fbpx

Cổ phiếu Blue-Chip và những ngộ nhận

Các nhà đầu tư đều hiểu được sự nguy hiểm trong sự sai lệch của các khái niệm được lan truyền, nếu như không tìm hiểu tận gốc rễ của các vấn đề, việc sử dụng trong trạng thái ngộ nhận được phổ biến rộng rãi tạo ra một hệ tư duy không đúng đắn. Nếu như có dịp trò chuyện hoặc lắng nghe những trao đổi từ các chuyên viên tư vấn chứng khoán với khách hàng, cụm từ cổ phiếu Blue chip là một trong những “key word” được lặp đi lặp lại, nhằm ám chỉ những công ty có các đặc điểm nào đó chung với nhau mà ai cũng có thể nhận diện.
 
Đầu tiên, nghĩa tiếng Việt tạm dịch của Blue-chip tức là thẻ xanh, và cụm từ thẻ xanh không bắt nguồn từ thị trường chứng khoán mà là trong các Casino, cụ thể là trong trò chơi Poker (xì phé). Những người chơi trò này không dùng tiền mặt để đặt cược mà quy đổi sang các thẻ chip có ba màu phổ biến là xanh, trắng, đỏ, trong đó thẻ màu xanh tương ứng với giá trị lớn nhất. Khái niệm cổ phiếu Blue chip lần đầu tiên được Oliver Gingold ( làm việc tại công ty Dow Jones sáng lập bởi Charles Dow vào thế kỷ 19), sử dụng để mô tả những cổ phiếu có giá cao giao dịch tại mức 200$/ 1 cổ phiếu hoặc hơn. Ngày nay, các cổ phiếu Blue chip không nhất thiết phải có giá cao nhưng hàm ý là các cổ phiếu của những công ty có chất lượng cao, đã trải qua thời gian dài khó khăn (test of time). Một cổ phiếu được gọi là Blue chip nếu thỏa mãn ba yếu tố sau (theo Investopedia):
 
  1. Một công ty có nền tảng bền vững, có sản phẩm, dịch vụ quen thuộc đối với người tiêu dùng.
  2. Thường được đánh giá ở mức an toàn hơn so với nhóm các công ty khác đã được chứng minh bằng kết quả qua thời gian.
  3. Thường là những công ty đầu ngành hoặc có tác động lớn tới ngành nghề đó.
 
Nhờ ba đặc điểm này, các cổ phiếu Blue chip thường được chọn để tính những chỉ số tham chiếu như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq 100…và ở Việt Nam phổ biến có VN30, HNX30 tương ứng với 30 cổ phiếu trên hai sàn Hose và HNX. Thông thường các công ty trong chỉ số VN30 tại Việt Nam được xếp vào hàng Blue chip mặc dù chưa hề đạt những tiêu chuẩn phía trên, cho nên cách gọi đầy đủ sẽ là cổ phiếu Blue chip của thị trường Việt Nam chưa đạt chuẩn thế giới. Gọi như vậy có lẽ khá dài dòng và khó nhớ, nên cứ cổ phiếu nào thuộc chỉ số VN30 thì đều gọi tắt là Blue chip. Nếu là nhà đầu tư lâu năm tại Việt Nam, chắc hẳn đều đã trải qua những cuộc trao đổi với các chuyên viên tư vấn như sau “ Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn biến động mạnh, anh/chị nên chọn trading những cổ phiếu Blue chip có tính an toàn và ổn định hơn hoặc những công ty lớn như VNM, VIC, MSN… để tạm tránh bão trong giai đoạn này……”. Hóa ra tính an toàn và ổn định được định nghĩa theo sự biến động của “giá cổ phiếu” chứ không phải tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty. Trong ngôn ngữ chuyên môn của ngành tài chính gọi là hệ số Beta (đo lường sự biến động của giá cổ phiếu so với thị trường chung), hệ số Beta cao tức cổ phiếu biến động mạnh hơn thị trường và được xem là “rủi ro hơn”, từ đây sinh ra một loạt các lý thuyết và công cụ tính toán vô cùng phức tạp nhằm “tối ưu hóa danh mục đầu tư – đạt được lợi nhuận lớn nhất tại cùng mức rủi ro hoặc ngược lại đặt ra một cùng một mức lợi nhuận sau đó tìm danh mục ít rủi ro nhất” dựa trên “sự biến động của giá cổ phiếu”. Chính sự hiểu biết sai lầm này, kéo theo đoạn nói chuyện sau giữa các chuyên viên tư vấn với nhau “ Vừa rồi tư vấn cho khách hàng cổ phiếu VNM , hôm nay cổ phiếu về tài khoản lỗ 20% vì có dùng margin (vay ký quỹ), Blue chip mà biến động cao thế, ai nói “oánh” Blue chip là không lỗ chứ, blue chip mà biến động hơn cả cổ phiếu đầu cơ…”. Xét lại thấy việc sử dụng cụm từ này trên thị trường Việt Nam “đúng hơn” theo chuẩn thế giới, vì nó bắt nguồn từ Casino qua thị trường chứng khoán thì bản chất vẫn là “sòng bạc” theo tư duy của nhiều người (chẳng qua chỉ là sòng bạc hợp pháp). Thế là tư duy này được truyền qua nhiều lớp thế hệ trẻ khác đem lại những suy nghĩ hết sức tiêu cực và biến thành một vòng lẩn quẩn. Thực ra các tay giao dịch này nhìn chỉ cổ phiếu như ba ký tự, có bốn màu hiển thị trên bảng điện, mục tiêu của họ là chọn ra những cổ phiếu nằm ở hai màu xanh lá cây và tím càng nhiều càng tốt mà không có một nền tảng, phương pháp nào đi kèm, cuối cùng những người tư vấn này tư duy mình như một người bán hàng chứ không phải là đối tác hỗ trợ cho khách hàng đầu tư một cách hiệu quả thực sự. Cần nhớ rằng Warren không cố gắng bán cho bất cứ ai các cơ hội đầu tư – ông chỉ muốn làm giàu từ đầu tư.
 
Khi quan sát danh mục đầu tư của các quỹ lớn lại Việt Nam như VOF, VEIL, Pyn Elite, KIM….đều thấy xuất hiện những cái tên rất quen thuộc đối với nhà đầu tư, có thể về sản phẩm – dịch vụ của Công ty nhà đầu tư chưa tìm hiểu kĩ nhưng nó quen thuộc ở trên thị trường chứng khoán vì đã được niêm yết từ lâu, có tính thanh khoản cao cũng là một điều kiện đáp ứng tính an toàn cho cả cá nhân và theo điều lệ của các quỹ trên. Nhưng cần lưu ý thanh khoản không phải là nhân tố cấu thành nên sự an toàn trong mô hình kinh doanh của Công ty mà đây thuộc dạng rủi ro giao dịch, để thỏa mãn tính chuyển đổi nhanh thành tiền khi nhà đầu tư có nhu cầu rút vốn, chính vì vậy dòng tiền thường tập trung tại các Công ty này trong đó có rất nhiều tiền vay khiến cho giá cổ phiếu biến động với biên độ lớn trong ngắn hạn, ngoài ra không có ý nghĩa gì hơn. Sự nhìn nhận sai về rủi ro này sinh ra khái niệm “phần bù rủi ro thanh khoản”, những cổ phiếu có tính thanh khoản thấp phải được giao dịch với mức giá thấp hơn. Bên cạnh đó, với số tiền quản lý quá lớn khi ý tưởng hoặc số lượng công ty chưa đủ đáp ứng dễ dần tới tình trạng đầu tư theo phong cách “ tàu Noah- nồi lẩu thập cẩm”, các quỹ đóng –mở thường bị ràng buộc giới hạn giải ngân vào một công ty không vượt quá 5 –10% quy mô vốn của họ, điều này đi ngược lại hoàn toàn với nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại Warren Buffett và là điều bình thường giải thích cho việc tại sao các quỹ này khó chiến thắng được thị trường trong dài hạn, không có một tiêu chuẩn chung nào cho các nhân tố phi tài chính có thể đưa ra cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng hãy xem Warren nhìn nhận một công ty “chất lượng cao” có những biểu hiện về mặt tài chính như thế nào qua một số tiêu chí:
 
  • Công ty có thể hiện lợi nhuận trên vốn cổ phần, vốn sử dụng (ROE và ROCE) một cách nhất quán (trên 12%), đây là một trong những dấu hiệu của Công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững, cho phép công ty có thể phục hồi nhanh sau giai đoạn khó khăn hoặc sụt giảm mạnh từ sự phản ứng thái quá của thị trường chứng khoán.
  • Lợi nhuận có thể hiện xu hướng đi lên bền vững, cần lưu ý đánh giá khách quan những trường hợp sụt giảm lợi nhuận của công ty trong giai đoạn ngắn, vì ngay cả những công ty có lợi thế vẫn sẽ có những năm kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn.
  • Chính sách tài trợ vốn của công ty như thế nào, các công ty có lợi thế cạnh tranh thường không phải vay nợ nhiều đặc biệt là nợ dài hạn.
  • Khả năng tăng giá bán của sản phẩm dịch vụ tức thặng dư về giá trong mối tương quan với lạm phát.
  • Công ty phân bổ vốn, tái đầu tư lợi nhuận có hiệu quả hay không?
  • Nhận thức của ban lãnh đạo về giá trị thực công ty và những biện pháp bảo vệ quyền lợi của cổ đông ra sao?
Nếu xét theo các tiêu chí này, thì rất ít công ty tại Việt Nam có thể được gọi là Blue-chip, thường các cổ phiếu có vốn hóa lớn (Large corp) trên 10.000 tỷ đồng được xếp vào dạng vốn hóa nhỏ (Small Cap) so với thị trường Mỹ, vì vậy cần hạ mức tiêu chuẩn đánh giá để phù hợp hơn với tình trạng hiện tại. Warren thường chọn khung thời gian ít nhất 10 năm trong lịch sử để tìm hiểu về các công ty chất lượng cao trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới mới tròn 19 tuổi và còn rất nhiều việc phải làm, một Blue chip tại thị trường VN có thể có mức tiêu chuẩn thấp hơn theo tham khảo một số tiêu chí của các Small cap bên thị trường Mỹ như sau:
 
  • Đã niêm yết lên sàn chứng khoán ít nhất 10 năm là khoảng thời gian đủ dài để các công ty trải qua được những khủng hoảng trong kinh doanh và trên thị trường chứng khoán, hình thành đầy đủ các bộ phận phòng ban và cập nhật các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế vào trong bộ máy.
  • Cung cấp thông tin tới nhà đầu tư một cách đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời.
  • Vốn hóa thị trường đạt trên 10.000 tỷ đồng là mốc để tránh những công ty lên sàn với vốn hóa lớn nhưng ảo và giá cổ phiếu nhanh chóng rớt thảm thành cổ phiếu Penny.
  • Cơ cấu cổ đông không quá tập trung, nhà sáng lập và các bên liên quan không được nắm giữ quá 25% vốn điều lệ. Có các bên đối trọng là nhà đầu tư nước ngoài hoặc các quỹ đầu tư.
  • Thanh khoản thị trường thường phải đạt mức trên 100.000 cp/phiên giao dịch.
  • Tình hình hoạt động, kinh doanh tương đối ổn định từ hoạt động core với các ngành nghề chủ chốt rõ ràng hơn các công ty nhỏ.
Cuối cùng, Blue-chip không hàm ý sẽ là một khoản đầu tư tốt, khoảng cách này đôi khi rất xa, tại thị trường Mỹ đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát chứng minh trong một khoảng thời gian rất dài (có thể lên đến 100 năm), Small cap có mức sinh lời tốt hơn Large Cap một vài điểm phần trăm, nhưng xét trong 1 khoảng thời gian dài sẽ tạo ra mức sinh lời vô cùng khủng khiếp dưới tác động của lãi kép. Câu chuyện nghiên cứu sẽ đóng góp một vài tư duy hữu ích cho quá trình đầu tư, nhưng cốt yếu nhà đầu tư cũng không nên nhìn nhận cổ phiếu như một tờ giấy và tự giới hạn việc đầu tư của mình trong nhóm cổ phiếu có quy mô nhất định, phải tư duy như chủ sở hữu DN và chọn cho mình những phương pháp, chiến lược phù hợp để tìm ra giá trị thực sự của Công ty.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: