fbpx

Quá trình “lột xác” trong đầu tư của John Maynard Keynes

“Đừng để thời gian trôi qua thật lãng phí, hãy đọc và suy ngẫm để tạo ra giá trị bền vững trong tương lai” VOT PARTNERS

I. Giới thiệu

Chương 12 cuốn The General Theory of Employment, Interest and Money của Keynes là một trong những chương sách nhiều ảnh hưởng nhất từng được viết ra trong ngành tài chính. Jack Bogle viết “Chương sách đó, đầy rẫy trí khôn về đầu tư, có ảnh hưởng lớn lên luận văn tốt nghiệp đại học năm 1951 của tôi…..Keynes nhà đầu tư, không phải là nhà kinh tế học, đã là nguồn cảm hứng cho triết lý đầu tư trọng tâm của tôi”. Warren Buffett nói “Nếu bạn hiểu các chương 8 và 20 của cuốn The Intelligent Investor và chương 12 cuốn The General Theory, bạn không cần phải đọc gì khác nữa và có thể tắt tivi đi”. George Soros từng viết “Tôi thích mơ mình là thần thánh hay là một nhà cải cách kinh tế ngang hàng với Keynes”. Cuối cùng, người khổng lồ trí tuệ Peter Bernstein ghi công cho Keynes vì đã định nghĩa rủi ro “như nó được hiểu ngày nay”. Có điều gì ở Keynes khiến những người khổng lồ tài chính đấy nói về ông với sự ngượng vọng như thế?

John Maynard Keynes (1883 –1946) là một nhà kinh tế học người Anh. Những ý tưởng của ông, hình thành nên Kinh tế học Keynes, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị cũng như các chính sách tài chính của nhiều chính phủ. Ông ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, bởi nhờ đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài chính và chính sách tiền tệ để điều chỉnh tổng cầu do đó làm giảm nhẹ những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra. Ông là người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại và là nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Nhưng ít ai biết trong việc đầu tư ông đã phải trải qua nhiều quá trình gian nan như thế nào để tìm được “Phương pháp đầu tư đúng đắn”.

II. Những lần thất bại của thiên tài

Với tiền bạc đổ về nhờ thù lao viết sách và diễn thuyết, Keynes quyết định tận dụng tri thức của ông về cỗ máy kinh tế bằng cách đầu cơ tiền tệ. Trước cuộc chiến, các đồng tiền có giá cố định, nhưng sau khi chúng được thả nổi, các nhà đầu tư am hiểu hơn được trao cơ hội. Ông cảm thấy lạm phát hậu chiến sẽ gây hại cho đồng franc Pháp và nhất là đồng Reichsmark Đức, nên ông đã bán khống những loại tiền tệ này và vài loại khác nữa. Ông kiếm được 30.000 đô la Mỹ chỉ trong vài tháng – nên ông thực hiện bước đi logic tiếp theo. Ông thiết lập một nghiệp đoàn vào năm 1920 để quản lý chuyên nghiệp tiền bạc cho bạn bè và gia đình. Doanh nghiệp này cũng có khởi đầu thuận lợi, họ kiếm được 80.000 đô la Mỹ tới cuối tháng 4 năm 1920. Nhưng rồi, trong một giai đoạn chỉ bốn tuần, một làn sóng lạc quan ngắn ngủi lan khắp châu lục, và các đồng tiền ông bán khống lên giá rất nhanh, quét sạch toàn bộ vốn của nghiệp đoàn. Khi ông buộc phải đóng cửa nó, mọi giao dịch mua bán tiền tệ của ông đều đã thua lỗ. Keynes được cha mình cứu, và không chùn bước vì vụ sụp đổ, ông đã trở lại, tiếp tục đầu cơ, và xây dựng một cơ sở vốn 120.000 đô la Mỹ tới cuối năm 1922.

Keynes sau đó đầu cơ mạnh tay vào hàng hóa thương phẩm, sử dụng cùng phương pháp vĩ mô mà ông đã làm với các loại tiền tệ. Thay vì đầu tư vào đông franc và Reichsmark và đồng rupee biến động cực lớn, ông quay sang thiếc, bông và lúa mì. Nỗ lực này kết thúc giống như nỗ lục trước đó. Khi Đại suy thoái xảy ra và các hàng hóa thương phẩm giảm giá mạnh, Keynes mất 80% tổng tài sản của ông.

Năm 1924, Keynes trở thành giám đốc tài chính ở King’s College và kiểm soát tài chính của trường đại học này. Khi Keynes nắm quyền kiểm soát quỹ hiến tặng của trường, quỹ này bị hạn chế ngặt nghèo trong những tài sản nó được phép đầu tư. Thời bấy giờ, giới quản lý tài sản của tổ chức tập trung rất nhiều vào bất động sản và trái phiếu. Chứng khoán bị coi là quá rủi ro và bị giám đốc hầu hết các tổ chức đầu tư tránh xa. Nhưng ông đã có thể thuyết phục tách một phần quỹ ra thành một danh mục đầu tư không bị quản lý, cho ông tự do làm gì ông muốn. Khi tiếp quản quỹ, ông đã bán các bất động sản để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Keynes nghĩ ông sẽ làm tốt hơn với việc đầu cơ vào một tài sản có giá biến động hằng ngày và tính thanh khoản cao hơn so với đầu tư vào một thứ mà ông có ít sự kiểm soát. Nhưng ông vay mượn nhiều khi cuộc khủng hoảng nổ ra, và lòng tin vào năng lực của ông theo dõi được các chu kỳ tín dụng và sự tăng trưởng và suy giảm về kinh tế đã không được như ông nghĩ. Quỹ thua lỗ 32% vào năm 1930 và 24% nữa vào năm 1931. Ông đã hiểu sai những hoàn cảnh hiện tại, và tri kiến vĩ mô của ông sau cuộc khủng hoảng cũng không khá hơn.

III. Thời điểm “lột xác”

Trong 10 năm Keynes đã đạt được nhiều điều hơn hầu hết các kinh tế gia đạt được trong cuộc đời họ, và dù rất thông minh, trí tuệ siêu việt của ông không giúp ông có được những tri kiến siêu việt trong các chuyển biến thị trường ngắn hạn. Khi nghiên cứu giao dịch hàng hóa thương phẩm của ông, thật khó có được một hồ sơ rõ ràng chính xác là ông đã làm ăn ra sao vì tỷ lệ chuyển đổi quá cao. Ông nghĩ rằng bằng cách giao dịch thường xuyên như thế, ông có thể kiểm soát số phận của chính mình và đạt được thành công. Ông đã sai. Ông mang theo phong cách này của ông tới quỹ hiến tặng của King’s College, và tạo ra lợi nhuận âm trong vài năm đầu tiên.

Không chỉ trường đại học này thua lỗ dưới tay Keynes, ông còn điều hành một định chế đầu tư bị thanh lý sau cuộc khủng hoảng. “Dù Keynes nổi tiếng kiêu ngạo và thần thái trí tuệ vượt trội mà ông tạo ra, trải nghiệm hèn mọn của việc để mất gần trọn hai khối tài sản lớn đã làm ông thay đổi suy nghĩ về cách đầu tư tốt nhất”. Keynes đã thay đổi 180 độ trong tư duy của ông từ người đầu cơ ngắn hạn sang một nhà đầu tư dài hạn. Những tác lực tâm lý của thị trường đã thu hút sự chú ý của ông, và điều đó khiến nỗi ám ảnh của ông với nền kinh tế vĩ mô và mối liên hệ giữa các đồng tiền và lãi suất và giá chứng khoán có vẻ hoàn toàn vô nghĩa.

Ông bắt đầu nghiên cứu các công ty, xem xét dòng tiền và lợi nhuận và cổ tức, tập trung sâu vào những doanh nghiệp bán thấp hơn giá trị thực của chúng. Keynes đi từ vĩ mô sang vi mô, từ phân tích suy diễn (top – down) sang tổng hợp quy nạp (bottom – up), và với tầm nhìn mới này, ông đã làm nên cả gia tài cho bản thân, King’s College, và hai công ty bảo hiểm. Keynes dẹp cái tôi của ông sang một bên và từ bỏ việc cố gắng dự đoán tỷ lệ lãi suất và biến động tiền tệ và cách chúng tác động lên nền kinh tế. Là một nhà đầu tư giá trị trong dài hạn, ông mua “Những chứng khoán tương ứng với tài sản và với lợi nhuận cuối cùng và ở mức giá thị trường có vẻ rẻ hơn so với những điều đó”. Keynes là cha đẻ của kinh tế học vĩ mô, nhưng thật trớ trêu, thành công trong đầu tư của ông chỉ xảy ra một khi ông có thể áp dụng điều là phản đề của kinh tế vĩ mô.

Nếu bạn có thể mua thứ gì đó thấp hơn giá trị thực của nó, bạn đang có cơ hội tốt trong dài hạn hơn so với việc cố gắng tiên đoán giỏi hơn các đối thủ trong ngắn hạn. Keynes viết về điều này trong chương 12 cuốn The General Theory:

“Nếu nói thẳng ra, chúng ta phải công nhận rằng cơ sở kiến thức của chúng ta để dự đoán lợi nhuận trong mười năm tới của một tuyến đường sắt, một mỏ đồng, một nhà máy dệt, tiền bản quyền từ một loại thuốc, một tàu hàng xuyên Đại Tay Dương, một tòa nhà ở City og London là rất ít, và đôi khi chẳng dự đoán được gì cả, hay thậm chí là trong thời gian năm năm thôi cũng vậy

Việc ông nhảy sang đầu tư vào giá trị, và thành công với điều đó, cho thấy những thách thức riêng của nó. Giá trị, giống như bất cứ thứ gì khác, có tính thời vụ, và bạn sẽ không bao giờ biết trước khi nào thì mùa hè trở thành mùa đông. Từ 1936 tới 1938, Keynes đã mất hai phần ba tài sản của mình, và các danh mục ông quản lý không khá hơn bao nhiêu. Các hội đồng quản trị của hai công ty bảo hiểm mà ông quản lý tiền tức điên với thành tích của ông. Nhưng lần này, ông viết:

“Tôi không tin bán đi ở giá thấp là biện pháp khắc phục cho việc đã không bán được ở giá cao…Tôi không nghĩ rằng công việc, chứ đừng nói là phận sự, của một nhà đầu tư tổ chức hay bất kỳ nhà đầu tư nghiêm túc nào khác là liện tục cân nhắc xem liệu anh ta có nên cắt lỗ và tháo chạy khỏi một thị trường đang giảm hay không….Quan niệm cho rằng tất cả chúng ta nên bán cho người khác và thu về tiền mặt ở điểm đáy của thị trường không chỉ hoang đường, mà còn hủy diệt toàn bộ hệ thống”

Đây là một bước nhảy lượng tử so với những gi ông đã làm một thập niên trước đó. King’s College cũng muốn có câu trả lời, nên hai tháng sau, trong một bảng ghi nhớ gửi Ủy ban Tài sản của King’s College, ông viết:

“Vì đủ thứ lý do, ý tưởng thay đổi hoàn toàn là phi thực tế và thực ra là không ai muốn. Hầu hết những ai cố gắng làm điều đó, bán quá muộn và mua quá muộn, và làm cả hai điều đó quá thuờng xuyên…Tôi tin rằng việc đầu tư thành công phụ thuộc vào ba nguyên tắc:

+ Lựa chọn cẩn thận một vài khoản đầu tư sau khi đã cân nhắc giá rẻ phải chăng của chúng so với giá trị thực sự khả dĩ và tiềm lực của chúng trong giai đoạn vài năm sắp tới và trong so sánh với những khoản đầu tư thay thế khác ở cùng thời điểm.

+ Kiên trì nắm giữ các khoản đầu tư này với khối lượng tương đối lớn qua mọi thăng trầm, có thể là vài năm, cho tới khi chúng đáp ứng hứa hẹn của chúng hoặc cho tới khi rõ ràng việc mua chúng là một sai lầm.

+ Giao dịch đầu tư cân bằng, tức là đa dạng hóa rủi ro cho dù từng cổ phần riêng lẻ là lớn, và nếu có thể thì tạo đối trọng với rủi ro.

Sự linh hoạt tri thức với một chuyên gia kinh tế vĩ mô, nhất là người có cái tôi cực lớn, để chuyển đổi từ phân tích suy diễn sang tổng hợp quy nạp thật ấn tượng. Ông đã chấp nhận thực tế việc tiên đoán tâm trạng của giới đầu tư là điều gần như không thể và chỉ tổ lãng phí thời gian”

Từ 1928 tới 1931, tài sản King’s College giảm gần 50%, so với mức giảm chỉ 30% trên thị trường chứng khoán Anh. Nhưng từ 1932 tới 1945, Keynes đã giúp quỹ này tăng 869%. Để so sánh, thị trường Anh chỉ tăng trưởng 23% trong cùng thời gian. Thay đổi từ đầu cơ ngắn hạn sang đầu tư dài hạn tạo ra tất cả sự khác biệt. Keynes là một trong những nhà đầu tư hiếm hoi không chỉ ý thức về định kiến nhận thức của mình, mà còn có thể chiến đầu chống lại những định kiến đó một cách hiệu quả. Ông nhận ra ông có thể có tất cả thông tin trên đời, nhưng nếu không có khả năng kiểm soát hành vi của chính mình, và dự đoán hành vi của người khác, thì thông tin đó chẳng có ý nghĩa gì.

Trích trong sách “Big Mistakes” của tác giả Michael Batnick

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: