fbpx

Ô nhiễm nguồn nước Sông Đà – góc nhìn của một nhà đầu tư

I. Tình trạng ô nhiễm tại Việt Nam

Thời gian vừa qua ứng dụng quan trắc không khí Airvisual ghi nhận Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất Thế giới. Cùng nhìn lại những vụ gây ô nhiễm như cháy nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và gần đây nhất là sự ô nhiễm nguồn nước sạch ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Mã chứng khoán VCW) cấp, 1.4 triệu là con số thống kê không chính thống về số lượng người dân bị ảnh hưởng từ vụ việc “không rõ ràng” này.

Từ góc độ của 1 công dân Việt Nam, chúng ta cùng đồng cảm với nhiều khó khăn mà người dân thủ đô đã gặp phải trong những ngày tháng qua và thật đáng buồn khi Hà Nội lại là một trong những thành phố đông dân ô nhiễm nhất thế giới. Sự việc nước sông Đà vừa qua như 1 “giọt nước tràn ly”, thể hiện 1 xã hội đầy phức tạp với những động cơ thật đa dạng. Cảnh tượng người dân lũ lượt xếp hàng mua từng bình nước sạch, những kệ hàng bán nước đóng chai bị thất thủ cho tới cảnh tượng những bể nước sặc mùi dầu lắng đang phải xử lý. Không ai tránh khỏi sự hoang mang pha lẫn sự tức giận, những câu hỏi về tính trách nhiệm xoay quanh vấn đề nghiêm trọng này như thế nào, khi nhu cầu tối thiểu của 1 con người là ăn uống, hít thở không khí cũng phải cần những nỗ lực tối đa để chiến đấu như thế này. Chắc chắn những người trực tiếp gây ra vụ việc này sẽ bị khởi tố hình sự nhưng để tìm ra gốc rễ đằng sau vấn đề này là việc không đơn giản cho các Cơ quan chức năng. Dưới góc nhìn của 1 nhà đầu tư, ngành nước vốn được xem là “mảnh đất màu mỡ” khi nhu cầu nước sạch đang gia tăng rất nhanh kéo theo tốc độ đô thị hóa hàng đầu thế giới của Việt Nam, ngành này được nhà đầu tư coi là có tính phòng thủ rất cao vì là ngành tiện ích thiết yếu cung cấp nước sạch cho khách hàng là những hộ dân, các doanh nghiệp khác,…mỗi nhà máy thường xử lý nước từ một con sông sau đó phân phối cho cư dân, DN trong một địa phương cụ thể chính vì vậy có độ ổn định rất cao.

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hiện Việt Nam có gần 800 đô thị với tổng công suất cấp nước sạch khoảng 7,4 triệu m3/ngày, tăng 1,6 lần so với cách đây 10 năm. Dự báo đến năm 2020, dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người và nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên khoảng từ 9,6 – 10 triệu m3/ngày.

II. Thông tin tài chính của một số doanh nghiệp ngành nước

Nguồn: BCTC các Doanh nghiệp năm 2018

Các doanh nghiệp ngành nước có những chỉ số tài chính “trong mơ”, tỷ suất lợi nhuận gộp cao, chia cổ tức đều đặn, dòng tiền thu ổn định hấp dẫn nhà đầu tư. Điển hình là nhiều năm qua Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) đã đầu tư góp vốn vào các công ty sản xuất nước sạch, chủ yếu phục vụ cho khu vực TP.HCM. Ở khu vực phía Bắc REE cũng lấn sân sang bằng cách mua cổ phần của chính VCW. Hay Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) từ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhựa nay đã định hướng đầu tư qua ngành nước sạch với hệ thống mạng lưới cấp nước do Công ty sở hữu chi phối hoặc sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần trải dài trên 11 địa phương. Và một số các quỹ đầu tư, các công ty nước ngoài khác như Dragon Capital, Olympus Capital Asia, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)…

Như vậy, câu chuyện đã rõ ràng hơn trong làn sóng đầu tư vào các công ty nước là 2 đồng doanh thu tạo ra hơn 1 đồng lợi nhuận gộp, đặc biệt trong nhóm các DN trên có những cái tên đáng chú ý là TDM, BWS, VCW khi tỷ suất lợi nhuận ròng khá sát với tỷ suất lợi nhuận gộp. Điều này thể hiện tính “độc quyền” trong việc cung cấp nước khi bỏ vốn đầu tư một lần, thu lợi nhuận trong rất nhiều năm mà không phải bỏ các loại chi phí như quảng cáo, nghiên cứu thị trường, hoặc với chi phí vận hành rất thấp. Nổi bật nhất trong nhóm này CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) đang được sở hữu bởi 2 cổ đông lớn nhất là Gelex với 60.46% và REE là 35.95% cổ phần (trước đó VCW thuộc sở hữu của tập đoàn Vinaconex), phục vụ cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội, sản lượng tiêu thụ khoảng 250.000 m3/ngày đêm. Lợi thế cạnh tranh trong ngành này dành cho các DN đi tiên phong, chiếm lĩnh trước các thị trường tuy nhiên chất lượng đường ống, chất lượng nước xây dựng lên niềm tin của người dân mới là bài toán quyết định. Bao năm qua VCW nổi tiếng với các sự cố vỡ đường ống 22 lần, cựu giám đốc quản lý dự án từng bị truy tố 10 năm hình sự 10 năm tù vì tội vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng, kết quả kinh doanh của VCW không hề suy giảm cho thấy sức mạnh độc quyền của nhà cung cấp lớn thế nào, nhu cầu và giá nước tăng mỗi năm thì đường ống có vỡ thêm vài chục lần cũng “không thành vấn đề” vì vỡ đâu lại thay đó. Chỉ có những người lao động, người dân là thực sự chịu khổ, nhưng sự kiện lần này không hề đơn giản, gây ảnh hưởng vô cùng lớn và có thể khởi tố hình sự chứ không chỉ ảnh hưởng tới bức tranh tài chính của VCW.

Điều đáng chú ý là những ống sợi thủy tinh này lại được cung cấp bởi CTCP Ống sợi thủy tinh và cũng là thành viên của tập đoàn Vinaconex, giai đoạn 2 – dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây –Hòa Lạc –Xuân Mai –Miếu Môn –Hà Nội –Hà Đông và cũng tiếp tục mua đường ống từ CTCP Ống sợi thủy tinh. Hạng mục đường ống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong một dự án sản xuất nước sạch, rõ ràng đây là mô hình có tính thâm dụng vốn lớn.

III. Góc nhìn của nhà đầu tư cá nhân 

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư thì đây là một mô hình kinh doanh có tính bất định rất thấp (ổn định và ít kịch bản xảy ra) nhưng rủi ro rất cao – tổn thất có thể rất lớn. Và những cổ đông chiến lược của VCW đã không lường trước và kiểm soát tốt các loại rủi ro đặc thù này.

Hệ thống đường ống dẫn nước được xây dựng từ lâu và đã xuống cấp nghiêm trọng, ví dụ như hệ thống dẫn nước ở TP.HCM dài trên 2.000 km nhưng đã được xây dựng cách đây 50 năm. Tình trạng này dẫn đến việc rò rỉ, thất thoát nước cả nước còn ở mức cao trung bình khoảng 23%, trong khi đó tỷ lệ thất thoát nước của các nước lân cận như Singapore chỉ là 5%, Nhật là 7%; các khâu về xử lý nước thải sau khi cấp cũng chưa được vận hành đồng bộ khiến nhiều nơi vẫn xảy ra tình trang ngậm nước, gây lãng phí rất lớn. Thêm vào đó, để xây dựng một nhà máy nước và mạng đường ống chuẩn, các đô thị cần đầu tư chi phí rất lớn. Tuy nhiên sự khó hiểu trong cách quản trị cũng gây ra dấu hỏi rất lớn?

Điển hình là VCW trong tình thế cấp bách cần để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước sạch của người dân thì công ty lại chưa chú tâm sữa chữa, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước cũng như nâng cao chuyên môn nghiên cứu nhằm phòng chống, phát hiện nhanh khi nguồn nước bị ô nhiễm. Khi giải trình về việc ổ nhiễm nước Sông Đà thì Ông Nguyễn Văn Tốn (Tổng Giám Đốc VCW) có yêu cầu phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và đã xác định không có vấn đề gì. Tuy nhiên việc chất thải độc là nguyên nhân gây ra ô nhiễm có hàm lượng Styren vượt 1,3 – 3,65 lần bình thường và lại thuộc nhóm các chỉ tiêu mức độ C, theo Ông Tốn nói cần thời gian để phát hiện, nên sau khi được sự tư vấn của các chuyên gia đã tiếp tục cho cấp nước!!!

Giữa tâm bão, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex đã nêu quan điểm phải xử lý ngay để có nước sạch đáp ứng nhu cầu người dân, đồng thời cũng nói rõ rằng VCW vốn là công ty “cháu” trong tập đoàn, có điều lệ và HĐQT riêng nên quá trình báo cáo không thể diễn ra hàng ngày. Ông cũng nói rằng Cơ quan nhà nước nên tập trung để cùng hỗ trợ và nên kiểm soát các hồ chứa nước đầu vào như là công trình trọng điểm quốc gia. Với khoản đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng theo giá trị vốn hóa vào VCW của Gelex thì có lẽ quá trình kiểm soát và quy trình báo cáo các thông tin đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp nên được rà soát lại và thay đổi, nên linh động chứ không nên quản lý 1 cách máy móc khi đây là 1 sự việc đặc biệt nghiêm trọng. Các tập đoàn, công ty tư nhân nhảy vào cũng không nên chỉ nhìn thấy bài toán về lợi nhuận mà làm sao để phát triển bền vững, mang lại ý nghĩa về khía cạnh xã hội, sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Nếu sự chú ý của mọi người chỉ tập trung vào người trực tiếp gây ra vụ việc, hay VCW tắc trách trong quản lý thì cũng chưa đủ. Những nhà đầu tư chiến lược, họ mới thực sự là chủ là người hưởng lợi chính từ HĐKD của DN. Những ngành hàng thiết yếu, tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng thì câu chuyện niềm tin rất quan trọng. Nếu một doanh nghiệp không đảm bảo được “niềm tin” của người tiêu dùng, không dung hòa lợi ích giữa các bên thì họ sẽ bị thay thế vì khi tư nhân hóa mọi thứ, thị trường tự do thì sức mạnh của người tiêu dùng sẽ tăng lên cao vì họ có nhiều sự lựa chọn.

Thời gian gần đây dự án cấp nước sạch Sông Đuống có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ở mức 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu USD) đã chính thức đi vào hoạt động. Về quy mô dự án, đến năm 2019 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Dự án này được cho là công nghệ mới nhất của thế giới, cho tiêu chuẩn nước châu Âu uống trực tiếp tại vòi. Với quy mô lớn hơn, chất lượng có thể tốt hơn lại hướng tới việc phục vụ trong cùng 1 khu vực. Bài toán thị phần cũng rất “nhức đầu” cho VCW trong giai đoạn tiếp theo, khi đang phải xử lý sự kiện bê bối này.Ở khía cạnh nhân văn thì không ai mong muốn 1 DN rơi vào tình trạng phá sản, điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới cả những người lao động chân chính, làm công ăn lương tại DN, nhưng Cơ quan pháp lý và thị trường mới là người sẽ trả lời những câu hỏi này trong tương lai.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: