được thực hiện khi DN dư dả tiền mặt và thị giá cổ phiếu giảm quá thấp “dưới” giá trị nội tại, việc dự đoán sai tình hình công ty sẽ là quá trình phá hủy giá trị của cổ đông khá nặng nề. Xét trên khía cạnh ưu tiên của việc phân bổ tiền sẽ theo các thứ tự căn bản sau:

1. Chi trả các nghĩa vụ với các cơ quan nhà nước, người lao động, chủ nợ, nhà cung cấp, các chi phí vận hành khác…

2. Tái đầu tư dòng tiền thặng dư vào HĐKD hoặc phân bổ vào các tài sản sinh lời tốt hơn.

3. Chi đầu tư mở rộng HĐKD hoặc mua lại các DN khác.

4. Mua cổ phiếu quỹ, chia cổ tức tiền mặt.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng đang tập trung vào những đối tượng  tuyến cuối là người dân, người lao động cho nên việc cứu DN cũng là cứu người lao động từ đó tác động tích cực lên nền kinh tế…trên tinh thần cùng chia sẻ sự khó khăn. Việc mua cổ phiếu quỹ không mang lại lợi ích gì cho những người lao động không sở hữu cổ phần hoặc sở hữu rất ít. Thực tế vừa qua cho thấy nhiều DN không hề có lượng tiền dồi dào, nợ Ngân hàng nhiều vẫn đăng ký mua cổ phiếu quỹ với số lượng lớn sau đó lại thông báo giảm số lượng đăng ký mua. Việc cứu giá cổ phiếu của những DN này bị áp lực bởi nghĩa vụ nợ và những nghĩa vụ khác hơn là nhìn trên khía cạnh giá trị nội tại của DN, đây cũng là thời điểm để “đàm phán” cho tinh thần đối tác giữa các mối quan hệ kinh doanh, cấp vốn…

+ Quyết định phân bổ vốn có ý nghĩa nhiều về khía cạnh sinh lời nhưng quyết định cùng chia sẻ mang ý nghĩa nhiều hơn như vậy. Và nếu gọi cổ phiếu quỹ là “đơn thuốc” cho giá cổ phiếu trong mùa đại dịch là tư duy chưa đúng đắn vì những lý do sau:

+ Doanh nghiệp là người mua cổ phiếu quỹ nhưng đối tượng bán là nhà đầu tư nào thì không rõ, điều này có thể nằm trong các cam kết của DN với các nhà đầu tư lớn. Phương thức giao dịch có thể phần lớn là giao dịch thỏa thuận.

+ Ở khía cạnh biến động của thị trường chứng khoán là điều không thể dự đoán trước được vì thuộc phạm trù tâm lý trong ngắn hạn, bất kể ban lãnh đạo DN nào nhắc quá nhiều tới giá cổ phiếu không phải là biểu hiện của sự chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy hầu hết các DN công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ nhưng thị giá không có sự cải thiện trong các tuần qua đi cùng diễn biến thị trường. Những nhà đầu tư/chủ DN thành công đều từ chối bình luận về giá cổ phiếu.

+ Sự tách bạch trong khía cạnh kinh doanh và thị trường chứng khoán là điều thiết yếu trong các quyết định phân bổ vốn. Các DN có thể nhìn nhau và cùng sử dụng chung “đơn thuốc” này để cứu giá cổ phiếu trong khi mỗi DN ngoài chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh lại có những căn bệnh riêng khác nhau trong dài hạn. Nhiều diễn biến thực tế cho thấy các DN gặp khó khăn nhiều hơn xuất phát từ chính nội tại yếu kém của DN và nền kinh tế chỉ là những nhân tố “xúc tác” thúc đẩy DN đó nhanh chóng rơi vào khó khăn hơn. Quá trình tái cấu trúc cũng phải xuất phát từ những yếu nội tại yếu kém của chính DN này.

+ Việc mua cổ phiếu quỹ nên được nhìn nhận một cách “nhất quán (consistency)” luôn nằm trong tư duy phân bổ vốn của ban lãnh đạo, hơn là việc lợi dụng sự sụt giảm mạnh của thị giá để mua sau đó nhằm bán lại với giá cao hơn khi thị trường lên cao sau đó. Các CEO phân bổ vốn hiệu quả trên thế giới đều mua lại phần lớn cổ phiếu của DN trong suốt quá trình họ điều hành và không bao giờ bán ra trừ khi công ty có những thương vụ kinh doanh hấp dẫn có thể hoán đổi cổ phiếu với giá hấp dẫn hơn. Đặc điểm chung họ đều là những người hiểu rất rõ lợi thế cạnh tranh của DN. Link đọc thêm các bài viết về cổ phiếu quỹ: 


Những DN niêm yết thuộc dạng tăng trưởng nhanh đều đang phải tạm dừng triển khai kế hoạch mở rộng, cùng theo dõi quá trình “tác động” của dịch bệnh đến HĐKD trên cả chuỗi giá trị hoạt động. Một số DN khác được xem là hưởng lợi từ dịch bệnh đang khẩn trương cho ra những dòng sản phẩm mới, dồn tiền mở rộng năng suất sản xuất, phân phối chứ không dồn tiền vào việc mua cổ phiếu quỹ. Nhìn trên quan điểm của người viết, việc cá nhân ban lãnh đạo mua vào cổ phiếu của chính công ty mang ý nghĩa tích cực và hài hòa lợi ích hơn trong giai đoạn này vì không làm ảnh hưởng tới dòng tiền HĐKD của DN, ít nhất ở khía cạnh thị giá đang tạm thời rẻ chứ chưa cần xét tới kì vọng cho việc tăng giá từ triển vọng tươi sáng trong tương lai – 1 bước đi thận trọng hơn và là “đơn thuốc” tốt hơn cho tinh thần của các cổ đông. Trước đó vào thời điểm cuối năm 2019 có một làn sóng đăng ký mua cổ phiếu quỹ của các NH trong bối cảnh kết quả kinh doanh “tăng trưởng” ở những năm trước nhưng TTCK diễn biến tiêu cực hơn kể từ đầu năm 2018 thì thời điểm này một số NH vẫn đang tiếp tục “kiên định” đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ trong khi các NH lớn đang đăng ký tham gia tích cực vào việc hỗ trợ các DN trong gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng, nổi bật có HD Bank vừa rồi cũng cam kết giảm mạnh lãi suất cho vay các DN siêu nhỏ mà không cần chứng minh khó khăn về mặt tài chính. Chính phủ có ý định tăng gói kích thích tài khóa từ 30 nghìn tỷ đồng lên 150 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ hồ sơ nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam đang tăng mạnh. Làn sóng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng đang bùng phát tại Trung Quốc và có khả năng nhen nhóm ra các quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP, số dư nợ thẻ tín dụng cao như Pháp, Thụy Sỹ, New Zealand, Úc, Mỹ…Nhìn từ những thương vụ mua cổ phiếu quỹ trước đó của các NH có thể rút ra được bài học là các quyết định về mặt định lượng không phải lúc nào cũng giải thích được bằng các yếu tố định lượng mà còn các yếu tố định tính như bối cảnh, sự phù hợp, tư duy độc lập…

Ngoài ra, trong giai đoạn này, một số ban lãnh đạo chịu “áp lực” quá lớn từ việc giảm giá cổ phiếu còn có nhiều quyết định mang tính “sáng tạo”. Động cơ chung của các ban lãnh đạo này nhằm giữ giá cổ phiếu không rơi quá sâu gây ảnh hưởng tới các nghĩa vụ nợ thế chấp của doanh nghiệp từ đó gây ảnh hưởng lên dòng tiền trong toàn bộ HĐKD. Vấn đề “bối cảnh” và “cách thức” quan tâm tới giá cổ phiếu của các chủ doanh nghiệp được thể hiện rất đa dạng và phong phú như sau:

+ Làm đẹp báo cáo tài chính thông qua sự chuyển dịch giữa các khoản mục nhưng trên thực tế không phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào cho doanh nghiệp.

+ Thành lập quỹ riêng để hỗ trợ giá cổ phiếu.

+ Một số trường hợp khác có thể thấy được sự mâu thuẫn giữa các quyết định của ban lãnh đạo, đăng ký mua vào cổ phiếu trong khi doanh nghiệp đang bị kẹt thanh khoản.

Xét trên góc độ nhà đầu tư những cụm từ bắt gặp nhiều nhất trên các diễn đàn chứng khoán là “bắt đáy”, “bắt dao rơi” sau đó là “hoảng loạn”, “chán nản”, “đóng bảng điện”. Thay vì thấu hiểu và theo dõi những diễn biến trong HĐKD thì các nhà đầu tư liên tục khám phá ra những khả năng mới của mình từ việc sử dụng đòn bẩy để bắt đáy cổ phiếu trong những ngày qua. Đỉnh điểm của của sự hoảng sợ là việc đăng khắp các diễn đàn để xin lời tư vấn từ những môi giới/nhà đầu tư khác cho chính sự lựa chọn của mình trước đó và điều này thật không chuyên nghiệp. Không chỉ diễn ra trên thị trường Việt Nam mà tại các thị trường phát triển, các nhà đầu tư cũng rơi vào trạng thái sợ hãi tương tự. Theo quan điểm của người viết:

+ Giai đoạn này “rất tuyệt vời” để bạn quan sát và trau dồi thêm kiến thức bằng việc quan sát những động thái, chiến lược và tư duy của ban lãnh đạo trong việc xử lý khủng hoảng. Đừng nôn nóng phải tìm ra được ngay DN và tham gia ngay trong giai đoạn hiện tại, số tiền mất có thể sẽ nhiều hơn số kinh nghiệm mà bạn tích lũy được nếu phá vỡ kỷ luật và vượt rào.

+ Nên tránh xa những cuộc tranh cãi về giá thị trường vì sự khập khiễng trong góc nhìn, quan điểm và cả quá trình nghiên cứu. Một nhà đầu tư vào DN trong vòng 5 năm không thể tranh cãi với nhà giao dịch chỉ nắm giữ cổ phiếu trong 3 ngày. Những người giữ tư duy “thị trường luôn đúng” khi nào cũng có chung kết quả là chính họ sai và mất tiền theo cách ít học được điều gì mới mẻ và không tích lũy được kiến thức.

+ Những nhà đầu tư “tay ngang” nhảy vào khi thị trường sụt giảm mạnh, tận dụng thời cơ “cạn nước” để “bắt cá” ít khi nào bắt được những con cá lớn vì quá trình tích lũy hiểu biết chưa đầy đủ, khi nước tiếp tục cạn thì họ vội vàng quăng luôn những “con cá lớn” thực sự để giữ tiền trước. Để đạt được trình độ tự tin mua cổ phiếu khi giá tiếp tục giảm hay cảm thấy vui khi mua được cổ phiếu giá rẻ hơn không phải là điều dễ dàng chỉ nói miệng mà có thể làm được. “Đáy” của thị trường nhiều trường hợp không liên quan gì tới “đáy” dưới góc nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp đó, thị trường vẫn có thể tiếp tục diễn biến không theo quy luật nào trong ngắn hạn.

Cuối cùng, ở góc độ là 1 công dân Việt Nam, đối với những động thái gần đây của Chính phủ trong việc hỗ trợ, vực dậy, duy trì sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Các biện pháp, nguyên tắc đáp ứng tức thời, chính sách hỗ trợ ngắn hạn, trung hạn sẽ hỗ trợ tốt cho nền kinh tế. Thực tế đang chứng minh tại các quốc gia phát triển tiền vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề nếu như thiếu đi những “tình người” trong cả việc kinh doanh, trong cuộc sống với sự đoàn kết cao nhất. Những hành động kể trên giúp củng cố niềm tin trong người dân và chứng minh rằng Việt Nam sẽ là 1 trong những quốc gia xử lý dịch bệnh hiệu quả và là 1 trong những quốc gia an toàn nhất trong mùa dịch này.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: