fbpx

Doanh nghiệp và nhà đầu tư, họ cần gì ở nhau?

“Đừng để thời gian trôi qua thật lãng phí, hãy đọc và suy ngẫm để tạo ra giá trị bền vững trong tương lai” – VOT PARTNERS

Mùa ĐHCĐ là thơi gian để tổng kết lại một năm được và mất của các công ty, đồng thời thông qua kế hoạch kinh doanh và các phương án khác quan trọng liên quan tới hoạt động kinh doanh cũng như củng cố tầm nhìn dài hạn, chiến lược trong nhiều năm tới. Các công ty sẽ công bố tài liệu họp ĐHCĐ trước thời điểm họp khoảng vài tuần để cổ đông có thời gian xem xét kĩ lưỡng trước, qua đó thể hiện được ý chí của mình khách quan hơn trong buổi họp ĐHCĐ. Thông thường trong một buổi họp phần chiếm thời gian dài nhất là thông báo những điều đã đạt được trong năm vừa rồi, kế hoạch phân chia lợi nhuận, bầu nhân sự cấp cao. Một phần mà nhà đầu tư mong đợi nhiều nhất đó là hỏi – đáp với ban điều hành. Ở đây có hai khía cạnh cần bàn tới để nhận thức được rõ ràng và khách quan nhất là sự quan tâm của ban điều hành tới lợi ích của cổ đông và sự thấu hiểu công ty của các cổ đông. Nhìn vấn đề theo hai chiều sẽ mang lại sự nhất quán và xóa bỏ được những mâu thuẫn về mặt lợi ích.

1. Sự quan tâm của ban điều hành tới cổ đông:

Niêm yết trên sàn chứng khoán là một bước đi mới mang tính chiến lược dài hạn cho một công ty đại chúng, trong quá trình phát triển công ty tới giai đoạn đưa cổ phiếu lên sàn đã là một thành công lớn của một tổ chức. Đưa cổ phiếu trên sàn vừa để quảng bá hình ảnh công ty, sau cùng là huy động vốn dài hạn để thực hiện những khoản đầu tư mới nhằm tạo ra giá trị cho cổ đông. Một khi lên sàn thì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải công bố thông tin, minh bạch hoạt động kinh doanh. Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn xếp hạng thấp trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ từ đó tính hiệu quả của thị trường ở mức yếu. Qua nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường bằng quan sát của chúng tôi, có thể khẳng định việc minh bạch thông tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Việc nâng chuẩn mực trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh mới giúp doanh nghiệp vươn tầm khu vực, niêm yết trên các sàn chứng khoán tiêu chuẩn cao trên thế giới. Vậy minh bạch thông tin thể hiện qua các điều sau:

      – Báo cáo tài chính trình bày rõ ràng, trung thực và đầy đủ.

      – Công bố thông tin kịp thời, chính xác và chi tiết.

Trong một buổi họp ĐHCĐ nhà đầu tư không thể nào hỏi được hết những câu hỏi thắc mắc, liên hệ bộ phận IR (quan hệ nhà đầu tư) thì ít khi nhận được phản hồi lịch sự và đầy đủ từ các doanh nghiệp. Công tác IR chưa được chú trọng cao từ phía doanh nghiệp. Báo cáo tài chính là ngôn ngữ được thể hiện qua những con số giúp công ty có thể giao tiếp với nhà đầu tư. Đây là một trong những “nguyên liệu thô” đầu tiên khi nhà đầu tư thu thập thông tin về công ty. Ngoài việc trình bày theo đúng chuẩn mực kế toán, báo cáo được kiểm toán bởi các công ty có uy tín thì phần thuyết minh (footnote) cần rõ ràng và chi tiết, nhất là những khoản mục có số dư lớn có thể dùng kĩ thuật kế toán để thay đổi hoặc không thuyết minh rõ ràng. Cố đông là người sẽ tin tưởng, đồng hành với công ty, bỏ những đồng tiền mà họ cực khổ làm ra vào công ty, nhưng họ ngoài việc ý kiến trong phần hỏi – đáp thì hầu như không có tác động gì được tới việc quản trị doanh nghiệp, ngoại trừ các cổ đông rất lớn có tiếng nói. Hiểu được sự bất cân xứng thông tin và thiệt thòi này, việc công bố thông tin cần đầy đủ, kịp thời. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận quan hệ nhà đầu tư thật tốt, thấu hiểu được nhu cầu của nhà đầu tư, trong cách công bố thông tin có đủ nguyên liệu để họ phân tích và ra được quyết định một cách khách quan nhất. Warren Buffett thường khuyên nhà đầu tư có tư duy đúng đắn giả định rằng chúng ta sẽ bỏ tiền ra mua toàn bộ công ty, từ đó cần hiểu thấu đáo công ty và ban lãnh đạo. Tần suất công bố thông tin và cách công bố cũng thể hiện được sự quan tâm và tầm nhìn của ban lãnh đạo. Những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì bài toán văn hóa, nhân sự thường được giải quyết khá tốt, đặc biệt là các lao động tuyến dưới nếu họ thể hiện một thái độ tốt với khách hàng, hiểu được văn hóa của cả tập thể thì đó là một trong những thành công rất lớn, đây là một trong những dấu hiệu nhỏ nhưng thể hiện được sức mạnh to của tổ chức. Tương tự như việc ban lãnh đạo có tâm và có tầm quan tâm tới các cổ đông nhỏ lẻ. Trong báo cáo tài chính đa phần đề cập tới các con số, chuẩn mực kế toán và một số ngành nghề đặc thù sẽ nhắc tới cách mà công ty quản trị rủi ro trong các giao dịch tài chính như lãi suất, ngoại tệ… Để hiểu được mô hình kinh doanh đã là chuyện khó nhưng để phân tích được doanh nghiệp có bộ máy quản trị rủi ro tốt, bộ phận marketing tốt, chế độ đãi ngộ nhân sự và công tác xã hội tốt thì là cả một vấn đề lớn và rất ít thông tin để nhà đầu tư tham khảo. Một số công ty thậm chí ban lãnh đạo rất ít và không bao giờ phát biểu trước công chúng và báo chí. Như vậy, công ty không nên niêm yết lên sàn hoặc niêm yết lên chỉ với một mục đích là theo phong trào hoặc các lợi ích khác của các bên liên quan. Các công ty niêm yết ở các sàn tiêu chuẩn cao hơn như Dow Jones, Newyork, Nasdaq …ngoài công bố thông tin đầy đủ họ cung cấp thêm các đoạn video, ghi âm, điện đàm của ban lãnh đạo với báo chí hoặc các chuyên viên phân tích. Ngoài báo cáo lãi/lỗ công bố hàng quý, báo cáo thu nhập toàn diện (tạm dịch từ Comprehensive Income ) có thể được công bố hàng tháng, trong đó bao gồm các khoản lãi/ lỗ chưa thực hiện phát sinh từ các hợp đồng phái sinh ngoại tê, lãi suất hay hợp đồng hoán đổi của các công ty. Những khoản này sẽ chưa tác động vào lợi nhuận ròng trong kỳ, nhưng đó có thể là một khoản lãi/lỗ tiềm năng mà bằng quá trình theo dõi hoàn toàn có thể dự đoán được trong các kỳ kế toán tiếp theo.

Nguyên tắc thận trọng, cơ sở dồn tích của kế toán hoàn toàn có thể xào nấu được, việc chọn một công ty kiểm toán lớn như Big 4 cũng là quá trình tự nhận thức tầm quan trọng, trách nhiệm của ban lãnh đạo với cổ đông. Ngay cả khi báo cáo được kiểm toán vẫn có thể sai sót, việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tê (IFRS) đưa các doanh nghiệp tới chuẩn mực cao hơn. Ví dụ như việc hạch toán mark to market hay trình bày báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu thành một báo cáo riêng…Điều này đòi hỏi thời gian nghiên cứu, khả năng và trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, khi theo IFRS thì các con số trong báo cáo tài chính sẽ đáng tin cậy hơn, dễ dàng phân tích và cung cấp 1 bức tranh toàn cảnh, khách quan hơn.

2. Sự thấu hiểu công ty của các cổ đông:

Việc đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo thể hiện mức độ quan tâm, thấu hiểu công ty của cổ đông. Cổ đông cần ý thức một cách toàn diện về vấn đề này, không nên tham dự ĐHCĐ khi bản thân chưa hiểu gì về công ty. Vì những ấn tượng ban đầu của nhà đầu tư với doanh nghiệp rất quan trọng, chúng ta có thể dễ dàng ra quyết định chỉ trong một buổi họp mà chưa nhìn được bức tranh toàn diện. Nghiên cứu căn bản và chi tiết về doanh nghiệp là điều kiện cần trước khi gặp gỡ ban lãnh đạo. Một số nhà quản lý quỹ thành công khuyên nhà đầu tư nhỏ lẻ thậm chí là họ cũng nên hạn chế gặp ban lãnh đạo. Vì tầm hiểu biết không đồng đều dễ khiến nhà đầu tư lạc quan quá mức. Ban lãnh đạo họ là những doanh nhân, chuyên gia đầu ngành, sẽ rất ít người nào khách quan tới mức đánh giá tiêu cực doanh nghiệp họ đang quản trị, đồng thời nắm giữ cổ phần lớn trong đó. Đa phần đều nghĩ triển vọng ngành nghề, công ty còn tốt và cho rằng giá cổ phiếu công ty còn rẻ. Ở góc độ bán hàng, họ là những người bán hàng giỏi nhất mà vô tình hay cố ý sẽ tác động mạnh tới quyết định mua/bán của nhà đầu tư. Cổ đông nên nghiên cứu và lắng nghe những điều khách quan về các dự án, kế hoạch mà công ty đang triển khai hơn là giá cổ phiếu trên sàn. Hiểu được điều này giúp nhà đầu tư có chung một tầm nhìn, hiểu được đâu là những chỉ báo mình cần theo sát. Công ty có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác thì cổ đông cũng có trách nhiệm cập nhật, phân loại và tự bảo vệ mình trước các thông tin này. Các cổ đông nhỏ lẻ nên hình thành một cộng đồng lớn, tại đây không đặt vấn đề lợi ích, khuyến nghị mua/bán mà sẽ là nơi chia sẻ quan điểm, đánh giá khách quan theo góc nhìn của mỗi người. Từ đó, mỗi thành viên trong cộng đồng đều sẽ nhận được giá trị rất nhiều, gia tăng mức độ thấu hiểu công ty để đặt những câu hỏi thật thông minh và có hiểu biết về công ty. Nghiên cứu cách đặt câu hỏi của cổ đông của các nhà quản lý quỹ sẽ thấy được sự khác biệt, một số trong họ không hề ngồi trong ban điều hành hay có mối quan hệ nào khác với ban lãnh đạo. Những câu hỏi như:

– Công ty có dự định làm gì mà đối thủ cạnh tranh không làm?

– Công ty đánh giá thế nào về quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro của mình?

– Bộ phận marketing hoạt động ra sao, ngân sách chi cho marketing năm tới sẽ chiếm khoảng bao nhiêu % doanh thu?

– Bộ phận IR đang hoạt động có hiệu quả không, đặt KPI cho bộ phận này thế nào?

– Các giao dịch với các bên liên quan nhằm mục đích gì, chức năng của các công ty thành viên này trong cơ cấu tập đoàn, cơ cấu sở hữu tại các công ty liên quan này? Rủi ro lớn nhất trong mô hình tập đoàn chính là đao đức của ban lãnh đạo nên vấn đề này cần được làm rõ.

– Tại sao ban lãnh đạo chủ chốt lại không sở hữu lượng cổ phần nào đáng kể trong công ty, vậy lợi ích và động lực làm việc của họ với lợi ích của cổ đông có đồng nhất không?

Các câu hỏi trên vô tình có thể khiến các chủ doanh nghiệp cảm thấy bối rối nếu không có sự chuẩn bị, lên kế hoạch từ trước. Một ban lãnh đạo nên có tầm nhìn dài hạn chứ không thể nhìn vào một biến số là lợi nhuận sau thuế, chỉ nhìn vào doanh nghiệp mình chứ không nhìn vào các đối thủ cạnh tranh họ đang làm tốt hơn ta, chỉ chú ý tới tăng trưởng nóng trong khi sự sụp đổ của các đế chế lớn tại Việt Nam đa phần tới từ sự mất cân đối tài chính. Cổ đông không nên hỏi những câu hỏi về giá thị trường của cổ phiếu như thế nào, đang cao hay thấp vì tự thân thị trường sẽ cho nhà đầu tư những câu trả lời chính xác trong dài hạn. Ban lãnh đạo tốt hơn là nên tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì những cám dỗ ngắn hạn trên thị trường.

Tóm lại, để hài hòa lợi ích từ hai phía thì lãnh đạo và cổ đông cần sự thấu hiểu, đồng cảm, niềm tin được xây dựng trên những hành động được thực thi đúng như chiến lược đề ra kết hợp với sự minh bạch. Điều này tạo nên một nền tảng vững chắc và lợi thế cạnh tranh cho công ty trong việc thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư mới.

“Có thể chúng tôi chưa hoàn hảo, nhưng chúng tôi biết cách nỗ lực và học hỏi để trở thành nhà đầu tư giá trị” – VOT PARTNERS

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: