fbpx

“Tiền” giúp các doanh nghiệp trụ vững trong bao lâu?

“Đếm tiền” có lẽ là hoạt động diễn ra nhiều nhất trong những ngày khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid19 gây ra, điểm khác biệt ở chỗ các chủ DN đếm tiền để đảm bảo cho việc hoạt động liên tục của DN mình. Thông thường hoạt động này sẽ không diễn ra thường xuyên và nhiều như trong giai đoạn hiện nay, DN phải ưu tiên những nguồn kiếm ra tiền trước và tạm bỏ qua những chiến lược, kế hoạch đầu tư dài hạn nhất là trong những DN vừa và nhỏ. Nói cách khác là các DN sẽ tập trung vào những quyết định đã có trong quá khứ nhiều hơn, tối ưu hoặc nâng cấp nó để dòng tiền có thể về sớm nhất thay vì ra những quyết định hoàn toàn mới.

Trong bối cảnh ngành bất động sản thời gian vừa qua cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách và tăng trưởng chậm của toàn ngành. Ông Phạm Thanh Hưng (Phó chủ tịch Cenland –Mã CK CRE) cho rằng với kinh nghiệm và sự chuẩn bị trước, công ty có thể trụ vững trong khoảng thời gian 100 tháng tới, hiện tại DN cũng chưa phải cắt giảm bất kỳ nhân viên nào. Với tình trạng diễn biến dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, 1 số DN đặc biệt là SMEs phải đóng cửa để giảm chi phí tới mức tối thiểu để tồn tại, số lượng tiền mặt tích lũy được từ trước tới nay có lẽ là nguồn lớn nhất giúp trang trải đồng thời kéo giãn các thỏa thuận trong chi phí cố định của DN. Tuy nhiên, 1 số DN lớn khác đang bị ảnh hưởng nặng nề trong các ngành như vận tải hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, bán lẻ,…cũng thể hiện sự khó khăn tương tự như vậy. Giới đầu tư đưa ra Chỉ số Day cash on hand (DCOH) hay còn gọi là “số ngày sống sót” được tính toán bằng cách chia số dư tiền, tương đương tiền, các loại GTCG có thể chuyển đổi nhanh thành tiền khác cho chi phí vận hành hệ thống trong vòng 1 ngày (không tính khấu hao). Số ngày DCOH càng cao khả năng DN sẽ sống sót càng lâu trong điều kiện không có hoặc doanh thu sụt giảm rất mạnh, thu nhập hoạt động bị âm. Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings xếp hạng A cho các DN có số ngày DCOH bình quân khoảng 366 ngày.

Trên thực tế sẽ ít có cá nhân hay tổ nào chịu “ngồi im” và chi tiêu hết số tiền đã tích lũy mà không có bất kỳ động thái nào. Những khoản tiền nhận trước của khách hàng, chiếm dụng vốn của nhà cung cấp, cắt giảm chi phí hoạt động, giãn nợ vay và các nghĩa vụ khác sẽ giúp kéo dài số ngày sống sót hay những khoản chi phí cố định không thể cắt hoặc bị kéo dài ra có thể rút ngắn số ngày sống sót xuống. Khi nghĩa vụ với các bên liên quan là những con số quá lớn thì vấn đề thuộc về cả hai bên tham gia hoặc nhiều bên khác mà không chỉ trách nhiệm thuộc về riêng doanh nghiệp.

Vừa qua trường hợp đáng chú ý nhất là việc kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines (HVN),công ty đã gửi công văn yêu cầu chính phủ hỗ trợ trong các vấn đề về thuế và các nghĩa vụ. HVN đã phải đăng ký thanh lý 5 máy bay với giá trị thu hồi 37 triệu USD ( khoảng 851 tỷ đồng). Báo cáo của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước gửi đến Chính phủ cho rằng HVN cần phải được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng vì dòng tiền trong năm 2020 sẽ thiếu hụt xấp xỉ 15.000 tỷ đồng. Như vậy là chỉ trong vòng 1 quý hoạt động HVN đã phải cần tới sự hỗ trợ từ bên ngoài trong bối cảnh dòng tiền đã cạn kiệt. Trên thế giới cũng rất nhiều công ty, tập đoàn vận tải hàng không lớn rơi vào tình trạng khó khăn. Các hãng hàng không Anh đề nghị gói cứu trợ 9 tỷ USD, hiệp hội thương mại hàng không Mỹ kêu gọi gói 58 tỷ USD. Hay tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã bán bớt cổ phiếu của hai hãng hàng không lớn là Delta Air Lines và Southwest Airlines, 1 số công ty nghiên cứu thị trường lớn khác như CAPA cho rằng đến cuối năm 2020 hầu hết các hãng hàng không đều sẽ phá sản. Những dẫn chứng trên đủ để cho thấy sự khó khăn tới khốc liệt các hãng hàng không đang đối mặt và không dễ gì “thoát ra” được tình trạng này.

Cùng nhìn chi tiết hơn vào những con số của 2 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là HVN và VJC (Vietjet Air) ở các thời điểm khác nhau:

Với tình trạng hầu như đội bay của HVN đều phải dừng thì năm nay công ty ước lỗ gần 20.000 tỷ đồng (tức âm cả vốn chủ sở hữu) và không thể tiếp tục hoạt động. Điều này cho thấy với quy mô lớn như vậy nhưng cấu trúc tài chính của HVN rủi ro hơn và số ngày DCOH cũng không thể hiện được thực tế số ngày sống sót không thể hiện được thực sự tình hình thực tế, trong bối cảnh HVN đã cắt giảm chi phí vận hành. Dòng tiền thu về từ HĐKD mới thực sự quan trọng nhất vì bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lỗ gộp trong khi đội bay được khai thác dưới công suất trong khi vốn lưu động ròng đang âm nặng. Số tiền tích lũy được sẽ nhanh chóng đi vào trả nợ vay dài hạn NH đến hạn trả, nghĩa vụ nợ với phải trả bán chứng từ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa…và các nghĩa vụ đối với nhà nước, nghĩa vụ nợ vay ngắn hạn NH khiến HVN với mức doanh thu sụt giảm mạnh trong quý II không thể đáp ứng được. Chính vì mức độ cấp bách, nghiêm trọng này bắt đầu từ ngày 16/4 (là thời điểm kết thúc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ), các hãng hàng không trong nước sẽ khai thác trở lại các đường bay nội địa.

Dòng tiền thu vào của các DN sụt giảm trong thời gian này và hầu như đối với 1 số DN không thể kiểm soát được. Các DN sẽ tập kiểm soát dòng chi ra là chủ yếu, tiêu biểu như:

Với mỗi loại hình kinh doanh sẽ có những cấu trúc chi phí khác nhau, đối với mô hình thâm dụng vốn như vận tải hàng không đã đề cập phía trên phải dùng nợ vay lớn để tài trợ, mỗi chuyến bay có thể hiểu như từng “sản phẩm” của DN đó, dù vận hành với số lượng ghế rất thấp thì tổng chi phí của mỗi chuyến bay sẽ không thay đổi nhiều do chi phí nhiên liệu chiếm phần lớn tổng chi phí cùng với việc “chi trước, thu sau” thì việc thực hiện các chuyến bay vẫn phải diễn ra cho dù mức lỗ có thể tính toán trước, dòng tiền là yếu tố phải ưu tiền hàng đầu. Việc cắt giảm chi phí vận hành trong ngành này lại không đóng góp quá nhiều cho việc chi trả các nghĩa vụ trước đó công ty đã có, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn đột ngột xảy ra như hiện nay. Đối với những mô hình kinh doanh khác như du lịch, bán lẻ, sẽ khó gặp áp lực dòng tiền hơn mặc dù theo tính toán số ngày DCOH có thể thấp hơn hẳn các DN hàng không, họ có thể có thời gian cho việc “ngủ đông”.

Lấy ví dụ thời gian với qua các DN bán lẻ lớn như MWG, PNJ…đều phải đóng cửa 1 số cửa hàng theo quy định. Nếu chưa xét tới nguồn thu thì với những mô hình kinh doanh như vậy, các DN hoàn toàn có thể kéo thấp điểm hòa vốn trên từng cửa hàng xuống, trừ trường hợp 1 số DN với áp lực nợ vay quá lớn phải bán khuyến mãi, giảm giá dưới giá vốn hoặc có quy định bắt buộc đóng toàn bộ cửa hàng, thông thường các DN này đều bán trên mức giá vốn của những dòng sản phẩm chủ chốt. Có thể nhìn trên tổng thể DN lợi nhuận sẽ không tăng trưởng hoặc giảm, nhưng nhìn trên từng sản phẩm bán ra vẫn sẽ có lời, áp lực lỗ gộp sẽ khó xảy ra hơn các DN hàng không. Như vậy, chi phí vận hành như mặt bằng, nhân viên sẽ chiếm tỷ trọng lớn và ăn vào lãi gộp của DN. Các DN bán lẻ lớn có khả năng mở rộng cửa hàng nhanh như MWG, PNJ thời gian qua tỏ ra khá linh hoạt trong việc đàm phán giảm giá mặt bằng vì các DN đều có đội ngũ chuyên nghiệp để đàm phán các vấn đề liên quan tới bất động sản, bán lẻ cũng là ngành nằm trong danh sách được các NH miễn, giảm lãi suất sẽ tiết giảm tiếp được chi phí lãi vay, nhân viên cũng có thể sắp xếp linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, đối với MWG có thể đàm phán với nhà cung cấp điều chỉnh các đơn hàng cho tương lai, PNJ có thể tạm ngưng việc mua thêm hàng tồn kho từ đó giảm nhu cầu vốn lưu động và áp lực nợ vay mới sẽ giảm vì các DN có thể ưu tiên trả nợ NH trước. Số ngày DCOH tính toán cho MWG và PNJ lần lượt là 141 và 79 ngày có thể chưa sát với tình hình thực tế của các DN này. 

Có thể thấy thông qua các ví dụ trên, DCOH tức “tiền” lại không đại diện được thực tế thời gian sống sót của các doanh nghiệp với những cấu trúc chi phí khác nhau và chỉ là 1 chỉ tiêu có thể sử dụng hiệu quả hơn trong điều kiện kinh doanh bình thường mà không có cú sốc chưa có tiền lệ như hiện nay vì đa phần các DN hoạt động tốt, tiền sẽ dồi dào và số ngày DCOH sẽ cao.

Vai trò của vốn chủ sở hữu?

Đối với các DN thuần dịch vụ như ngành ngân hàng cũng không thể áp dụng theo chỉ tiêu này để tính toán. Tiền dùng để kinh doanh tới từ lượng tiền gửi huy động, tiền vay TCTD khác. Vốn chủ sở hữu của NH không tham gia trực tiếp vào việc tạo ra doanh thu nhưng lại rất quan trọng trong việc đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo thông lệ quốc tế đã đề ra. Vốn chủ sở hữu trong các ngành dịch vụ khác thường ít được quan tâm nhiều như trong ngành NH vì đặc thù đòn bẩy lớn. Tuy nhiên, trên quan điểm của người viết các ngành nghề khác không có tỷ trọng đòn bẩy cao như vậy nhưng có thể “học” qua lăng kính của ngành Ngân hàng. Vốn chủ chỉ là “tiền” đã góp vào ban đầu, thông qua nhiều chiến lược biến đổi dưới nhiều hình thái khác nhau của tài sản nhưng nguyên tắc là “vốn chủ” càng dày thì “tấm đệm” rủi ro của DN sẽ càng lớn khi khó khăn, được củng cố và tích lũy vững chắc hơn qua thời gian đối với các quyết định đi kèm sự ưu tiên xem xét rủi ro trước. Sẽ không có một thước đo chuẩn nào đối với tỷ trọng vốn chủ là bao nhiêu cho tất cả các ngành thậm chí trong cùng 1 ngành nhưng phải thừa nhận rằng, tỷ trọng VCSH cao thể hiện mức “tự chủ” tốt cộng thêm DN hướng tới việc sinh lời bền vững trên vốn chủ thể hiện được nhiều điều về tư duy quản trị, chiến lược cũng như 1 phần về bản chất mô hình kinh doanh mà DN đó chọn. Một số DN luôn hoạt động trong khuôn khổ của những con số và họ chủ động duy trì chúng trong các cân nhắc về cơ hội kinh doanh, đây cũng là tư duy rất đáng chú ý đối với các nhà đầu tư.

Cuối cùng, “tiền” là vua (cash is king) nhưng chưa chắc là thước hiệu quả để đo lường DN có thể trụ vững trong bao lâu. Lợi thế cũng như mô hình kinh doanh của DN là cái mà nhà đầu tư cần xem xét kĩ càng hơn cũng như các tài sản vô hình khác mà DN đang sở hữu. Sẽ không có chỉ tiêu tài chính đơn lẻ nào là “công thức” cho việc đầu tư thành công, cần phải đào sâu nhiều khía cạnh có thể ứng dụng thực tế vào đầu tư. Rủi ro tài chính chỉ là một phần trong rủi ro kinh doanh –đầu tư, đôi lúc cần hiểu các vấn đề dưới góc độ của người chủ doanh nghiệp nhiều hơn là người làm kế toán và tốt nhất là nên kết hợp cả hai để xem xét.  
 

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: