fbpx

Chương 12: Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (đoạn trích)

Sự việc nổi bật trong lĩnh vực này là tính hết sức không chắc chắn của cơ sở hiểu biết mà theo đó chúng ta ước tính lợi tức tương lai. Sự hiểu biết của chúng ta về những nhân tố sẽ chi phối lợi tức của việc đầu tư trong vài năm sau thường rất mỏng manh và nhiều khi không đáng kể. Thành thật mà nói, chúng ta phải thú nhận rằng những kiến thức làm cơ sở cho việc chúng ta dự tính số lợi tức trong 10 năm sau (thậm chí chỉ 5 năm sau thôi) của một đường xe lửa, một mỏ đồng, một nhà máy dệt, một thứ thuốc chế biến theo bằng sáng chế, một con tàu chạy xuyên Đại Tây Dương, một toà nhà xây dựng tại thành phố London thật là quá ít đôi khi tưởng như chẳng có gì cả. Trên thực tế, những người nghiêm túc đưa ra những con số dự tính như vậy thường chỉ là một số người thiểu số đến mức những cố gắng của họ không thể nào chi phối được thị trường. Trước kia, khi các doanh nghiệp còn ở dưới quyền sở hữu của chính những người gây dựng ra các doanh nghiệp đó hay của bạn bè, thân thích của họ, thì sự đầu tư tuỳ thuộc vào mức đóng góp của các cá nhân có tinh thần lạc quan và đầu óc xây dựng; họ chọn nghề kinh doanh như một lối sống mà thực sự không hề nghĩ đến những tính toán về mặt lợi nhuận trong tương lai. Công cuộc kinh doanh phần nào mang tính chất một cuộc xổ số, mặc dù kết quả cuối cùng tuỳ thuộc khá nhiều ở chỗ là các nhà quản lý kinh doanh có khả năng và tài trí đến đâu. Do đó, cũng có những người thành công nhưng cũng không ít kẻ thất bại. Nhưng ngay cả sau khi tiến hành kinh doanh, họ cũng chẳng rõ là kết quả của số tiền vốn đầu tư so với lãi suất lúc đó thì hơn kém như thế nào. Tuy nhiên, nếu không kể đến sự cần thiết phải khai thác tài nguyên thiên nhiên và thực hiện các độc quyền cần thiết, thì ngay cả ở giai đoạn tiến bộ và phồn vinh, kết quả bình quân thực tế của các công cuộc đầu tư nói trên thường làm tiêu tan hy vọng đã thúc đẩy họ dính líu vào các công việc kinh doanh đó. Đó là một thứ trò chơi vừa đòi hỏi tài trí, vừa dựa vào may rủi mà các nhà kinh doanh trước đây đã thực hiện, và những người tham gia đều không rõ kết quả ra sao. Nếu bản chất của con người không cảm thấy bị lôi cuốn vào một trò chơi may rủi, không thấy thích thú gì (trừ lợi nhuận) khi xây dựng một nhà máy, một đường xe lửa, khai thác một mỏ khoáng sản hay mở mang một trang trại, thì chắc chắn những công cuộc đầu tư cũng không có nhiều lắm và cũng chỉ là kết quả của một sự tính toán lạnh lùng mà thôi. Tuy nhiên, các quyết định đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh tư nhân theo kiểu cũ phần lớn là những quyết định không dễ gì thay đổi được không những đối với cộng đồng nói chung, và kể cả với cá nhân từng người. Với cách thức làm ăn hiện nay, khi có sự tách rời quyền lực giữa một bên là chủ sở hữu và một bên là bộ phận quản trị, cùng với sự phát triển của các thị trường đầu tư có tổ chức, thì đã xuất hiện một nhân tố mới rất quan trọng, nhân tố này đôi khi làm cho đầu tư dễ dàng hơn, nhưng đôi khi lại gây ra sự mất ổn định của hệ thống.

Trong trường hợp không có các thị trường chứng khoán, thì không có lý do gì để định giá lại vốn đầu tư mà chúng ta đã cam kết thực hiện. Nhưng sở giao dịch chứng khoán định giá lại nhiều loại vốn đầu tư hàng ngày và những sự định giá lại lại luôn luôn tạo cơ hội cho cá nhân (mặc dù không phải cho toàn thể cộng đồng) để xem xét, sửa đổi các cam kết của mình. Cũng như trường hợp một chủ trại sau khi ăn sáng, có thể quyết định rút vốn của ông ta ra khỏi cơ sở kinh doanh nông nghiệp hồi 10 hay 11 giờ buổi sáng hôm ấy và sẽ xem xét lại có nên đầu tư vốn trở lại vào cơ sở đó hay không vào cuối tuần. Mặc dầu những sự định giá lại đó của sở giao dịch chứng khoán chủ yếu là nhằm mục đích làm dễ dàng cho việc chuyển nhượng các số vốn đầu tư cũ giữa một cá nhân này với một cá nhân khác, nhưng chúng lại có một ảnh hưởng quyết định đối với tốc độ đầu tư hiện tại. Vì không nên xây dựng một xí nghiệp mới với một số chi phí cao hơn chi phí của một xí nghiệp tương đương sẵn có mà ta có thể mua lại được. Trong khi đó sự kích thích chi cho một dự án mới với một số tiền tưởng chừng quá lớn nếu dự án đó có thể đem niêm yết cổ phần tại sở chứng khoán với một số tiền lời thu được ngay.

(2) Do đó, một vài loại vốn đầu tư bị chi phối bởi dự tính trung bình của những người giao dịch tại sở chứng khoán được thể hiện qua giá cổ phần chứ không phải là bởi những dự tính thật sự của các nhà kinh doanh chuyên nghiệp.

(3) Như vậy những việc định giá lại hàng ngày, thậm chí hàng giờ với tầm quan trọng rất lớn này đối với các số vốn đầu tư hiện có được thực hiện thế nào trên thực tế?

Trên thực tế, chúng ta đã thoả thuận ngầm về việc dùng đến cái được gọi là quy ước. Bản chất của quy ước này – dĩ nhiên khó mà có thể trình bày một cách sơ lược được – là ở chỗ giả định rằng tình trạng buôn bán, giao dịch hiện có sẽ tiếp tục mãi mãi, trừ khi chúng ta thấy có những lý do nhất định để dự kiến một sự biến đổi nào đó. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta thực sự tin tưởng rằng tình trạng công việc hiện nay sẽ tiếp tục mãi mãi, không chút thay đổi. Chúng ta nhận thức qua kinh nghiệm thực tế rằng điều này hầu như không xảy ra. Những kết quả thực sự của vốn đầu tư, qua một thời gian nhiều năm, rất ít khi phù hợp với dự tính ban đầu. Chúng ta cũng không thể làm cho cách xử sự của chúng ta trở thành hợp lý bằng cách lập luận rằng, đối với một người trong tình trạng không biết gì thì những sai lầm phạm phải về mặt này hay mặt kia cũng chẳng khác gì nhau, cho nên có thể có một dự tính thống kê trung bình dựa trên những xác suất ngang nhau. Vì người ta có thể chứng minh một cách dễ dàng rằng giả thiết xác suất ngang nhau về số học dựa trên một tình trạng thiếu hiểu biết có thể dẫn tới những điều phi lý. Chúng ta giả định rằng sự đánh giá thị trường (market valuation) hiện nay, dù ở mức độ nào chăng nữa, chỉ duy nhất đúng tuỳ theo sự hiểu biết của chúng ta về những sự việc hiện có ảnh hưởng tới lợi tức của vốn đầu tư và rằng sự đánh giá thị trường sẽ chỉ thay đổi tương ứng với những thay đổi về sự hiểu biết này, mặc dù về phương diện triết học, sự đánh giá đó không thể là duy nhất đúng, vì những sự hiểu biết hiện nay của chúng ta không tạo ra được một cơ sở đầy đủ cho việc dự kiến được tính toán về mặt số học. Trên thực tế, đủ các loại suy xét, cân nhắc đang được sử dụng trong việc đánh giá thị trường nhưng không có một tí gì liên quan đến lợi tức tương lai cả.

Để thay thế cách dùng những câu ẩn ý như trên, chúng ta có thể nói thẳng thừng rằng các cuộc đầu tư cũng giống như một cuộc thi trên báo chí mà người dự thi phải chọn được 6 khuôn mặt xinh đẹp trong số hàng trăm bức ảnh. Giải thưởng được trao cho người nào có sự lựa chọn gần đúng nhất mức ưa thích tính trung bình của những người dự thi nói chung. Việc này khiến cho mỗi người dự thi phải chọn không phải những khuôn mặt mà người đó cho là xinh đẹp nhất theo quan điểm của anh ta, mà là những khuôn mặt mà anh ta dự đoán là thích hợp nhất với sự ưa thích của những người khác cùng dự giải, và tất cả những người dự thi đều nhìn nhận vấn đề theo một góc độ chung như vậy. Đây không phải là trường hợp lựa chọn những khuôn mặt xinh đẹp nhất theo quan điểm riêng của từng người, thậm chí cũng không phải là những khuôn mặt mà ý kiến chung thực sự coi là đẹp nhất. Chúng ta phải dùng hết trí tuệ và sự thông minh đến mức thứ ba để tìm xem quan điểm trung bình của công chúng là như thế nào. Tôi tin rằng có nhiều người còn muốn tiến đến mức thứ tư, thứ năm, hoặc đi xa hơn nữa.

Đầu tư dựa trên những dự tính thực sự dài hạn ngày nay là một việc làm rất khó cho nên ít khi thực hiện được. Người nào tìm cách thực hiện ước muốn đó chắc chắn sẽ phải vô cùng vất vả và vấp phải những rủi ro lớn hơn so với những kẻ cố sức phỏng đoán tốt hơn công chúng để xem công chúng nghĩ gì và sẽ làm gì, và với trí thông minh và tài trí như nhau so với những người khác, những người đó có thể phạm phải những sai lầm thảm hại hơn. Không có bằng chứng rõ ràng thông qua kinh nghiệm cho thấy rằng chính sách đầu tư có lợi cho xã hội lại trùng hợp với chính sách đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận. Cần phải có trí thông minh cao hơn để đánh bại những tác nhân của thời đại và sự thiếu hiểu biết của chúng ta về tương lai hơn là “chớp lấy thời cơ”. Hơn nữa, đời người quá ngắn ngủi mà bản chất con người lại muốn thấy ngay những kết quả. Mọi người đều có sự say mê cuồng nhiệt kiếm tiền nhanh, và những lợi lộc thu được về sau này thường được tính trung bình chiết khấu với tỷ suất rất cao. Trò chơi đầu tư chuyên nghiệp thật là chán ngán không thể chịu nổi và quá căng thẳng đối với những ai không có đầu óc ham mê, trong khi đó kẻ nào quá ư đam mê phải trả giá cao cho khuynh hướng này của họ.

Hơn nữa, một nhà đầu tư mà dự định bỏ qua biến động ngắn hạn của thị trường tất phải cần đến những nguồn lực lớn hơn để đảm bảo an toàn cho bản thân và không thể làm ăn với quy mô lớn đến mức phải đi vay thêm vốn. Đó lại là một lý do khác khiến cho người ta có thể thu được lợi nhuận nhiều hơn từ một trò tiêu khiển với một mức độ thông minh và nguồn lực nhất định. Rút cục, người đầu tư dài hạn – người phục vụ tốt nhất cho lợi ích công cộng – lại là người trong thực tế chịu đựng nhiều chỉ trích nhất, ở nơi nào mà vốn đầu tư lại do các uỷ ban hay ban quản trị hay ngân hàng quản lý.

(4) Bởi vì thái độ của anh ta sẽ làm cho anh ta trở nên một con người lập dị, trái với thói thường của mọi người, và, hơn nữa, thiếu suy nghĩ dưới con mắt của những đồng loại của anh ta. Nếu anh ta thành công, điều đó chỉ củng cố thêm niềm tin vào tính liều lĩnh, thiếu suy nghĩ của anh ta; nếu anh ta gặp thất bại, và điều này rất có thể xảy ra, thì anh ta lại chẳng được ai thương hại cả. Sự khôn ngoan được mọi người chấp nhận dạy chúng ta rằng : thà bị thất bại như mọi người còn hơn là thành công khác mọi người.

(5) Cho đến đây, chúng ta chủ yếu lưu ý đến mức độ tin cậy của người đầu cơ hay nhà đầu tư có tính cách đầu cơ, và hình như chúng ta cũng mặc nhiên giả định rằng nếu nhà đầu tư tự thoả mãn với những triển vọng thu được những lợi tức khả quan, thì ông ta có thể tha hồ kiểm soát tiền tệ theo lãi suất trên thị trường. Dĩ nhiên, trường hợp này không dễ gì có được trên thực tế. Do đó, chúng ta cũng phải tính đến một khía cạnh khác của mức độ tin tưởng, đó là sự tin cậy của các tổ chức cho vay đối với những người muốn vay vốn, đôi khi còn được gọi là mức độ tín nhiệm. Việc giảm giá của các cổ phần không có lãi cố định gây ra một tác động tai hại đến hiệu suất biên của vốn và có thể bắt nguồn từ sự suy giảm niềm tin trong hoạt động đầu cơ hay từ mức độ tín nhiệm. Nhưng nếu sự suy giảm của một trong hai nhân tố này cũng đủ đưa đến sự giảm giá, thì sự phục hồi lại đòi hỏi phải có đủ cả hai nhân tố. Bởi vì nếu sự suy giảm tín nhiệm đủ để gây ra việc giảm giá thì sự củng cố tín nhiệm tuy là một điều kiện cần cho sự phục hồi nhưng lại không phải là mộtđiều kiện đủ để tạo nên sự phục hồi ấy.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: