fbpx

Ngành chứng khoán nhìn từ ngành nông nghiệp Việt Nam

Xét trong cơ cấu ngành kinh tế, nông nghiệp vốn thuộc ngành “trụ cột” khi đóng góp tỷ trọng lớn và là nền tảng theo định hướng chuyển tiếp sang nền kinh tế công nghiệp nặng và dịch vụ, vì Việt Nam vốn có nhiều lợi thế trong việc làm nông nghiệp. Ngành chứng khoán lại thuộc nhóm Tài chính có hàm lượng tri thức cao và cả hai ngành cùng phát triển đồng hành với sự phát triển chung của nền kinh tế. Có nhiều điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa hai ngành, những vấn đề lớn nhất đối với nông nghiệp là mặc dù giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm thủy sản thuộc hàng đứng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng chưa cao vì còn nhiều nút thắt cả trong khâu sản xuất, phân phối. Đóng góp vào kết quả tăng trưởng GDP 2016-2018 là tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,72%, dịch vụ đạt 7,26%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,52%.

Vấn đề nóng đối với TTCK đặt ra là “độ lớn” hay vốn hóa của thị trường mới chỉ ngang GDP khoảng 5,6 triệu tỷ đồng, tỷ trọng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, TTCK chưa làm được đúng nhiệm vụ chính là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế trong khi các DN vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng Ngân hàng. Trong 9 tháng năm 2019, thị trường chứng khoán đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế với tổng mức huy động vốn đạt 203,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, vẫn rất khiêm tốn so với dư nợ tín dụng khoảng 7,8 triệu tỷ đồng đối với nền kinh tế (+8,64% so với cuối năm 2018). Dư nợ toàn nền kinh tế cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đang ở mức thấp nhất, tăng trưởng chậm nhất ngược lại dư nợ cho các hoạt động dịch vụ khác lại đang lớn nhất và tăng trưởng cao nhất.

Nhắc tới nông nghiệp thông thường nghĩ tới sự lạc hậu, nghèo nàn vì kể từ khi đất nước mở cửa vào năm 1986, thời điểm đó “con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp”, nông nghiệp chủ yếu vẫn đáp ứng nhu cầu thực phẩm để duy trì cuộc sống, từ nước phải nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp hiện tại nền nông nghiệp đã đạt được rất nhiều thành tựu, tuy nhiên trong “con mắt” của các nhà đầu tư, làm nông nghiệp rất khó để có lời, vì đã làm là phải làm trên quy mô lớn, nông nghiệp sạch, hữu cơ và phải xuất khẩu sang các quốc gia phát triển, chính vì vậy chỉ những công ty, tập đoàn lớn mới dám bỏ vốn đầu tư vào làm công nghiệp công nghệ cao, sự liên kết trong ngành còn rất yếu và việc tiêu thụ trong nội địa với quy mô còn nhỏ. Nhắc tới ngành chứng khoán dưới “con mắt” của người lao động phổ thông còn quá xa vời, đối với nhân viên văn phòng hay các tầng lớp cao hơn vẫn xem đây là 1 kênh “cờ bạc”,còn đối với nhà đầu tư thì việc kiếm tiền dài hạn trên TTCK khó như đạt được giải Nobel, chính vì vậy vô hình chung nhắc tới chứng khoán là rủi ro, là biến động và là sự tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, tỷ trọng nhà đầu tư bỏ tiền vào kênh chứng khoán dưới nhiều công cụ khác nhau lên tới hơn 90%, trong khi tại Việt Nam con số tài khoản mở gần đây nhất ghi nhận chỉ khoảng hơn 2tr trên hơn 90 triệu dân số, trong đó 1 nhà đầu tư có thể mở rất nhiều tài khoản không có giới hạn.

Có câu “cay đắng gì bằng mất niềm tin” và câu “ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ nhường phần ai”, có thể phù hợp với bối cảnh của 2 ngành nghề này hiện tại. Tâm lý chung khi có bất kỳ sự lựa chọn nào, chúng ta đều đối mặt với khó khăn trước mắt nhiều hơn là những viễn cảnh tươi đẹp, cho nên nhiều người sẽ có xu hướng chọn những việc dễ và nhanh chóng. Chỉ những người dám đi ngược tâm lý đám đông, làm những việc không ai dám làm mới có được những kết quả mà không ai có. Cả 2 ngành nghề này sẽ đều hướng tới việc áp dụng công nghệ để giải quyết những khó khăn tồn đọng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường tức là đều sẽ có hàm lượng  tri thức cao, giảm bớt yếu tố con người.

Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của nước ta vẫn còn rất thấp, hiện mới đạt bình quân 2,4 mã lực/ha canh tác, trong khi một số nước như Thái-lan đạt tới bốn mã lực/ha, Hàn Quốc 10 mã lực/ha, Trung Quốc tám mã lực/ha,… Mặt khác, trình độ cơ giới hóa cũng không cao, thể hiện ở việc hầu hết các máy làm đất thường có công suất nhỏ (máy kéo công suất dưới 35 mã lực chiếm hơn 90%). Đối tượng tham gia chiếm tỷ trọng chủ yếu là nông dân, hợp tác xã và các DN siêu nhỏ nên việc cập nhật chậm và trình độ chuyên môn chưa cao hoặc không đồng đều. Vì sản xuất còn manh mún chủ yếu là hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ nên rất khó để khó để áp dụng công nghệ cao trên diện rộng trong bối cảnh nguồn lực có giới hạn.

Đối với chất lượng tư vấn và yêu cầu đầu vào của các chuyên viên tư vấn trong ngành chứng khoán với yêu cầu không cao tại nhiều CTCK nhỏ vì công việc mang tính chất bán hàng nhiều hơn, khác biệt nằm ở nguồn vốn giá rẻ, kiểm soát rủi ro còn chất lượng tư vấn vẫn đang là dấu chấm hỏi giữa các CTCK. Các thành viên tham gia TTCK như các CTCK, Ngân hàng… tuy đã có hiệu quả nhưng đại bộ phận nhà đầu tư cá nhân đều không nhận được giá trị dài hạn tạo ra bởi các DN niêm yết và các CTCK đang rơi vào trạng thái cạnh tranh cao với các CTCK ngoại. Tại các quốc gia phát triển, con người dần thay thế bằng robot trong việc tư vấn cũng như trading cho khách hàng, vì máy móc không có cảm xúc, quy định tại các quốc gia này cho phép mua/bán trong ngày, tuy nhiên với quy định T+3 tại thị trường Việt Nam thì những thuật toán rất khó để áp dụng cho thị trường cơ sở.

Ngành nông nghiệp còn đang mắc kẹt ở bài toán an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng tương tự như ngành chứng khoán. Cả hai ngành đều còn trong giai đoạn rất sơ khai, với một số điểm tương đồng cụ thể như sau:

Theo lộ trình và định hướng phát triển của nền kinh tế, ngành nông nghiệp được xác định trở thành một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới đúng như chiến lược ban đầu, sau đó chuyển tiếp sang công nghiệp nặng, những ngành công nghiệp phụ trợ và những ngành dịch vụ khác. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy sự tụt lại trong đóng góp của ngành nông nghiệp và dường như cả ba trụ cột này đang được xây dựng “song song” chứ không phải theo từng bước rồi chuyển tiếp dần như các quốc gia đã rất thành công với chiến lược này. Có vô vàn những khó khăn, bất định rủi ro khác cho nông nghiệp cũng như ngành chứng khoán trong phạm vi 1 bài viết ngắn không thể nêu hết được tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, giải pháp chung cho 2 ngành nghề này là “làm lớn những việc nhỏ”, vì cả hai ngành đều có sự liên kết yếu trong chuỗi giá trị và tập trung phát triển theo chiều sâu, chất lượng hơn là quy mô và số lượng. Cần có những tư duy dài hạn cho 10-20 năm tới vì đây là việc thay đổi hệ tư tưởng, thói quen, truyền thống của 1 thế hệ để tạo tính lan tỏa rộng rãi.

Đối với ngành nông nghiệp là câu chuyện “con gà, quả trứng”, nên phát triển đầu ra mạnh mẽ, xây dựng thống hệ thống phân phối đến gần nhất với các người tiêu dùng hay tập trung phát triển đầu vào là các loại nông, lâm, thủy sản trước và làm sao để tăng tính liên kết, đối với bản thân người nông dân họ cần 1 nguồn thu nhập, ổn định, tức là cần đảm bảo đầu ra để trang trải cho cuộc sống, rất khó để thay đổi tư duy này trên diện rộng cho nên phương án các DN, tập đoàn lớn xây dựng những cửa hàng tiện lợi, siêu thị để liên kết, hướng dẫn, đào tạo người nông dân đồng thời đảm bảo đầu ra cho họ là cách mà ngành Sữa đã và đang làm tốt.

Đối với ngành chứng khoán, việc gia tăng độ lớn tức là tăng nguồn cung hàng hóa cần đi kèm với tăng chất lượng hàng hóa. Ngành chứng khoán được hưởng lợi rất lớn từ sự phát triển của nền kinh tế, cụ thể hơn là sự phát triển của các Doanh nghiệp trong đó 96% lại là các DN vừa và nhỏ. Kể từ giai đoạn mở cửa kinh tế năm 1986, thế hệ doanh nhân phần lớn đã ở độ tuổi trên trung bình trên 50 tuổi và đây là giai đoạn chuyển giao rất lớn diễn ra trong các DN, vừa là cơ hội cũng là thách thức cho các DN cũng như CTCK khi chuyển giao cho thế hệ kế thừa. Để gia tăng chất lượng rõ ràng cần gia tăng tiêu chuẩn niêm yết, điều kiện cũng như việc áp dụng các thông lệ quốc tế vào việc quản trị DN. Ở khía cạnh các nhà quản lý, cần có những chế tài khắt khe hơn trong việc minh bạch thông tin, xử lý vi phạm của DN.

Các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc họ đều thiết lập sàn giao dịch riêng cho các DNVVN, vào tháng 7 năm 2016, Ngân hàng Krung Thai (KTB), ngân hàng thương mại lớn thứ ba của Thái Lan, đã tuyên bố ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2,3 tỷ Bạt Thái (64,8 triệu đô la). Quỹ ủy thác cổ phần tư nhân của SME, được ra mắt với sự hợp tác của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET). Các DN này khi phát triển sẽ là một nguồn cung “khổng lồ và chất lượng” trong dài hạn cho TTCK, họ cần sự hỗ trợ, cơ chế, chính sách cụ thể. Muốn làm được vậy, ngay từ đầu cần có sự liên kết, xây dựng nay một môi trường + một nơi có thể chia sẻ, giải đáp, phản hồi và giao lưu với nhau để tạo nên 1 hệ sinh thái, đó có thể là 1 mạng xã hội B2B, có thể là những diễn đàn, hội nghị thường xuyên để lan tỏa văn hóa, tinh thần khởi nghiệp ra trên diện rộng.

Những mục tiêu dài hạn cần bắt đầu bằng việc xác lập nền tảng tư duy trước, việc xây dựng cũng không thể thiếu sự hỗ trợ sát sao, quyết liệt của Chính phủ trước hết trong việc phân bổ nguồn lực, các Đề án, Luật hỗ trợ và phải giám sát được tiến độ cũng như những hiệu quả của Chính sách này. Những người Doanh nhân đã dày dặn kinh nghiệm nên làm “đúng việc” với tinh thần Doanh nhân truyền lửa, chia sẻ tích cực những tư duy, kinh nghiệm của mình. Những chủ Doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình, cá nhân nên suy nghĩ toàn cầu nhưng cần làm thật tốt từ những việc nhỏ, dù là “làm 1 cây tăm” cũng phải bán ra bên ngoài thế giới được. Mặc dù chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệp + lợi thế cạnh tranh trên rất nhiều lĩnh vực, nhưng ở kỷ nguyên tiếp theo sự sáng tạo sẽ thúc đẩy nền kinh tế, để trở thành những quốc gia hùng mạnh trong tương lai, “tầm nhìn có thể thay thế những kinh nghiệm” là bài học rất quý giá từ Isarel.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: