fbpx

Cẩm nang chuyên sâu đầu tiên cho nhà đầu tư giá trị tại Việt Nam

6.3 Ba cấp độ sợ hãi trên thị trường chứng khoán

Tâm lý tiêu cực tiếp tục lan tỏa trên nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế thế giới bắt nguồn từ hàng loạt các sự kiện xảy ra như dịch Covid 19, chiến tranh giá dầu, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung….Các diễn biến như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 và 30 năm giảm xuống dưới 0,5% và 1% (lợi tức thực âm), chỉ số Dowjones sau khi chạm mốc 30.000 điểm “đổ đèo” còn khoảng 21.200 điểm ngày 13/3/2020 cùng nhiều kỷ lục tiêu cực mới khác được thiết lập khiến nhiều nhà đầu tư suy nghĩ về một viễn cảnh đã xảy ra như thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Gần đây cuộc phỏng vấn báo chí của nhà đầu tư giá trị huyền thoại Warren Buffett, quan điểm của ông cho rằng “nỗi sợ hãi” trên thị trường vào thời điểm 2008 là vượt xa so với hiện nay. Ở khía cạnh con người, đại dịch ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tinh thần… tuy nhiên ở khía cạnh kinh doanh của các doanh nghiệp thì cũng còn tùy trường hợp. Ông cho rằng sự phản ứng quá tiêu cực trên thị trường mang lại cho Tập đoàn của ông sự “dễ dàng hơn” trong việc ra quyết định. Ở đây nhà đầu tư có thể chú ý tới hai cụm từ rất quan trọng là “nỗi sợ hãi” bên cạnh việc “dễ dàng hơn”, trên thực tế cụm từ thứ nhất lại tác động tới cụm từ thứ hai khiến mọi việc lại “khó khăn hơn” đối với các nhà đầu tư thông thường.

Đầu tiên, khởi nguồn từ câu nói của ông “hãy tham lam khi người khác sợ hãi” cần được hiểu một cách kĩ càng và chi tiết hơn. Nhà đầu tư thường cảm thấy rất khó khăn trong việc chọn thời điểm ra quyết định, họ thường không xác định được khi nào thị trường chứng khoán đang tham lam và khi nào là sợ hãi mặc dù sự sụt giảm mạnh mẽ của Vnindex thời điểm vừa qua cũng khiến họ phân vân liệu còn có thể có mức giá thấp hơn nữa hay không, việc mua vào hiện tại sẽ chưa tối ưu nếu thị trường tiếp tục giảm sâu? Đa phần các nhà giao dịch hay thậm chí nhà đầu tư sẽ nhìn chỉ số của các thị trường thế giới, số ca nhiễm bệnh hàng ngày tăng lên bao nhiêu và tiếp tục rơi vào trạng thái “do dự”. Các mức độ sợ hãi trên thị trường có thể chia thành ba cấp độ:

  • Khủng hoảng: Việc bán tháo diễn ra trên diện rộng bất chấp những tín hiệu, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hay kết quả kinh doanh tốt từ các Doanh nghiệp. Dấu hiệu đơn giản là hầu như cổ phiếu đều giảm sàn, lực bán áp đảo và tương quan mạnh cùng thị trường chung. Tình huống này xảy ra chính xác khi doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng hoặc đi ngang nhưng giá cổ phiếu vẫn liên tục giảm.

  • Sợ hãi: Đà giảm đã chững lại, lực bán bớt dần và có một lượng cầu tham gia “bắt đáy”.

  • Chán nản: Lực bán và lựa mua đều yếu ớt, điểm số thị trường hầu như sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ hơn trong giai đoạn này.

Trong giới giao dịch cũng tồn tại những câu nói mô tả những cấp độ này là thị trường sinh ra trong bi quan, lớn lên trong nghi ngờ, trưởng thành trong sự lạc quan và chết đi trong sự thỏa mãn”, các chuyên gia cũng phát minh ra đủ các công cụ để đo lường sự sợ hãi bằng nhiều dữ liệu nhằm cố gắng định lượng yếu tố định tính này nhưng quá trình diễn biến tâm lý và đầu tư lại không đơn giản và đi theo khuôn khổ nào cả, đặc biệt là khi liên quan tới cảm xúc. Một số nhà đầu tư kinh nghiệm tại thị trường chứng khoán Việt Nam cho rằng việc sụt giảm do tâm lý bi quan là chuyện bình thường ở các nước chứ không riêng gì Việt Nam, vì TTCK là thị trường của sự kì vọng hướng tới tương lai nhiều hơn. Điều sợ hãi lớn nhất của họ là doanh nghiệp phá sản, sức mua của người dân sụt giảm gây ảnh hưởng liên đới các doanh nghiệp có vay Ngân hàng,nền kinh tế tiêu cực theo và vì vậy tình trạng phục hồi là không biết khi nào. Thực sự là việc hiểu 1 doanh nghiệp đã không phải là vấn đề đơn giản vậy việc hiểu cả 1 nền kinh tế với số lượng hơn 700 nghìn DN chắc chắn không phải vấn đề đơn giản hơn. Nếu phân tích kĩ câu nói này có thể thấy sự sợ hãi, bi quan về tương lai của nền kinh tế là do chịu sự tác động lớn từ việc quan sát diễn biến thị trường chứng khoán. Thị trường nhìn trong ngắn hạn là tổng hợp các loại tâm lý, cảm xúc của tất cả các thành phần tham gia, cảm xúc bĩ cực của ông ta (thị trường) có thể kéo dài lâu hơn thời gian mà nhà đầu tư có thể giữ vững sự bình tĩnh và lý trí, lôi kéo các nhà đầu tư này trở thành một phần trong đám đông hoảng loạn kia. Các mức độ sợ hãi được phân ra đi kèm những biểu hiện của thị trường phía trên có thể thay đổi rất nhanh chóng mà không bị tác động bởi bất cứ sự kiện nào, mặc dù việc phân loại là dựa trên những quan sát của những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường. Thị trường có thể ngay lập tức chuyển từ trạng thái từ chán nản sang hưng phấn, ví dụ như sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, diễn biến của khủng hoảng không kéo dài mà quay trở lại trạng thái lạc quan, hưng phấn trong vòng 1 tuần. Hoặc có thể nhìn dài hơn từ những thị trường thế giới như chỉ số Dowjones đã tăng từ 6.600 điểm lên 29.500 điểm trong 11 năm (tăng khoảng 450%) trong khi GDP nước Mỹ trong cùng thời kỳ tăng khoảng 2%/năm, tổng cộng tăng khoảng 24% trong vòng 11 năm trong khi chỉ số chứng khoán tại Mỹ có tính đại diện cao hơn cho nền kinh tế so với chỉ số Vnindex.

Về căn bản trong dài hạn các tin tức liên quan tới thị trường, nền kinh tế sẽ lạc quan và điều này cũng thể hiện 1 phần bản chất lạc quan của con người khi luôn nhìn về phía trước. Tuy nhiên, điều khó khăn lại xảy ra liên tục trong ngắn hạn khi niềm tin của nhà đầu tư không đủ để họ nắm giữ doanh nghiệp trong dài hạn vì nhiều lý do. Giá giảm là bạn đồng hành của các nhà đầu tư tuy nhiên khi giá giảm thật sự thì họ lại trở nên phân vân và tìm kiếm thêm niềm tin cho việc ra quyết định. Quá trình này đúng ra nên được tích lũy trước trong quá trình nghiên cứu chứ không phải ngay tại thời điểm cần ra quyết định. Khi nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin trong việc tích lũy hiểu biết của mình vào doanh nghiệp họ thường suy luận bằng cách quan sát giá cổ phiếu của DN trên thị trường, điều này có chung kết quả với việc quan sát chỉ số thị trường. Đây cũng là tâm lý rất phổ biến là “sợ mất tiền” rất bình thường nhưng nỗi sợ mang tính bản chất này cần có phương pháp đúng đắn để có thể mang lại kết quả đầu tư tốt hơn trong dài hạn. Nhà đầu tư cũng cần chú ý rằng “việc hiểu biết hơn về doanh nghiệp còn đến sau khi bạn nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp đó”, chính nỗi sợ mất tiền nhìn theo khía cạnh tích cực khiến bạn đào sâu hơn nữa và nhận ra các điểm yếu cũng như các loại rủi ro khác hiện hữu trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp”. Để chọn ra một phương pháp đúng đắn hơn thì hãy xét 2 tình huống với 2 suy nghĩ đặc trưng trong giai đoạn khủng hoảng như sau:

1. Thị trường mỗi ngày rơi 40 –50 điểm, nhà đầu tư nên đợi những tin tức tích cực như kiểm soát thành công dịch hoặc việc điều chế được vacxin thì tình hình ít nhất sẽ đỡ tiêu cực hơn. Lúc đó, mua cổ phiếu với giá cao hơn một chút cũng sẽ “đỡ hơn” vì bạn không phải trải qua cảm giác nhìn tài khoản sụt giảm thêm 30 –50% hoặc hơn thế nữa.

2. Xác định một vùng giá trị hợp lý của doanh nghiệp dựa trên tỷ suất dài hạn sẽ nhận được từ việc sở hữu doanh nghiệp trong dài hạn. Cố gắng mua với biên an toàn cao nhất dựa trên mức giá thấp hơn “mức giá tối đa” nhà đầu tư sẽ trả.

Nhà đầu tư sẽ thấy rằng chiến lược nào cũng sẽ bị tác động bởi thị trường chung tuy nhiên điểm khác biệt của chiến lược thứ hai ở tính nền tảng nhìn trên khía cạnh giá trị thực của doanh nghiệp. Rõ ràng nhà đầu tư sẽ không biết được đâu là mức đáy của giá thị trường nhưng nếu sự sụt giảm càng mạnh thì càng có lợi cho tỷ suất đầu tư dài hạn. Nhưng cần tách bạch và rất rõ ràng trong 2 suy nghĩ này, việc mua với biên an toàn cao không phải là một nỗ lực mang tính chủ động nhưng việc “canh” mức giá thấp khi nhìn theo diễn biến thị trường rất dễ khiến nhà đầu tư chuyển từ suy nghĩ số 2 về suy nghĩ số 1, cuối cùng rơi vào trạng thái do dự không thể ra được quyết định. Nếu nhìn sâu vào bản chất vấn đề, nếu thực hiện theo số nghĩ số 1 không phải là cách thông minh để “giảm thiểu sự tiếc nuối” cho nhà đầu tư, hành động theo suy nghĩ số 1 đúng nghĩa là nhà đầu tư đang cố gắng kéo tỷ suất sinh lời “ở trong tương lai dài hạn” về hiện tại càng nhiều càng tốt – điều này được xếp vào dạng quá khó (too tough) để thực hiện với diễn biến khó lường của thị trường. Việc thị trường mang đến một mức giá hời hơn rõ ràng không nằm trong dự tính trước của nhà đầu tư, thành công của một nhà đầu tư giá trị không phải lúc nào cũng nằm ở việc mua giá thấp mà nằm ở kĩ năng phân tích đầu tư, quá trình nghiên cứu một cách đúng đắn của nhà đầu tư đó. Tất cả những yếu tố này sẽ thể hiện qua tỷ suất nhận được trong tương lai, việc cố gắng mua với giá thấp nhất nếu không cẩn thận sẽ rơi vào trạng thái suy nghĩ “mong nhận được tỷ suất cao nhất từ giá mua thấp nhất chứ không phải từ việc chọn được những doanh nghiệp tốt nhất” và việc mua thấp sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu nhà đầu tư chọn phải một doanh nghiệp kém. Giá mua tạo nên tỷ suất sinh lời nhưng quá trình nghiên cứu mới là nhân tố sinh ra mức giá mua, đây là một mối quan hệ đã được lặp đi lặp lại trong quá trình nghiên cứu vì vậy việc bị ảnh hưởng bởi quá nhiều những yếu tố ngoại cảnh khác như sự biến động của thị trường sẽ tác động ngược lại tới quá trình nghiên cứu, phá vỡ lập trường của nhà đầu tư chỉ vì sự tập trung quá nhiều vào tỷ suất sinh lời – cũng là kết quả của một quá trình nghiên cứu trước và sau khi sở hữu DN + sau khi ra quyết định bán cổ phiếu. Rõ ràng, thị trường đang cuốn tâm lý của nhà đầu tư theo cách “đầy lý trí” và sự quay cuồng, đánh bại những nhà đầu tư dù là có “kinh nghiệm đầy mình” nếu họ quá tập trung vào kết quả và không thoát khỏi được tâm lý sợ mất tiền. Thông qua việc diễn giải 2 lối suy nghĩ trên cũng sẽ thấy được nhà đầu tư giá trị thông minh thì luôn luôn có sự dự phòng cho những trường hợp bất ngờ. Một số nhà đầu tư rất chăm chỉ “làm bài tập về nhà”, tính toán, định giá…cho đến khi cơ hội thực sự tới chỉ có một số ít nhà đầu tư giá trị thực sự có “khí chất” đủ đề làm theo những gì mình đã vạch ra từ trước. Tập đoàn Berkshire Hathaway đã tích lũy được khoản tiền mặt khổng lồ lên tới 128 tỷ USD trong vòng hơn 5 năm vừa qua, đây rõ ràng không phải là sự may mắn mà là “một quá trình của sự kỷ luật” nếu bạn phân tích như sau:

  • Warren Buffett ông nổi tiếng là muốn nắm giữ doanh nghiệp tới “khi cái chết chia lìa đôi ta”, trong trường hợp ông vẫn yêu thích ban điều hành DN ông sẽ không bán cổ phiếu dù cho kết quả kinh doanh có kém đi. Ông là người luôn ra quyết định dựa trên lý trí trong việc phân bổ vốn, nếu cảm thấy không có doanh nghiệp hay cơ hội nào hấp dẫn ông sẽ tiếp tục chờ đợi và ông cũng đề ra một mức giá rất cụ thể cho việc mua lại cổ phiếu quỹ của Tập đoàn Berkshire.

  • Các sự kiện kinh tế vĩ mô tiêu cực không phải là điều mà ông có thể dự đoán được trước hay việc đại dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng và lan rộng ra khắp thế giới cũng là điều không ai có thể biết được.

  • Trên thực tế ông cũng đã từng nói là ông chưa hề nhớ rằng đã bỏ qua thương vụ đầu tư tốt nào chỉ vì những nhân tố vĩ mô đang xấu đi, vĩ mô không phải là yếu tố ông dựa vào để ra quyết định, vĩ mô mang đến cho ông cơ hội.
Vào thời điểm tích lũy một núi tiền mặt khổng lồ như vậy, báo chí cùng truyền thông, nhà phân tích, phố Wall…cũng không hiểu tại sao ông lại làm như vậy, họ có thể cho rằng ông “bế tắc” trong việc tìm kiếm những doanh nghiệp tốt cho tới thời điểm hiện tại mọi người mới thấy lợi thế to lớn của sự chủ động tích trữ tiền mặt –đây là vấn đề của “sự kỷ luật”, chủ động tạo ra may mắn cho chính mình, không phải IQ. Để có được vị thế chủ động, có lợi này thì việc tư duy đúng phải bắt đầu từ khi vừa đầu tư, từ những số vốn nhỏ nhưng luôn tư duy giống như mua toàn bộ 1 doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc những người may mắn bán cổ phiếu trước khi thị trường sụt giảm mạnh có thể đang ngồi “rung đùi” vì cảm thấy như “may mắn trời cho” hơn các nhà đầu tư khác thì Warren Buffett đã chỉ ra điều này trong bức thư của ông gửi cổ đông vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008: “Tôi không thể dự đoán sự chuyển động của thị trường trong ngắn hạn…Trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ hứng chịu 2 cuộc chiến tranh thế giới và các cuộc xung đột quân sự đau thương và tốn kém khác, sự suy thoái và một tá các cuộc khủng hoảng tài chính khác, cú sốc giá dầu, dịch cúm, sự từ chức của một vị tổng thống bị thất sủng. Tuy nhiên, chỉ số Dow tăng từ 66 lên 11.497. Ngày nay, những người nắm giữ tiền, các tài sản thanh khoản cao đang cảm thấy thoải mái. Họ không nên làm như vậy. Họ đã chọn nắm giữ một tài sản dài hạn khủng khiếp, một tài sản hầu như không trả bất cứ giá trị gì mà còn mất giá. Thật vậy, các chính sách mà Chính phủ sẽ thông qua nhằm nỗ lực giảm bớt khủng hoảng hiện tại có thể dẫn tới tình trạng lạm phát trong tương lai, do đó đẩy nhanh sự sụt giảm giá trị của tiền mặt. Cổ phiếu có thể sẽ vượt trội hơn tiền mặt trong thập kỷ tới, có thể ở mức độ đáng kể. Để chờ đợi sự thoải mái của tin tốt, họ đang phớt lờ lời khuyên của Wayne Gretzky “Tôi trượt đến nơi quả bóng sẽ lăn tới, không phải nơi nó đã đến”. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang cố gắng chiến thắng thị trường bằng cách hiểu tư duy và đi theo thị trường thì ngay cả một nhà đầu tư giá trị huyền thoại cũng không thể làm được điều tương tự như vậy.

Bí kíp vượt qua mọi cuộc khủng hoảng nằm ở 3 điều sau :

  1. Sỡ hữu cổ phiếu là sở hữu 1 phần của Doanh nghiệp.
  2. Cần chắc rằng bạn mua cổ phiếu của công ty đúng với hiện trạng của nó chứ không phải một bức tranh quá màu hồng cho tương lai.
  3. Không hề có biên an toàn trong việc phân tích thị trường. HĐKD của doanh nghiệp bị chi phối bởi những yếu tố căn bản khác – đừng cố suy luận từ quan điểm của thị trường.
Nhà đầu tư thậm chí có thể chứng kiến sự hồi phục không tưởng của thị trường khi chưa có bất kỳ tin tức tốt nào về vacxin hay sự tốt lên của nền kinh tế….Lúc này nền tảng của suy nghĩ thứ 2 sẽ giúp bạn đứng vững trong các phản ứng “vô lý” của thị trường. “Hãy tham lam một cách thông minh, có lý trí và nền tảng đúng đắn”.

VII. Những trải nghiệm trên con đường trở thành Nhà đầu tư giá trị

Chúng tôi có một trải nghiệm và đúc kết như sau: “Nếu bạn muốn biết cảm giác đau khổ là thế nào, bạn hãy liên tục nói và làm những thứ nằm ngoài vòng tròn năng lực của bạn”, đây cũng là quy luật nhân quả tất yếu trong cuộc sống hàng ngày. Bạn cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm vòng tròn năng lực (Circle of competition) và vùng thoải mái (Comfort zone). Quả thực nếu bạn cứ ở trong vùng thoải mái thì rất khó để trưởng thành hơn vì tuổi tác chỉ là con số tượng trưng, rất nhiều người có suy nghĩ và hành động không sâu sắc như độ tuổi thực tế của họ ngược lại nhiều bạn trẻ lại rất chín chắn, trưởng thành hơn nhiều những bạn khác trong cùng trang lứa. Rất khó để bạn trở thành nhà đầu tư giá trị giỏi nếu chỉ đọc những sách về self-help, sách dạy làm giàu, chỉ đọc những tin tức hàng ngày mà bạn muốn đọc, chỉ làm những việc, những thói quen mà bạn cảm thấy thoải mái như xem phim, nghe nhạc, tán gẫu với bạn bè, tham gia vào vô số chủ đề nóng trên facebook…Nhất định bạn phải có ý chí kỷ luật và rèn luyện bản thân mình cả về sức khỏe vật lý cho tới tinh thần làm việc hăng say. Có thể giai đoạn đầu bạn sẽ chưa tìm thấy niềm đam mê trong lĩnh vực này, thật may mắn cho những bạn nào sớm tìm ra đam mê, cho nên bạn cần sự “tập trung” để trở thành một nhà đầu tư có chuyên môn vững vàng trước khi trở thành một nhà đầu tư giá trị giỏi có thể kiếm tiền bền vững từ kênh này. Trên con đường mà bạn đi qua, bạn rất dễ va vào những đám đông đang bàn tán những chủ đề nóng, những doanh nghiệp tốt sắp tăng giá, những câu tít giật đọc thật hấp dẫn nên bạn cần tập cho mình kĩ năng thoải mái nói “không” trước những vấn đề tương tự như vậy, hãy nhớ rằng không có bữa trưa miễn phí, không có miếng pho-mát nào là dễ ăn cả, để tìm ra một khoản đầu tư tốt không phải là điều dễ dàng và quan trọng hơn hết “vòng tròn năng lực của bạn rất khác với những người khác, cho nên bạn sẽ không thể biến tất cả sự hiểu biết trong đầu họ thành của bạn chỉ qua 1 bài viết”, đừng cố gắng đi ra khỏi vòng tròn của bạn và tìm lốt tắt đến với sự thành công, bạn muốn “nhanh” rồi cuối cùng thành ra lại “chậm” khi đuối sức giữa đường và về đích sau cùng.

Tò mò là bản chất của con người, tuy nhiên việc tò mò để học hỏi sẽ khác với việc cố gắng tìm ra những chiêu trò mang lại lợi ích cho bản thân mình. Bạn hãy nhớ Albert Einstein nói rằng “Lãi kép chính là kỳ quan thứ 8 của thế giới”, những ai hiểu được nó sẽ gặt hái, những ai không hiểu sẽ phải trả giá. Việc ở yên trong vòng tròn năng lực cũng sẽ khiến bạn rất thoải mái và ngủ ngon, không phải trằn trọc khó chịu như những nhà giao dịch hàng ngày bị chi phối cảm xúc bởi thị trường chung. Lãi kép hoàn toàn có thể áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày khi bạn liên tục trau dồi, gieo những “nhân” tốt thì sớm muộn bạn cũng sẽ đứng dưới bóng mát của tán cây mà bạn đã gieo trồng từ nhiều năm trước. Chúng tôi cũng xin chúc mừng bạn nếu đọc đến đây, bạn thực sự cảm thấy phù hợp và muốn dấn thân một cách nghiêm túc trong lĩnh vực đầu tư. Trước mắt, bạn sẽ nhận ra rằng không có khoản đầu tư nào tốt hơn đầu tư vào bản thân mình, lĩnh vực đầu tư thể hiện chính xác điều này. Bạn sẽ không cảm thấy chán nản, ràng buộc nhiều như công việc bạn làm để kiếm thu nhập hàng tháng, ngược lại sau tất cả bạn sẽ hân hoan, vui vẻ khi nhận ra rằng mình giỏi hơn ngày hôm qua vì quá trình tích lũy là vô hạn đối với nghề đầu tư. Bạn sẽ không phải làm 1 công việc mà lặp đi lặp lại trong 5-10 năm tiếp theo. Thời gian bạn gắn bó với lĩnh vực đầu tư càng lâu, kiến thức + kinh nghiệm sẽ càng dồi dào và quan trọng hơn hết là “chất lượng của kinh nghiệm”.

Trên con đường dài này, bạn sẽ gặp nhiều người có cùng chí hướng (trong và ngoài nước) vì cộng đồng nhà đầu tư giá trị trên thế giới không nhỏ khi bạn đi sâu vào thế giới quan của trường phái này. Ngoài ra, nếu đã là nhà đầu tư giá trị bạn không chỉ quan tâm tới những vấn đề liên quan tới tài chính, tiền bạc, bên cạnh đó các vấn đề xã hội, quản trị doanh nghiệp, phát triển bền vững cũng cần được chú trọng vì doanh nghiệp không phải là thực thể độc lập, doanh nghiệp chỉ có thể phát triển lớn mạnh khi hài hòa được lợi ích và các nguồn lực kinh tế. Đúng như triết lý của ông Warren Buffett “Bạn không thể làm ăn tốt với người xấu”, nhà đầu tư giá trị luôn đi tìm những CEO tốt, thân thiện, định hướng cổ đông và họ hiểu rõ vai trò của doanh nhân là “phụng sự”, hiểu rõ bản chất của kinh tế là “kinh bang tế thế”, cho nên lực hấp dẫn sẽ “hút” những con người này lại với nhau. Một triết lý trong cuộc sống là “bạn không thể nói dối điều mà không có sẵn trong tâm trí của bạn”, bạn có thể đọc lại khởi nguồn những ý tưởng của những nhà kinh doanh huyền thoại, đã từng dẫn dắt công ty trở thành những tập đoàn hàng đầu thế giới. Những người xấu cũng hấp dẫn những con người giống như họ ở cạnh bên và những tư tưởng như vậy thường rất khó đi xa trong thế giới kinh doanh. Căn bản là họ dùng năng lượng trong mình để tính toán nhiều hơn là suy nghĩ. Chúng tôi cũng từng đọc nhiều những bài viết, những suy nghĩ  “không thể nào chấp nhận được”. Những con người này mất niềm tin vào cuộc sống, vào các mối quan hệ, họ luôn giữ con mắt nghi ngờ, nhìn vào điều tiêu cực, họ “chỉ thấy được cây mà không thấy cả khu rừng”. Ngài Charlie Munger đã từng nói “bạn không cần là thiên tài để nhận ra trước mắt mình là một ngọn núi”, với những đóng góp khổng lồ của hai ông cho thế giới đầu tư, kinh doanh thì những con người như vậy quả thực rất nhỏ bé để có thể phán xét với góc nhìn hạn hẹp, đầy sự tiêu cực và không gì hơn là thể hiện chính xác tính cách của người phán xét.

Một trong những cách tư duy của nhà đầu tư giá trị là nếu việc gì đó không có giá trị thì không nên làm, với những việc không nên làm thì cũng không nên làm tốt. Ngược lại những điều tạo ra giá trị dương cho xã hội nếu đã làm nên làm tới cùng dù chưa biết kết quả sẽ ra sao nhưng ít nhất bạn cũng sẽ không hối hận về việc đã làm. Đây là niềm tin cần có trong mỗi con người để hướng tới một Cộng đồng, xã hội tốt đẹp hơn. Chính vì có chung những giá trị quan nên sự gắn kết trong những Cộng đồng đầu tư giá trị sẽ rất bền chặt, bạn có thể đọc về văn hóa họp Đại hội cổ đông tại tập đoàn Berkshire Hathaway để thấy được rõ nét điều này. Có hàng trăm cộng đồng giá trị nhỏ với hơn 40.000 con người hàng năm vẫn hội ngộ tại Omaha để học hỏi lẫn nhau. Bạn sẽ thấy họ rất thoải mái trao đổi phong cách tự nhiên không có gì thể hiện họ là những con người “siêu giàu” vì họ chẳng quan tâm hay nghi ngờ gì người đối diện, đơn giản là vì họ có sẵn những giá trị chung, có hiểu biết sâu sắc về đầu tư nên chẳng ai lại đi dẫn dắt tư duy của người đối diện vì mỗi người đã có những vòng tròn năng lực riêng. Họ giao lưu với nhau qua nhiều thế hệ và rất tự tin giới thiệu bạn bè cho nhau. Cộng đồng ValueS đã từng thảo luận về vấn đề trên con đường trở thành nhà đầu tư giá trị, bạn sẽ tránh được những nỗi sợ sau:

  • Sợ nghèo khổ: mấy ông đầu tư giá trị luôn đa dạng hoá nguồn thu nhập của mình + có lối sống cá nhân rất cần kiệm tới mức khắc kỷ. Logic dễ hiểu là khi bạn có nhiều nguồn tiền vào được quản trị rủi ro hợp lý trong khi nguồn tiền ra ít ỏi thì bạn đâu bao giờ sợ nghèo.
  • Sợ xấu mặt và bị chỉ trích: nhà đầu tư giá trị thường sống hướng nội, thu mình , cực kì khiêm tốn trong vòng tròn hiểu biết của mình, dù có bạc tỷ trong tay cũng không bao giờ khoe khoang nên gia đình bạn bè làng xóm có biết thằng này đang đầu tư cái gì, lãi lỗ nên đâu thể bàn tán.
  • Sợ vì sỹ diện: khiêm tốn, khách quan, vòng tròn hiểu biết,… bấy nhiêu đó quá đủ để sỹ diện và giấu dốt ko có đất sống
  • Sợ mà không biết vì sao: đầu tư giá trị có tính độc lập rất cao, không theo tâm lý bầy đàn. Phương pháp đầu tư đều dựa trên hiểu biết và phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan những khả năng có thể xảy ra. Nên họ luôn biết vì sao mình đúng và vì sao mình sai, không hề lẫn lộn giữa Alpha của bản thân và Beta của thị trường. Rõ ràng và độc lập như thế thì khó mà sợ vu vơ được.
Niềm hân hoan và “ám ảnh” với lãi kép

Chúng tôi xin lặp lại một lần nữa nếu bạn không hiểu về lãi kép thì sẽ phải trả giá hơn là gặt hái. Ngài Charlie Munger cũng đã từng nói sẽ không có vấn đề với suy nghĩ và quyết định của bạn khi một người bạn giàu có lên. Bạn không nên so sánh với bất kỳ ai, nhiệm vụ duy nhất là kỷ luật trong khuôn khổ và vượt qua chính bản thân mình. Xin được trích một đoạn văn trong cuốn sách “Một phút với Warren Buffett (Tác giả Kuwabara Teruya)

Điều quan trọng không phải là mở rộng vòng tròn năng lực mà là xác định giới hạn của vòng tròn.

Đâu là yếu tố quan trọng để thành công trong giới đầu tư? Nhiều người cho rằng đó là chỉ số IQ cao. Tuy nhiên, Buffett lại nghĩ khác: “Đầu tư không phải là một trò chơi mà gã chỉ có IQ 160 sẽ đánh bại gã có chỉ số IQ 130”. Vấn đề nằm ở cái mà Buffett gọi là “vòng tròn năng lực”. “Vòng tròn năng lực” chưa đựng những thứ như kiến thức, khả năng phán đoán, nguyên tắc kinh doanh của một người, .v.v…Vòng tròn năng lực càng rộng thì cơ hội càng nhiều và những cơ hội đó có thể mang lại lợi nhuận lớn. Buffett cho rằng : “Điều quan trọng nhất không phải là bằng mọi giá mở rộng vòng tròn năng lực, mà là xác định giới hạn của vòng tròn đó. Nếu nắm bắt được chính xác thì sẽ đầu tư thành công. Tôi nghĩ tôi có thể trở nên giàu có nhanh hơn những người có “vòng tròn năng lực” gấp 5 lần “vòng tròn” của tôi, bởi vì tuy rằng phạm vi đầu tư của họ rộng lớn nhưng họ không xác định được rõ giới hạn của mình, họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhưng không đủ năng lực và hiểu biết về lĩnh vực đó nên họ thất bại”.

Trong thế giới đầu tư có rất nhiều cám dỗ dưới dạng miếng mồi béo bở. Chúng sẽ khiến bạn mở rộng vòng tròn năng lực của mình và giành lấy một miếng mồi nào đó mà chưa suy nghĩ kỹ về việc có làm được hay không. Tuy nhiên, cuộc chiến trong giới đầu tư không dễ dàng đến mức bạn có thể chiến thắng trong lĩnh vực mà năng lực của bạn có hạn. Có lẽ nhất thời sẽ thu được lợi nhuận nhưng lâu dài sẽ có tổn thất và có nhiều trường hợp trắng tay. Điều quan trọng không phải là IQ cao hay độ rộng của vòng tròn năng lực mà là biết được giới hạn của bản thân và chiến đấu. Buffett là người thành công bởi luôn trung thành với các nguyên tắc cơ bản mà ông đặt ra.
 
Mỗi năm có một ý tưởng tốt là ổn!

Với những dự án đầu tư mà mình nhận được, Buffett không hẳn sẽ xem xét toàn bộ. Nếu nghĩ rằng không cần thiết, ông sẽ không bao giờ nghe đến hết câu chuyện mà sẽ thẳng thắn từ chối. Và nếu dự án đó không nằm trong “vòng tròn năng lực” của bản thân thì ông cũng không chú ý đến. Đối với ông, một khi mục tiêu tìm kiếm những tuyển thủ bóng rổ cao trên 2m thì những tuyển thủ 1m90 dù có kỹ thuật giỏi đến mấy cũng không được quan tâm. Cách làm này khả thi vì Buffett không quan tâm đến những việc như giá cổ phiếu lên xuống hằng ngày, việc đầu tư vào những dự án nhỏ và chỉ thu được lợi nhuận khiêm tốn. Ông nói “Tôi và Charlie Munger đã sớm nhận ra rằng trong một đời người, việc thực hiện được những quyết định khôn ngoan hàng trăm lần là điều vô lý. Hiện tại, với chúng tôi thì mỗi năm có một ý tưởng tốt là được rồi. Điều này cũng là để nâng cao chất lượng phán đoán và sự đúng đắn của quyết định. Tôi thường đưa ra lời khuyên như sau cho sinh viên : “Tôi cho rằng trong cuộc đời, mỗi người có một chiếc thẻ ngân hàng chỉ được sử dụng 20 lần. Ngân hàng này tượng trưng cho “quyết định tài chính”, mỗi lần sử dụng ứng với một quyết định. Nên hạn chế nghĩ đến những lợi nhuận trước mắt, những thứ mang tính ngắn hạn. Nếu làm được việc này, chất lượng của quyết định sẽ được nâng cao và bạn sẽ có những thành công lớn hơn”.

Cần có dũng khí để vứt bỏ những việc nhỏ, những lợi ích ngắn hạn.

VIII. Lời kết

Đây là lời kết tạm thời cho Cuốn cẩm nang nhỏ mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc, hi vọng rằng những kiến thức tích lũy từ nhiều nguồn và từ chính bản thân chúng tôi sẽ phần nào khơi dậy những khát khao học hỏi không ngừng trên chặng đường tiếp theo của bạn đọc. Để minh họa cho bạn đọc thấy việc phân tích các doanh nghiệp thực tế dựa theo nền tảng kiến thức mà Cuốn cảm nang này mang lại. Chúng tôi đã đào sâu và viết một số bài nghiên cứu về các công ty có niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bạn có thể tham khảo thêm dưới đây:

Ngành bán lẻ: 

+ Bài nghiên cứu chuyên sâu CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG): https://votpartners.com/bai-nghien-cuu-chuyen-sau-ctcp-dau-tu-the-gioi-di-dong-mwg.html

+ Tiêu chí tạo nên lợi thế cạnh tranh của nhà bán lẻ thực phẩm: https://votpartners.com/tieu-chi-tao-nen-loi-the-canh-tranh-cua-nha-ban-le-thuc-pham.html

Ngành nước:

+ Mặt trái ngành nước và Ba yếu tố tạo nên sự vượt trội (Case study: BWE): https://votpartners.com/mat-trai-nganh-nuoc-va-ba-yeu-to-tao-nen-su-vuot-troi-case-study-bwe.html

Ngành điện:

+ Ngành điện và POW: https://votpartners.com/nganh-dien-va-pow-thang-7-2020.html

Ngoài ra, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các kiến thức, triết lý về đầu tư giá trị và các case phân tích công ty ngắn tại website của chúng tôi: https://votpartners.com/

Hoặc bạn cũng có thể tham khảo một số các trang website khác mà chúng tôi cảm thấy rất có giá trị cho trong việc trang bị hành trang để đi đường dài với đầu tư như The Golden Newsletter Việt nam: https://newslettervietnam.com/

Chúng tôi cũng hi vọng chính bản thân mình và các bạn sẽ luôn giữ được nhiệt huyết, đam mê, sự tỉnh táo trên con đường dài này. Thất bại là một phần không thể thiếu của thành công vì tính chu kỳ luôn hiện hữu xung quanh cuộc sống và chính trong tâm trí mỗi người chúng ta, thất bại cũng sẽ mang trong mình hạt giống của sự thành công và ngược lại. Quan trọng là khi bạn thất bại và bạn dám đứng lên từ chỗ mình thất bại để tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn. Thực tế các nhà đầu tư giá trị huyền thoại cũng đã cho rằng bạn nên học từ thành công của những người khác tuy nhiên thành công vốn không có công thức chung, nên tốt hơn bạn nên học từ thất bại của họ và tốt nhất là từ những trải nghiệm thực sự đáng giá, trọn vẹn của bản thân. Con đường đầu tư vốn không phải màu hồng, mọi thứ sẽ xuất hiện sau khi bạn đóng cuốn sách lại và thực hành những tri thức mà mình tích lũy được qua quá trình đó. Chúng tôi cũng đang đi trên con đường của riêng mình, mỗi khi học được điều gì giá trị thì ngay lập tức ghi nhận lại và chúng tôi sẽ hẹn bạn đọc tại các phần tiếp theo của cuốn Cẩm nang trong nhiều năm tới. Chúng tôi chúc bạn đọc luôn dồi dào sức khỏe, trẻ trong tâm hồn và hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống.

Tiếp bước!

VOT PARTNERS

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: