“Đừng để thời gian trôi qua thật lãng phí, hãy đọc và suy ngẫm để tạo ra giá trị bền vững trong tương lai” VOT PARTNERS
“Vua” của mọi gian lận
I. Tăng vốn ảo để làm gì
Tăng vốn để phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư của các DN là một điều bình thường, đôi khi là tất yếu trong quá trình lớn mạnh của một DN. Tuy nhiên trên thực tế, trong thế giới kinh doanh và đầu tư đầy rẫy những rủi ro, mà tổn thất mang lại có thể rất lớn. Bên cạnh những chiêu trò xào nấu sổ sách theo kiểu “hãy cho tôi 1 cây bút chì và 1 cục tẩy, tôi sẽ cho bạn lợi nhuận bạn muốn” ví dụ các thủ thuật liên quan tới doanh thu ảo và lợi nhuận ảo, dòng tiền cũng ảo cho tới những chiêu trò khác nhằm rút ruột công ty. Các dạng gian lận tài chính này ít nhiều ban đầu công ty cũng có hoạt động kinh doanh thật nhưng vì nhiều lý do, mục tiêu thay đổi bởi sự cám dỗ mà ban lãnh đạo đã đi ngược với đạo đức kinh doanh. Tăng vốn ảo có thể xếp vào dạng kinh điển vì nó không gắn với bản chất kinh tế thật nào và đa phần là để thu hút những nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin hoặc tham lam đúng như định luật bảo toàn tiền tệ “tiền không mất đi đâu và chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác”.
Nhà đầu tư huyền thoại Charlie Munger khuyên chúng ta nên nhìn thế giới với con mắt “động cơ”, ông là một chuyên gia về tâm lý học hành vi và chưa bao giờ hết bất ngờ với các diễn biến tâm lý sinh ra những hành động phi lý trí của con người. Đa phần những chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập thực sự đi theo DN từ những ngày đầu tiên tới khi lớn mạnh, họ chia sẻ rằng khi phải bán đi một phần của đứa con tinh thần, họ cân nhắc rất kỹ lưỡng và tâm lý sẽ rất đắn đo không hẳn về giá bán mà là tiền được đưa vào sử dụng với mục đích gì, để xây dựng một đế chế hay chỉ một vài món hời trong ngắn hạn sau đó lại rút ra chia ngược lại cho các cổ đông. Càng tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn, con người càng dễ ra những quyết định ngược với lý trí và trong nhiều trường hợp anh ta tự lừa chính mình.
II. Những cách thức tăng vốn ảo
Để thực hiện một thương vụ tăng vốn ảo thành công là không quá khó, có hai cách chủ yếu:
Làm giả giấy tờ góp vốn qua Ngân hàng bằng cách đi “thuê tiền” và nhờ những người thân đứng tên trong danh sách cổ đông như CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản miền Trung (MTM) đã thực hiện, đồng thời làm giả giấy tờ giao dịch, mua bán hàng hóa-dịch vụ giữa các công ty liên quan sau đó đăng ký giao dịch cổ phiếu lên sàn Upcom.
Thông qua các công ty liên quan tới ban lãnh đạo để mua cổ phần phát hành thêm bằng chính nguồn tiền đi vay của Công ty dự định phát hành thêm. Như trường hợp của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA), vụ việc đang rất nóng trên thị trường những ngày qua. Khoảng tiền đi vào công ty thực chất là nhờ thế chấp sổ tiết kiệm của chính công ty, bản chất đó là một khoản tiền vay, sau đó sẽ chuyển ra bên ngoài Công ty dưới hình thức thanh toán tiền công ty cho các Công ty F2, F3, hoặc bằng việc ký kết các hợp đồng góp vốn, liên doanh liên kết sau đó trích lập để xóa sổ những khoản này, cuối cùng quay trở lại trả nợ vay Ngân hàng.
Cả hai cách tăng vốn ảo trên đều nhằm một mục đích chung là “làm giá cổ phiếu” trên sàn, bước tiếp theo là lập một loạt các tài khoản chứng khoán giao cho một số thành viên của “tổ lái” thực hiện việc tạo thanh khoản bằng cách giao dịch chéo, đưa các thông tin về dự án, kế hoạch kinh doanh, liên kết để xuất bản ra những Báo cáo phân tích đánh giá khả quan để thu hút nhà đầu tư ngây ngô hoặc không kìm chế được lòng tham nhập cuộc. Ở quy trình trên ta thấy được sự tham gia của một loạt các tổ chức từ : Ngân hàng, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, ủy ban chứng khoán, sở giao dịch và các cá nhân khác liên quan tới những tổ chức này. Tuy nhiên, tới khi có sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng điều tra thì chỉ có các đối tượng trực tiếp tham gia vào đường dây này là chịu trách nhiệm các bên như Ngân hàng cho vay đúng quy trình, có tài sản đảm bảo là không vi phạm, công ty kiểm toán chỉ kiểm tra về mặt hợp lệ của các chứng từ ngoài ra không quan tâm tới bản chất kinh tế của các giao dịch, UBCK và sở giao dịch cũng chỉ quyết định trên các tiêu chuẩn là những con số được DN trình bày trong tài liệu sau khi DN đã thực hiện một loạt các giao dịch tại các tổ chức trên, các cá nhân có liên quan gián tiếp vì không biết nên cũng xếp vào dạng vô can. Vậy bản chất là các tổ chức, cá nhân trên không hề hay biết một cách chủ động hay bị động, hay thậm chí là “vẽ đường cho hươu chạy”?
Khi “phần thưởng” tới sớm và nhanh hơn quá trình nỗ lực, con người dễ rơi vào trạng thái tâm lý phản ứng mạnh mẽ với những phần thưởng này, các đối tượng trên vì thế mà nhắm mắt cho qua để làm. Quay trở lại các trường hợp tăng vốn trên, với giá vốn sở hữu cổ phần phát hành thêm của các công ty liên quan gần như bằng 0 VND, thì việc họ bán với giá nào cũng có thể có lời, các nhà đầu tư “nửa vời”, nhà giao dịch tham gia vào dù có nhận được cuộc chơi này hay không, cuối cùng những người tạo ra cuộc chơi này mới là người thu lợi nhiều nhất. Warren Buffett đã từng nói nếu trong một trò chơi mà bạn không biết ai là kẻ ngốc thì người đó khả năng chính là bạn. Trò chơi được ít, mất nhiều này không phải là cách để kiếm tiền bền vững, những đối tượng sau sẽ là người bị thiệt hại tài chính nhiều nhất:
– Nhà đầu tư nhỏ lẻ sở hữu cổ phần của Công ty tăng vốn ảo.
– Những người giao dịch cổ phiếu trên sàn.
– Các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ, không thể bán giải chấp để thu hồi nợ.
Và đợi tới khi cơ quan điều tra làm sáng tỏ sự việc, các đối tượng trên mới tới trình báo thiệt hại để mong thu hồi lại được phần nào vốn liếng. Về mặt pháp lý, theo khoản 2, điều 211, Bộ luật hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán, các cá nhân phạm tội có tổ chức, thu lợi trên 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 2-4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 đến 07 năm. Theo quan điểm cá nhân của người viết, chế tài này vẫn chưa đủ mạnh tay bằng chứng là các cá nhân khi đã có động cơ trục lợi, họ đã phải tham khảo tất cả các quy định pháp lý để lách và dù trường hợp xấu nhất xảy ra thì tiền phạt vẫn nhẹ hơn tiền thu lợi bất chính rất nhiều, cần có những chế tài cụ thể và khắt khe hơn về mặt hình sự để tăng tính răn đe, triệt tiêu động cơ khi còn trong trứng nước. Trên thực tế, các thương vụ làm giá tại thị trường Việt Nam bị xử phạt vẫn có thể đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính.
Thời gian gần đây khi thị trường trầm lắng, các thương vụ làm giá cũng diễn ra ít hơn, vì làm giá quan trọng nhất là “thiên thời”, trong một thị trường giá lên mới kích thích được tâm lý hưng phấn và lòng tham của nhà đầu tư, quá trình đẩy giá hay “xả hàng” phân phối mới được diễn ra một cách trôi chảy. Một thương vụ này từ bước chuẩn bị hồ sơ tăng vốn cho tới khi “rời tàu” để kết thúc quá trình làm giá có thể kéo dài tới vài năm tùy theo điều kiện thị trường thế nào. Chính vì một vài con sâu làm sầu nồi canh này, nhà đầu tư hình thành cái nhìn không mấy thiện cảm về đầu tư chứng khoán, thậm chí có tâm lý sợ sệt, mất niềm tin khi nhắc tới kênh đầu tư này. Điều này cũng là một quá trình tất yếu trong sự phát triển của bất kỳ thị trường nào, tuy nhiên một nhà đầu tư thực thụ, có chuyên môn biết “sợ đúng chỗ và biết rủi ro nằm ở đâu”, để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc này, nhà đầu tư trước hết cần nhận diện sau đó tách mình ra khỏi cách trường hợp:
1. Các công ty đăng ký giao dịch, hoặc niêm yết trong khi vừa mới chỉ thành lập từ 1 –3 năm, phát triển một Công ty theo lẽ thường tình thì phải cần có thời gian, đặc điểm chung của những Công ty vội vã lên sàn sớm là đều tăng vốn rất nhanh gấp 5- 10 lần, chưa có bề dày lịch sự phát triển, sản phẩm, dịch vụ không rõ ràng rất dễ là đối tượng thuộc dạng “in giấy lấy tiền”, thực tế đã chứng minh.
2. Các công ty hoạt động mà liên tục chia thưởng bằng cổ phiếu, phát hành cho cổ đông với giá ưu đãi để tăng vốn, các đối tượng tham gia đã có liên quan tới nhau và việc làm này như là việc bỏ tiền từ túi bên trái qua túi bên phải, khác nhau là mỗi lần bỏ tiền sang thì số tiền lại tăng thêm một chút, chỉ có các cổ đông nhỏ lẻ khác là bị thiệt hại. Các tổ chức liên quan cũng có dấu hiệu là bán chui cổ phiếu sau đó chậm trễ trong việc công bố thông tin vì cái giá khi bị xử phạt khá nhẹ nhàng.
3. Các công ty lên sàn theo hình thức “niêm yết cửa sau”, suy luận một cách logic nếu “niêm yết cửa trước” đã không thể kiểm soát được thì việc không thông qua sự kiểm tra, các cơ quan pháp lý, tổ chức thứ ba độc lập thì đây có lẽ không phải là cuộc chơi của những nhà đầu tư nhỏ lẻ khi không hiểu bản chất phía sau những giao dịch này. Thời gian vừa rồi diễn ra thương vụ CTCP SXKD Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV) thỏa 2 điều kiện tăng vốn 12 lần từ 21 lên 271 thông qua phát hành riêng lẻ cho 5 cá nhân liên quan, sau đó lập tức mua 83,33% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ thuộc sở hữu gián tiếp 99% bởi các cá nhân có liên quan.
4. Không nên sở hữu cổ phần của những công ty mà ban lãnh đạo trong quá khứ đã từng có “tiếng tăm” tác động nhiều lên giá cổ phiếu hoặc thận trọng tránh xa khi họ thường xuyên nói về giá cổ phiếu mà không phải là giá trị khác của công ty. Vì chẳng bao giờ “ngựa lại không quen đường cũ”.
Góc nhìn về động cơ giúp nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng hơn. Nói chung, nhận biết được rủi ro để nhà đầu tư tránh né chứ không bao giờ trên một đoạn đường đi mà ta tránh được tất cả các ổ gà –điều này bất khả thi, những lần vấp ngã sẽ khiến nhà đầu tư trở nên dày dạn kinh nghiệm hơn, ngay cả Warren Buffett với sự nghiệp đầu tư lừng lẫy cả đời vừa qua cũng đã bị một công ty với mô hình Ponzi lừa đảo với số tiền hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, cần nhớ rằng khối tài sản của ông đến lại đến tự một số ít những công ty tuyệt vời mà ông đã nắm giữ trong dài hạn, thất bại rất nhiều nhưng biết đứng lên từ chính thất bại đó mới là con đường để tồn tại và đi tới thành công trong đầu tư nói riêng và cuộc sống nói chung.
George Soros “Tôi tồn tại được là nhờ nhận ra các sai lầm của mình”.
“Có thể chúng tôi chưa hoàn hảo, nhưng chúng tôi biết cách nỗ lực và học hỏi để trở thành nhà đầu tư giá trị” – VOT PARTNERS
Vot cho em hỏi là trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ khoản ” Thuế thu nhập doanh nghiệp” tăng cao bất thường thì có nên nghi ngờ không ạ? Em xin cám ơn.
Chào Minh
Theo mình hiểu bạn đang có thắc mắc về khoản thuế thực nộp của DN so sánh với thuế hạch toán trên P/L. Thuế thực nộp lớn hơn nhiều chứng tỏ DN đang chưa hạch toán đầy đủ chi phí, có các chi phí không hợp lý hoặc có sự khác nhau về cách ghi nhận doanh thu, chi phí, sự chênh lệch về cơ sở tài sản, nợ phải trả giữa cơ sở kế toán và cơ sở tính thuế dẫn tới phát sinh các chênh lệch tạm thời hoặc chênh lệch vĩnh viễn. Về vấn đề này mình nghĩ bạn nên xem kĩ lại phần thuyết minh chi tiết hơn cho Thuế TNDN phải nộp, có thể khoản thuế thực nộp lớn hơn làm phát sinh Tài sản thuế thu nhập hoãn lại sẽ được thu hồi trong tương lai.
Sau khi đã xem xét kĩ nếu vẫn chưa hiểu được chênh lệch đó phát sinh như thế nào bạn có thể hỏi trực tiếp phòng IR của DN để rõ hơn nhé. Chúc bạn 1 ngày vui vẻ.
Thông tin tới bạn. 🙂