fbpx

Các câu hỏi quan trọng về KQKD 6 tháng của MWG?

Ngành bán lẻ thế giới nói chung đang “trong cơn mưa” với sự tác động của Đại dịch Covid19, trong bối cảnh đó các nhà bán lẻ tại Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Thời điểm đầu năm, các DN còn “hừng hực khí thế” đặt những kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh thì tới tháng 3 đã phải “toát mồ hôi” lập kế hoạch đối phó với dịch. MWG là 1 DN bán lẻ hàng đầu Việt Nam xét về cả thị phần, doanh thu và lợi nhuận mới đây cũng đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận “không còn máu lửa” như các năm trước. Tại ĐHCĐ năm 2020, trong phần mở đầu chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã có phần trình bày khá chi tiết về bối cảnh vĩ mô hiện tại, dự báo sức mua sụt giảm cũng như nói về chính sách khen thưởng/ESOP của MWG. Theo quan điểm của ông, DN nào thuộc ngành dịch vụ năm nay “nếu giữ được 100% lợi nhuận thì thuộc dạng “thần thánh” chứ không phải là người”. Kể từ ngày 31/7/2020, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu quá trình cách ly xã hội, cấm tụ tập và đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu và đây là khu vực chủ lực chiếm tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận cao nhất của MWG. Các nhà bán lẻ lớn khác như FPT Retail (FRT), PNJ cũng vừa công bố báo cáo KQKD quý 2 không mấy khả thi khi phải đóng phần lớn số lượng cửa hàng. FRT với quý II lỗ gần 20 tỷ đồng, PNJ với lợi nhuận giảm gần 72% còn 43 tỷ đồng. Sơ lược về KQKD 6 tháng của MWG như sau:
 
  • Doanh thu tăng 8%, lợi nhuận ròng giảm 4% đạt 2.027 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lợi nhuận giảm nhanh hơn doanh thu do cấu trúc chi phí vận hành chủ yếu là định phí cộng thêm chuỗi BHX vẫn chưa qua được điểm hòa vốn cấp độ công ty.
  • Biên lợi nhuận ròng đạt mức 3,6% thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 4,1%, biên lợi nhuận gộp tăng lên 21% (cùng kỳ 17,8%) do chuỗi BHX có biên lợi nhuận cao hơn. Công ty không công bố biên lợi nhuận gộp của BHX lũy kế 6 tháng, tại thời điểm tháng 5/2020, biên lợi nhuận gộp đang là 25%.
  • Nhóm hàng điện tử doanh thu giảm, nhóm điện lạnh, gia dụng, máy tính xách tay, đồng hồ và thực phẩm & FMCGs doanh thu tăng trưởng, mảng điện thoại doanh thu giảm 15% so với 6T cùng kỳ, điện máy tăng 4% và thực phẩm & FMCGs tăng 132%. Với doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng, tổng doanh thu chuỗi BHX 6T khoảng 9.808 tỷ đồng (chiếm 17,6% tổng doanh thu MWG cùng kỳ năm ngoái chiếm 7,9%).
  • Hai chuỗi ĐMX và TGDĐ ngưng mở rộng mạnh mẽ, ĐMX sắp tới sẽ mở rộng mạnh thêm mô hình super mini và chuyển đổi từ cửa hàng TGDĐ 1 phần. Đóng toàn bộ chuỗi cửa hàng Điện thoại siêu rẻ để tập trung vào ĐMX supermini (120 –150m2), có khoảng 60% SKUs trung bình của các cửa hàng.
  • Doanh thu bình quân của 1 cửa hàng Bách hóa Xanh giảm từ 1,2 tỷ đồng trong tháng 5 xuống còn 1,1 tỷ đồng trong tháng 6. Tỷ trọng cửa hàng tỉnh/tổng số cửa hàng chiếm khoảng 2/3 tương đương với tháng 5 trong đó tháng 6 mở được tổng cộng 121 cửa hàng, tháng 5 mở 131 cửa hàng mới. Số lượng cửa hàng tại TP.HCM tính tới tháng 6 là 487 cửa hàng, cửa hàng tỉnh là 999 cửa hàng. Tỷ trọng cửa hàng diện tích 300m2 không đổi đạt 17%.
Sau khi đọc những con số cập nhật về tình hình tài chính của MWG 6 tháng có thể nhà đầu tư sẽ quên mất 1 nửa vì có quá nhiều dữ kiện. Một tuần sau sẽ quên 70% và 1 tháng nếu không nhìn lại có thể đã quên hết và chuẩn bị tinh thần đọc thêm báo cáo tháng 7, tình hình có thể sẽ rất khác khi diễn biến dịch còn phức tạp. Đây là hạn chế rất lớn đối với các nhà đầu tư chỉ quan tâm tới những con số, khi con số thay đổi họ không nhìn thấy bản chất phía sau của những con số này và không phải là những biến số đủ để xây dựng niềm tin cho việc nắm giữ lâu dài 1 cổ phiếu nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, mọi thứ lại thay đổi khá nhanh. Để hiểu hơn về tình hình của DN cần tự đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới mô hình kinh doanh của MWG, phân biệt rạch ròi đâu là chiến lược (strategy) – là hướng đi rất dài hạn và chiến thuật (tactic) –ngắn hạn. Nếu không phân biệt được 2 khái niệm này, bạn đọc có thể dễ rơi vào 1 chiến lược đầu tư với tư duy ngắn hạn vì không hiểu bản chất kinh doanh :
 
  • Trước khi xảy ra dịch bệnh, chiến lược của MWG tiếp tục mở rộng đối với chuỗi ĐMX, rất nhiều chiến thuật để tối ưu cho chuỗi ĐMX như: thay đổi layouts nâng tầng, nâng kệ cho ĐMX, mô hình shop in shop với đồng hồ, mắt kiếng và laptop. Lợi nhuận đạt được từ 2 chuỗi TGDĐ + ĐMX là chiến lược cấp nguồn vốn để mở rộng cho chuỗi BHX. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, việc mở rộng ĐMX đã chậm lại, BHX vẫn tiếp tục mở mạnh mẽ hướng tới việc đạt được lợi nhuận năm 2021 như lời của ban lãnh đạo, đóng góp vào tăng trưởng chung của MWG, mở rộng mô hình super mini là một loại chiến lược nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, đi vào những thị trường sâu hơn và thực sự là một bước đi “thận trọng hơn” trong bối cảnh dịch bệnh, hàng không thiết yếu có thể tiêu thụ kém hơn, việc bảo vệ lợi nhuận của MWG trở nên rất quan trọng để cấp vốn cho BHX tới 2021. Chiến thuật đối phó với dịch đã được công ty công bố với nhà đầu tư như: luân chuyển lao động, đàm phán chi phí mặt bằng, các chương trình khuyến mãi, kích cầu…

  • Trong dài hạn 5-10 năm tới, mục tiêu của MWG là sẽ đưa chuỗi BHX “gánh” toàn bộ tăng trưởng của tập đoàn khi các mảng khác đã “bão hòa”, nên việc bảo vệ được lợi nhuận trong ngắn hạn vài năm tới chỉ là chiến lược để thực hiện mục tiêu dài hạn. Sau khi BHX đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong doanh thu MWG, chuỗi này hoàn toàn tự chủ về tài chính trong việc mở rộng và thành bại của MWG sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi BHX. Phân biệt được đâu là chiến lược, chiến thuật giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận hơn mới mô hình kinh doanh và không phải nhớ quá nhiều về các con số chi tiết, biết DN đang phân bổ nguồn lực của họ nhiều nhất vào đâu.
Trong các tháng gần đây, mục tiêu của BHX là mở rộng mạnh mẽ, tăng cường độ phủ dày đặc nhằm nhanh chóng cải thiện công suất phục vụ của các kho/ trung tâm phân phối ở khu vực tỉnh, điều này dẫn đến doanh thu bình quân tính cho mỗi cửa hàng ghi nhận ở mức 1,1 tỷ đồng. 40% số cửa hàng đã hoạt động tối thiểu 12 tháng, bao gồm: (i) các cửa hàng đã kinh doanh từ 18 tháng trở lên (khai trương trước 1/1/2019) đạt doanh thu bình quân 1,4 tỷ đồng/cửa hàng; và (ii) các cửa hàng đã kinh doanh từ 12 đến dưới 18 tháng (khai trương trước 1/7/2019) đạt doanh thu bình quân 1,3 tỷ đồng/cửa hàng. Câu hỏi nhà đầu tư cần đặt ra là:
 
  • Tại thời điểm tháng 6/2019, đối với chuỗi BHX, trong số 600 cửa hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2019, có 218 cửa hàng tại 14 tỉnh khu vực Nam Bộ ngoài Tp.HCM (chiếm 36% tổng số cửa hàng BHX so với mức 8% cuối năm 2018). Tính theo loại cửa hàng, BHX có 100 cửa hàng lớn 300m2, đang chiếm khoảng 17% số cửa hàng toàn chuỗi. Doanh thu trung bình tiếp tục tăng lên đến hơn 1,5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng 25% trong nửa đầu năm 2019 từ mức 1,2 tỷ cuối năm 2018 và tăng gần 70% từ mức 900 triệu cuối tháng 6/2018. Như vậy, tại sao các cửa hàng hoạt động tối thiểu 12 tháng doanh thu không tăng và điều này có tác động thế nào tới kế hoạch đạt được lợi nhuận trong năm sau 2021?

  • Biên lợi nhuận gộp thời điểm tháng 5/2020 đạt 25% tăng từ mức 21% trong tháng 3/2020 (do người dân tích lũy hàng FMCGs tăng đột biến, mặt hàng này có biên lợi nhuận gộp thấp hơn hàng tươi sống). Công ty có kế hoạch xây dựng tới 22 DC offline tới cuối năm 2020. Vậy có khả năng BHX sẽ gia tăng thêm biên lợi nhuận gộp, chia nhỏ chi phí DC cho cách cửa hàng mới sẽ giúp lợi nhuận “lòi ra”. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid19 cùng yếu tố thời tiết, các nhà cung cấp đặc biệt là nông sản phần lớn đều gặp khó khăn tác động tới khả năng gia tăng biên lợi nhuận gộp thế nào, điều này có khả năng ảnh hưởng trong dài hạn?

  • Doanh thu và biên lợi nhuận gộp biến động cùng chiều hay trái chiều có ý nghĩa như thế nào và các khả năng nào có thể xảy ra. Đôi khi nhà đầu tư quan sát thấy doanh thu giảm, biên lợi nhuận gộp tăng hoặc ngược lại doanh thu tăng, biên lợi nhuận gộp lại giảm nhưng không xác định được tình huống nào là khả thi hơn, cần kết hợp quan sát các chỉ tiêu khác. Tỷ trọng chi phí có khả năng như thế nào khi BHX tạm thời ngưng mở rộng để đi vào hoạt động ổn định?

  • Vấn đề quan trọng nhất và có ý nghĩa ra quyết định nhiều hơn các con số ngắn hạn: lợi thế cạnh tranh của BHX là gì, đâu là vị thế BHX hướng tới, các chiến lược dài hạn nào giúp cấu thành các lợi thế cạnh tranh bền vững và tại sao phải thực hiện các chiến lược đó. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của BHX là ai và họ có điểm mạnh nào khiến BHX khó khăn trong việc gia tăng doanh thu trên các cửa hàng hiện hữu và đâu là điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh đó?
Ngành bán lẻ có bản chất giống nhau về các triết lý thực hành tốt nhất nhưng sản phẩm khác nhau khiến “mức độ thông minh” của các nhà quản lý là khác nhau. Thông qua việc đặt những câu hỏi lớn giúp nhà đầu tư dần hiểu được hướng đi, chiến lược của DN trước sau đó là chiến thuật, đồng thời tham chiếu các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm từ thị trường quốc tế và có thể tự đưa ra đánh giá của bản thân họ. Đặc biệt đối với ngành bán lẻ thực phẩm như BHX, mặc dù có mức độ thiết yếu cao nhất do sản phẩm thuộc nhu cầu tối thiểu của con người nhưng theo đánh giá của ban lãnh đạo, sản phẩm này “khó hơn” điện thoại hay điện máy rất nhiều và cấu trúc chi phí cũng khác 2 chuỗi ĐMX và TGDĐ. Yếu tố Cost to service thực sự là 1 thử thách lớn phải tiến hóa theo quá trình phát triển và được định hình bởi nhu cầu khách hàng, yếu tố cost được nhìn nhận rộng hơn và phải có sự cân nhắc kĩ càng hơn, khó khăn hơn 2 chuỗi trước trong xuyên suốt cả chuỗi giá trị (value chain). Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ trên toàn chuỗi cung ứng (supply chain) cùng với không đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt thì kết quả có thể sẽ rất tệ. 
 
Cuối cùng, việc đặt câu hỏi còn chưa rõ ràng đôi khi quan trọng hơn là tập trung vào các con số. Thực tế nhà đầu tư sẽ không phải là người trả lời những câu hỏi này mà đây là trách nhiệm của HĐQT, ban điều hành. Nhưng nếu nhà đầu tư không có hiểu biết rõ, có khả năng họ sẽ bỏ sót những khoản đầu tư tuyệt vời hoặc sở hữu phải những DN đang đi vào lối mòn. Lợi thế cạnh tranh của riêng nhà đầu tư là khi họ hiểu về lợi thế của DN hơn các nhà đầu tư khác, đây cũng là nền tảng vững chắc nhất để đi cùng các DN. Đại loại như đối với bức tranh tương lai của BHX muốn nhìn rõ hơn nhà đầu tư phải thấy được đa số các mảnh ghép, trong quá trình theo sát DN phải nhận biết được khi nào mảnh ghép này đã hình thành và thay đổi theo hướng tiêu cực hay tích cực. Từ đó xác định được bản chất của con số thể hiện ra cùng sự bền vững của những con số này. Đây thực sự là nhiệm vụ không dễ dàng của các nhà đầu tư nói riêng, doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh bị ảnh hưởng từ Đại dịch Covid19.
 
 
Để hiểu rõ hơn một phần các câu hỏi này và đặt ra thêm những câu hỏi “thông minh hơn” khác trong cuộc họp trực tuyến Cập nhật kết quả kinh doanh 6 Tháng đầu năm 2020, thứ sáu ngày 14/08/2020. Quý bạn đọc có thể nghiền ngẫm Báo cáo chuyên sâu về MWG được VOT PARTNERS dày công chuẩn bị qua link sau: 
 

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: