fbpx

Tư duy về thị trường: vòng luẩn quẩn về tâm lý (Phần 2)

“Đừng để thời gian trôi qua thật lãng phí, hãy đọc và suy ngẫm để tạo ra giá trị bền vững trong tương lai” VOT PARTNERS

“Chúng ta sống trong một thế giới đầu tư, không chỉ có những người tin vào lời thuyết phục hợp lý mà còn những người hay hy vọng, cả tin và tham lam, chộp lấy một cái cớ để tin vào” – Warren Buffett.

I. Lời tựa

“Ngay cả những người thông minh nhất, lựa chọn đúng phương pháp đầu tư cũng sẽ gục ngã trước những lòng tham và cảm xúc phi lý trí của họ” 

Thị trường chứng khoán được coi là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, hiểu một cách đơn giản là nơi thu hút vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, có vốn kết hợp với các nguồn lực khác cùng với những kế hoạch phát triển, sau đó cũng chính các doanh nghiệp này sẽ mang về các nguồn lợi tức cho nền kinh tế trở nên thịnh vượng. Như vậy các cá nhân, tổ chức tham gia mua các cổ phiếu đại diện cho số cổ phần họ sở hữu tại doanh nghiệp thì thực chất họ chính là những nhà đầu tư. Tuy nhiên chính cơ chế vận hành của thị trường chứng khoán là niêm yết giá mỗi ngày theo cung cầu, cùng với lòng tham và cái nhìn không đúng bản chất về giá trị, sự phát triển của doanh nghiệp đã biến nơi này thành một “sòng bạc” quy mô lớn. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khiến tất cả mọi người đều khó lòng tránh khỏi ngay cả những người có chỉ số IQ cao nhất.

Vậy vòng luẩn quẩn đó như thế nào? Hiểu theo ngôn ngữ kinh tế đó chính là tính chu kỳ là sự lặp đi lặp lại, nhưng tại sao ngay cả những người thông minh đại diện cho những nhà đầu tư, các quỹ đầu tư quy mô lớn nhiều kinh nghiệm vẫn phải gục ngã? Khi chúng ta tìm hiểu về đầu tư và đọc về Warren Buffett cái ông hay nhắc đến đó chính là lòng tham và nỗi sợ hãi trong đầu tư, chính hai điều này là nguyên nhân cốt yếu tạo ra vòng luẩn quẩn. Theo đó thông qua những suy nghĩ logic của ông, chúng tôi hiểu và tổng hợp lại thành một câu chuyện mang tính thực tế như sau:

II. Khởi đầu vòng luẩn quẩn

Là một là một quá trình bình thường của một nhà đầu tư, việc đi làm hằng ngày với số lương vừa đủ nhưng vẫn có thể dành ra một phần để đầu tư vào một tài sản sinh lời nào đó với mong muốn rằng chính điều này sẽ giúp mình trở nên giàu có và anh ta chọn thị trường chứng khoán là điểm đến của mình vì tính “đơn giản” và “dễ tiếp cận”. Thông qua các mối quan hệ anh ta tìm được cho mình một cố vấn chuyên về đầu tư chứng khoán, người này rất thông minh và có một quá trình đầu tư thành công với những danh tiếng lẫy lừng. Thời điểm này nền kinh tế cũng đang trên đà phát triển, các công ty, các tập đoàn lớn với sự hỗ trợ chính bởi sách tín dụng nới lỏng của chính phủ. Bên cạnh đó với sự tìm hiểu tự bản thân và được tư vấn bởi một chuyên gia đầu tư theo phương pháp giá trị, dài hạn, đã giúp anh ta chọn được những công ty như ý, có nền tảng tài chính vững mạnh. Sự phát triển về lợi nhuận của các công ty kéo theo giá thị trường cổ phiếu ngày một gia tăng, mức sinh lời danh mục đầu tư của anh ta cũng tăng lên nhanh chóng. Với Buffett đây là điểm khởi đầu của một nhà đầu tư thông minh, chính quá trình nghiên cứu, học hỏi đã giúp anh ta tránh được những công ty yếu kém, những ý tưởng hay những cơ hội anh ta tìm được đều rất chất lượng xứng đáng với công sức mà anh và cố vấn của mình bỏ ra. Như vậy khởi đầu vòng tròn chính là “số lượng và chất lượng của các ý tưởng đầu tư ở mức cao, phù hợp với sự phát triển của các công ty và nền kinh tế”

 

III. Giai đoạn hai của vòng luẩn quẩn

Là thời kỳ đi nhanh của thị trường, giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư của anh lên tầm cao mới. Tuy nhiên anh cũng nhận ra rằng giá thị trường đã tăng gấp đôi kể từ khi anh đầu tư chỉ vỏn vẹn trong vòng hai năm. Đây dường như là điều bất thường nếu xét theo quy mô và sự phát triển các công ty anh đầu tư. Nhưng với mức tăng trưởng đều đặn cùng với nguồn ý tưởng dồi dào về các công ty tốt khác với mức giá có thể chấp nhận được bởi người cố vấn. Anh quyết định tiếp tục đầu tư tiền của mình vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó các chủ thể khác trong nền kinh tế cũng cảm thấy thỏa mãn với giá cổ phiếu liên tục tăng khiến họ trở nên càng ngày càng giàu có hơn nữa. Ví dụ như các chủ doanh nghiệp với số lượng cổ phiếu họ sở hữu hay các công ty môi giới chứng khoán với lượng khách hàng giao dịch mở tài khoản ngày một đông. Với Buffett, ông hoàn toàn nhìn thấu được điều này và đây là cách ông mô tả “Trò này đang được chơi bởi những người cả tin, tự huyễn và những ai có óc hoài nghi. Để tạo ra những ảo tưởng đúng đắn, nó thường cần tới những phép kế toán méo mó”.

Chính lợi ích đã làm thay đổi hành vi là chính mình của con người, ông cho rằng những chủ doanh nghiệp, những chuyên gia quản lý tiền hay những tay môi giới luôn bị lệ thuộc vào lòng tham của mình. Họ luôn đưa ra những định giá đơn giản để hợp lý hóa sự tăng giá cổ phiếu hiện tại hay đưa ra những phương pháp kế toán méo mó để làm gia tăng ảo lợi nhuận của công ty nhằm giữ cho taì sản của họ được sinh lời. Quay trở lại nhà đầu tư và cố vấn của anh ta, do là nhà đầu tư giá trị và không chạy theo những khoản đầu cơ thị trường trong ngắn hạn, họ đã tránh được những vụ “mua bán chớp nhoáng” làm gia tăng chi phí giao dịch và thuế. Như vậy anh và cố vấn của mình hoàn toàn tự tin khi nhìn thấy những vấn đề tiêu cực từ việc chạy theo lợi ích ngắn hạn và tránh đi theo nó, nhưng họ cũng nhận ra rằng đối với các cổ phiếu họ sở hữu hiện tại, trông có vẻ họ đã hưởng những phần thưởng sớm hơn cả khi nó có thể.

IV. Giai đoạn ba của vòng luẩn quẩn

Là sự nghi ngờ vào phương pháp và chính bản thân mình. Chính giai đoạn hai của vòng luẩn quẩn, các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đã tạo ra “những sản phẩm cuối cùng rất lạc quan và đẹp mắt đáp ứng nhu cầu của số đông”. Các báo cáo tài chính của các công ty và các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều làm tăng nhanh chóng cảm xúc hồ hởi của tất cả mọi người. Giống như Peter Lynch nói “Ngay cả một tài xế taxi cũng có thể nói cho bạn biết mình nên đầu tư cổ phiếu nào”. Giai đoạn này danh mục của anh vẫn sinh lời đều đặn nhưng khi nhìn những người đồng nghiệp đầu tư và kiếm lời rất nhanh, bởi các công ty khác được đánh giá là tốt không kém so với danh mục của anh ta, thậm chí giá cổ phiếu các công ty này còn tăng nhanh hơn. Sau đó anh ta bàn bạc với cố vấn của mình, vị chuyên gia này sau một khoản thời gian thành công thì lại đang bị bỏ khá xa so với các chuyên gia đầu tư khác hiện đang có mức sinh lời tăng lên nhanh chóng. Lúc này vị chuyên gia sẽ vướng vào hai loại rủi ro là “rủi ro nghề nghiệp” khi phải giữ vững vị thế, danh tiếng của mình và tâm lý phản ứng mạnh mẽ với phần thưởng ngắn hạn.

Mặc dù đã thành công với phương pháp đầu tư giá trị tuy nhiên áp lực lớn từ dòng tiền đổ vào, cùng với mong muốn thu hút các nguồn tiền mới cho việc đầu tư sau này. Vị này quyết định khuyên anh ấy tiếp tục rót tiền vào các công ty đang tăng trưởng giá cổ phiếu nhanh chóng, Nhưng quyết định này đã biến vị chuyên gia thông minh, thành công kia thành những kẻ đầu cơ chạy theo lợi ích thành tích không hơn không kém. Đối với Buffett, ông nói điều này là “việc đầu cơ có quy mô ngày càng lớn làm số lượng các nhà đầu tư chuyên nghiệp (dù trước đây có thể rất “ngoan ngoãn”) tham gia ngày càng tăng, bởi vì họ cảm thấy mình phải “lên sàn”. Việc chạy theo thành tích, chạy theo những lợi ích ngắn hạn đã làm cho người chuyên gia lầm lường lạc lối, kéo theo đó là những khách hàng của họ lại dùng tiền để góp phần tạo nên những quả bong bóng tài chính. Như vậy giai đoạn 3 của vòng luẩn quẩn minh chứng cho một điều “Do các kết quả ngoạn mục trong ngắn hạn, tiền, và năng lượng, thậm chí là tư duy của nhà đầu tư và vị chuyên gia kia đã bị lung lay và đang dần hội tụ lại trong một nỗ lực tối đa để đạt được các lợi nhuận lớn và nhanh chóng trên thị trường chứng khoán”

V. Giai đoạn 4 chính là sự đổ vỡ

Xuất phát từ những công ty không thể che dấu được sự làm méo mó lợi nhuận của họ và sự đầu cơ quá mức. Kết quả là sự sụp đổ của công ty và giá cổ phiếu, tuy nhiên mọi việc còn tồi tệ hơn khi sự sụp đổ này kéo theo việc mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ trong nền kinh tế theo đó nguồn lợi nhuận của các tổ chức này trở nên bấp bênh, kéo theo hàng loạt những công bố sụt giảm lợi nhuận. Và rồi khi chứng kiến triển vọng tương lại trở nên viễn vong, hàng loạt các vụ rút vốn quy mô lớn diễn ra, sau đó thị trường chứng khoán sụp đổ. Nhà đầu tư và vị cố vấn ngày nào đã gần như mất toàn bộ số tiền chỉ vì những lợi ích bất thường đều đặn kia. Đối với Buffett, ông cho rằng “chúng ta sẽ không tìm kiếm hành động trong các hoạt động đầu tư, ngay cả khi chúng đưa ra các kỳ vọng lợi nhuận lộng lẫy, mà tại đó các vấn đề chủ yếu của con người dường như rất dễ phát triển”. Rõ ràng ông biết rằng chính những lợi nhuận lớn bất thường làm phơi bày sự phi lý trí trong hành vi của chúng ta, học cách tránh nó bằng cách sử dụng những phương pháp ông hiểu và hợp lý chính là cách tạo nên sự giàu có của ông. Tóm lại giai đoạn 4 của vòng luẩn quẩn chính là “sự bi quan cùng cực, mất niềm tin và chúng ta thường đổ lỗi cho thị trường chứng khoán”. Và vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp tục tiếp diễn xoay tròn, tất cả mọi người đều khó tránh khỏi. Ngược lại với Buffett, phong cách đầu tư của ông đều ngược lại những hành vi của thị trường, giai đoại 3 cao trào nhất cũng chính là lúc ông rời bỏ thị trường, nhưng khi không ai thèm đoái hoài tới cổ phiếu trong giai đoạn 4, cũng chính là lúc ông hứng khơi nhất. Như câu nói “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và hãy sợ hãi khi người khác tham lam”

 

Và sau đó cái vòng luẩn quẩn này lại tiếp tục tiếp diễn, nó xảy ra theo một chu kỳ và có lẽ tất cả mọi người đều phải gặp phải khi thực hiện đầu tư vào thị trường chứng khoán. Bài học ở đây chính là cách chúng ta đón nhận nó như một sự kiện xảy ra tự nhiên, nhưng chúng ta phải đủ tỉnh táo hơn, nhìn nhận đúng bản chất của đồng tiền để không bị nó chi phối. Tiền nên là phương tiện chứ không phải là mục tiêu tối thượng trong cuộc đời, nó có thể là chân, là tay, là bất cứ bộ phận nào trên cơ thể nhưng nó không phải mục đích để chúng ta tồn tại. Đối với Waren Buffett, ông là người hiện thân cho sự khác biệt với lối tư duy thông thường của con người. Ông luôn quan tâm đến sự hợp lý và kiên định với các nguyên tắc đầu tư của chính mình, trong khi những người khác tin rằng cây thực sự có thể vươn lên tận trời xanh. Thế nên khi con đường rõ ràng, ông tiến bước còn khi nó không chắc chắn, ông không đầu tư. Những điều bất thường ấy– lợi nhuận tăng đột biến hay giá thị trường cổ phiếu tăng nhanh chóng thường có nguy cơ “bốc hơi” hoàn toàn lớn hơn nhiều so với sự đều đặn, bền vững. Và nó đại diện cho những mánh khóe, những kỹ thuật thay đổi quá nhanh, nó không thể thỏa mãn được sự hiểu biết và chắc chắn không hợp với tính cách của ông. Cuối cùng chúng tôi xin được trích dẫn cuộc nói chuyện giữa Warren Buffett và Jeff Bezos, ông chủ của Amazon:

Jeff Bezos: “Phương pháp đầu tư của ông vô cùng đơn giản. Tại sao không ai sao chép phương pháp của ông nhỉ?

Warren Buffett: “Vì không ai muốn giàu chậm cả”

“Có thể chúng tôi chưa hoàn hảo, nhưng chúng tôi biết cách nỗ lực và học hỏi để trở thành nhà đầu tư giá trị” – VOT PARTNERS

 

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: