fbpx

Đầu tư chứng khoán thua lỗ vì Covid 19, phải làm sao?

Đầu tư chứng khoán thua lỗ vì Đại dịch Covid 19, phải làm sao?

I. Tư duy sai lầm khi đối mặt với đại dịch Covid 19

Đầu tư chứng khoán thua lỗ (hay còn được gọi là cháy tài khoản), đây là tình trạng không chỉ xảy ra trên tài khoản chứng khoán mà còn xảy ra trong tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các cá nhân, tổ chức vay nợ nhiều trong giai đoạn vừa qua. Điều duy nhất họ có thể nghĩ tới bây giờ là có dòng tiền để đáp ứng cho các nghĩa vụ, chiến lược là cắt giảm và gia tăng dòng sản phẩm, các hoạt động có khả năng thu hồi vốn nhanh nhất. Đối với nhà đầu tư cá nhân, đây là cuộc chạy đua “cắt lỗ”, một cuộc thi chạy nước rút đúng nghĩa mà người nhanh tay sẽ là người “lỗ ít nhất”. Những nhà đầu tư chậm chân thì rơi vào tình trạng tài khoản “bốc khói” và với việc sử dụng đòn bẩy cao, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán như trong đại dịch covid 19 vừa qua có thể mang đi 1 nửa tài khoản là chuyện “bình thường ở huyện”.

 
Nguyên tắc khi giải quyết bất kỳ vấn đề nào đầu tiên nhà đầu tư cần “tập trung” hoàn toàn vào giai đoạn hiện tại, nhìn nhận thực tế về tình hình các doanh nghiệp nằm trong danh mục, nhà đầu tư thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm “lỗ” và “thua lỗ”. Tình trạng thua lỗ chỉ thực sự xảy ra khi họ đã bán cố phiếu đó đi và tình trạng “lỗ” tạm thời trên danh mục trong ngắn hạn lại chưa chắc phản ánh đúng việc kinh doanh của doanh nghiệp. Vì tương lai là không rõ ràng, không thể dự báo trước khi nào đại dịch covid 19 qua đi và chỉ là những “cảm nhận có khả năng cao xảy ra”, ở tầm vĩ mô là những điều nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư nhưng tâm trí họ lại đang tập trung vào những điều này nhiều nhất. Điều duy nhất mà nhà đầu tư có khả năng kiểm soát lại chính là cảm xúc của bản thân họ nhưng họ hiếm khi dành thời gian suy nghĩ về những cảm xúc này, phân tích và tìm ra các nguyên nhân gốc rễ của sự sợ hãi. Khi đám đông tạm gọi là “đạp lên nhau để chạy”, đó là vì động cơ ban đầu chứa nhiều yếu tố “lòng tham” nên theo đó hệ quả là “sự sợ hãi”. Khi bán đi cổ phiếu là chấp nhận thua lỗ, chấp nhận “bỏ cuộc” trong khoản đầu tư đó không có gì là sai nhưng sai lầm nằm ở lý do bắt đầu, quá trình nghiên cứu, cụ thể là những lý do bắt đầu mua cổ phiếu không có gì khác ngoài muốn kiếm được nhiều tiền hơn, quy trình nghiên cứu rất ngắn hoặc thậm chí là không có. Từ đó tính nền móng yếu tựa như “những lâu đài trên cát”, chỉ 1 cơn sóng nhỏ có thể cuốn trôi mọi thứ. Phong cách đầu tư “lâu đài cát” rất phổ biến trên thị trường và là nguyên nhân gây ra sự biến động lớn của chỉ số tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào.
 
Có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng trong lúc khủng hoảng bởi đại dịch covid 19 việc nhìn tài khoản chứng khoán “bốc hơi” hàng ngày là điều khó chấp nhận được, cắt lỗ và bảo toàn vốn là nguyên tắc sống còn. Những tranh cãi này sẽ không có hồi kết vì chỉ đơn thuần là dựa trên mức lời/lỗ của từng cổ phiếu mà không phải là tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp nào kinh doanh tốt thực sự mà giá cổ phiếu lại giảm bền vững, chắc chắn sẽ có vấn đề và nhiều loại rủi ro không bền vững trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó, điều này không khó để phát hiện ra. Nhà đầu tư cần quan sát rất kĩ hành vi của họ có xảy ra các hoạt động cụ thể như sau: liên tục nhìn bảng điện, kiểm tra lời/lỗ của tài khoản và “ngất lên ngất xuống”, nhấp nhổm không ngồi yên và không có tâm trí để làm bất kỳ việc gì khác, nóng lòng tìm những cổ phiếu khác để “thế chỗ” trong danh mục, thậm chí dễ dàng “nổi nóng” với những việc không liên quan tới khoản đầu tư của họ…Tin buồn là những nhà đầu tư nào rơi vào trạng thái này, họ đang bị thị trường, tin tức về đại dịch covid 19 chi phối và họ sẽ đánh mất quyền kiểm soát mức lời/lỗ thực sự trong tài khoản của họ trong 1 ngày không xa. Quá trình tư duy này cần thay đổi để thoát khỏi tình trạng thua lỗ trong đầu tư chứng khoán thực sự:
 
  • Mức lời/lỗ thực sự của tài khoản phải gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không gắn liền với cảm xúc của nhà đầu tư. Việc tái cơ cấu danh mục chứng khoán không liên quan gì tới việc tái cấu trúc của doanh nghiệp, kết quả sẽ rất tệ.
  • Cảm xúc tụt nhanh hơn mức lỗ của tài khoản luôn dẫn tới những thảm họa khó lường, “2 lần cháy sẽ là khét”. Chuyển từ chiến lược giao dịch sang chiến lược nắm giữ dài hạn cũng tạo ra thảm họa tương tự vì đây không phải kết quả của quá trình lựa chọn mà gốc rễ là ở “lòng tham”.
  • Giá giảm là người bạn đồng hành lâu dài của nhà đầu tư giá trị vì đây thực sự là cơ hội đào thải và chọn lọc. Các ý tưởng đầu tư tốt ít khi xuất hiện trong các thị trường giá lên mạnh, giá giảm mạnh tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn và mức biên an toàn lớn hơn cho nhà đầu tư giá trị trong dài hạn.
  • Những khoản lỗ lớn nhất không phải tới từ sai sót trong quá trình phân tích mà xuất phát từ biến động trong tâm lý, cảm xúc của nhà đầu tư, họ cần suy nghĩ, đánh giá 1 cách độc lập chứ không cần “lời động viên an ủi”, đây không phải là gốc rễ của vấn đề mà giải pháp thực sự nằm trong chính mỗi nhà đầu tư.
Khi dạo qua các diễn đàn 1 vòng có thể thấy rất rõ những hình ảnh, những bình luận tiêu cực và mang tâm lý đám đông nặng nề, đa phần họ đều là những người bị “cháy tài khoản” hoặc các nhà tư vấn đang trong 1 mùa “thất bát” vì không có phí giao dịch. Nếu thẳng thắn để nhận xét, những nhà đầu tư này chưa thực sự nghiêm túc với chính khoản tiền tích lũy của họ, chưa nghiêm túc với kênh đầu tư và không có những định hướng dài hạn. Quy tắc của thị trường chứng khoán là thị trường không có bất kỳ quy tắc nào trong ngắn hạn, họ có thể suy nghĩ là thị trường cần những cái cớ để tăng/giảm nhưng thực tế thị trường có hàng nghìn “cái cớ” gắn với hàng nghìn tin tức chi phối khác nhau. Bất kỳ thời điểm nào cũng có thể có những tin tức tiêu cực/tích cực trong 1 bức tranh lớn, nhà đầu tư chỉ nhìn vào những mảnh ghép đơn lẻ dễ bị thiên lệch trong tâm lý và nhận định. Lấy ví dụ khi thị trường giảm mạnh các nhà giao dịch cho rằng đây là “đáy”, khi phục hồi họ tranh thủ mua nhưng khi giảm tiếp họ lại cho rằng có tình trạng “rũ cung” tức cần những lực bán mạnh hơn để “tiết cung”, khi cung<cầu giá sẽ dần phục hồi trở lại. Mô hình tư duy này quá đơn giản, không thực tế, mang tính may rủi cao và ai cũng có thể nghĩ như vậy, ai cũng có thể cho mình là người “nhanh tay nhất” !

 

Thêm 1 tin buồn nữa trong các nghiên cứu khoa học là “não của loài người hướng tới những gì mà nó mong muốn thấy” (Psychology misjudgment). Khi nhà đầu tư suy nghĩ tiêu cực, họ lại tiếp tục tìm những tin tức tiêu cực để đọc và ra quyết định thiếu sáng suốt trong tình trạng quá tải thông tin.

Tham khảo thêm cẩm nang cho nhà đầu tư giá trị trong việc tư duy và kiểm soát cảm xúc để đi lâu dài với thị trường chứng khoán: https://votpartners.com/cam-nang-chuyen-sau-dau-tien-cho-nha-dau-tu-gia-tri-tai-viet-nam.html

II. Hãy đầu tư chứng khoán theo góc nhìn từ doanh nghiệp

Ở góc độ kinh doanh của các doanh nghiệp đang đứng trước bối cảnh cách ly xã hội (social distancing) và đóng cửa (lockdown) trước làn sóng thứ hai của Đại dịch Covid 19, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Dòng tiền rơi vào trạng thái thiếu hụt hoặc sát sao gần như không có thời gian để “thở”. Lúc này, các doanh nghiệp có thể cần tìm mua thêm “máy thở” để hỗ trợ cho họ bằng các nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài. Trên thực tế thì bài toán dòng tiền luôn khiến các doanh nghiệp phải đau đầu không chỉ trong bối cảnh hiện tại, đã có những DN vượt qua khủng hoảng này bằng những cách hết sức đơn giản như sau:

 
  1. Quá trình kinh doanh của doanh nghiệp cũng là quá trình tích lũy những tài sản ở nhiều dạng khác nhau, doanh nghiệp cần rà soát xem trong tổ chức còn lại những tài sản nào có thể thực hiện các nghĩa vụ thế chấp tại các tổ chức tín dụng. Việc này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng trong lúc khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp lại không thể nghĩ ra rằng họ có các hợp đồng trong đó có các quyền tài sản hoàn toàn có thể sử dụng làm tài sản đảm bảo để có được ngay dòng tiền hỗ trợ. Đây cũng đang là chính sách hỗ trợ theo chủ trương chung của Chính phủ và NHNN để hỗ trợ trong đại dịch.
  2. Cấu trúc lại tất cả các nguồn vốn theo hướng giảm thiểu tối đa nợ, ưu tiên các khoản tín dụng dài hạn.
  3. Việc doanh nghiệp phá sản hầu như sẽ không có lợi cho các bên liên quan nào, quá trình hậu xử lý lại rất phiền phức nên đây là giai đoạn phải “gõ cửa” các nhà cung cấp, chủ nợ để đàm phán về các điều khoản giãn, giảm. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp thụ động và loay hoay chưa biết cân đối, cắt giảm ra sao. Một báo cáo kế toán quản trị chi tiết sẽ nói ngay cho ban lãnh đạo biết vấn đề trọng yếu nằm ở đâu.
  4. Giai đoạn vừa qua chứng kiến sự thúc đẩy mạnh mẽ các chiến dịch quảng cáo, marketing online của các doanh nghiệp lớn nhưng các doanh nghiệp nhỏ không thể có nguồn lực để làm điều tương tự. Hiện tại mỗi thành viên trong doanh nghiệp phải biến thành “đại sứ thương hiệu” và “người bán hàng chuyên nghiệp”. Vừa qua cũng chứng kiến 1 số doanh nghiệp vận động toàn bộ lực lượng đến chào hàng với từng khách hàng, các hộ gia đình, chỉ mong thu hồi được vốn để trang trải.
  5. Liên kết là phương án bắt buộc phải nghĩ tới, 1 nhóm các doanh nghiệp SMEs có khả năng sử dụng dịch vụ của nhau hoặc có thể bán hàng theo nhóm sản phẩm cũng sẽ tương trợ, chia sẻ được cho nhau qua giai đoạn khó khăn này.
  6. Cắt giảm bắt buộc hoặc cắt giảm tự nguyện thể hiện tinh thần đoàn kết và đây là cơ hội để chắt lọc, lựa chọn cũng như hình thành văn hóa riêng cho các DN vừa và nhỏ. Giai đoạn này sẽ thể hiện rất rõ giá trị cốt lõi nào sẽ sống được trong tổ chức.
Qua các biện pháp trên có thể thấy việc tái cấu trúc các doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực trong khi việc tái cấu trúc danh mục của nhà đầu tư cá nhân lại xảy ra trong “chớp mắt”. Điều này quả thực không hợp lý (nonsense) và là lý do vì sao tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân còn giảm nhanh hơn số dư tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp, ngay cả trong điều kiện bình thường không có đại dịch, tỷ lệ nhà đầu tư có tài khoản bốc hơi cũng rất cao lên tới 90 –95%, cao hơn cả tỷ trọng các doanh nghiệp bị phá sản trong khủng hoảng. Nhà đầu tư cần suy nghĩ lại về quá trình gắn kết trong việc nghiên cứu doanh nghiệp của họ với vấn đề kinh doanh thực sự của các DN. Việc làm này xét trong dài hạn sẽ vô cùng hữu ích với kiến thức được tích lũy như lãi kép, có nền tảng vững vàng xây dựng cho họ 1 niềm tin vững chắc. Dù trong giai đoạn khó khăn nhất, nhà đầu tư cũng sẽ là người đồng cảm và thấu hiểu tình trạng của doanh nghiệp mà họ đầu tư. Quá trình này tự động sẽ đưa nhà đầu tư “đi bền” hơn với thị trường mà không cần có những nỗ lực tối đa trong việc chạy theo hay phản ứng với thị trường. Các lợi ích rất rõ ràng khác có thể kể tới như:
 
  • Nhà đầu tư sẽ không dùng đòn bẩy 1 cách “bừa bãi” gây náo loạn trong tâm lý của chính họ. Họ hiểu rằng đòn bẩy là nên hạn chế sử dụng và chỉ dành cho những cá nhân, tổ chức thực sự có kinh nghiệm dày dặn trong việc này. Vì nhà đầu tư giá trị cẩn trọng sẽ không thích các doanh nghiệp có quá nhiều nợ thì không có lý do gì để họ sử dụng nhiều nợ trong khi đầu tư vào những doanh nghiệp đó.
  • Nhà đầu tư giá trị với định hướng dài hạn sẽ không bao giờ rót vốn vào những doanh nghiệp mang tiền đi “đầu cơ” mà tập trung vào những doanh nghiệp tích lũy tài sản, tạo ra dòng tiền từ các tài sản bền vững, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Đầu tư vào 1 doanh nghiệp đầu cơ thì không khác lắm so với công việc của 1 nhà đầu cơ độc lập.
  • Nhà đầu tư khó rơi vào tình trạng “cháy tài khoản” hơn so với việc lướt sóng và vay nợ. Thường 1 nhà đầu tư giá trị sẽ có khoảng 6 ý tưởng tốt nhất, họ chỉ “cháy tài khoản” khi tài khoản ngân hàng của cả 6 doanh nghiệp này bị “cháy”, đây là điều khó xảy ra hơn.
  • Nhà đầu tư giá trị hay cả doanh nghiệp không có khả năng “dự đoán trước tương lai” nhưng họ đều hành động có phương pháp, kế hoạch cụ thể theo chuẩn mực mà họ cho là phù hợp. Điều này tốt hơn rất nhiều việc không có sự chuẩn bị nào với động cơ thúc đẩy là “lòng tham”.
Đại dịch Covid 19 không những tạo ra những vòng xoáy luẩn quẩn mà còn thúc đẩy tốc độ của vòng xoáy nhanh hơn bao giờ hết. Sẽ có những khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể vượt qua được. Nhưng trên tất cả những điều đó, tinh thần đoàn kết và tư duy rằng “mất tiền” không phải là mất tất cả mà hãy mất tiền theo cách học được nhiều bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho những con sóng lớn chưa rõ “tên tuổi” sẽ chắc chắn xuất hiện trong tương lai. Đầu tư/kinh doanh có 1 điểm chung lớn nhất là việc phải đi tìm những ý tưởng thực sự hiệu quả, xử lý những ý tưởng đó và cam kết đồng hành tới cùng mới có những kết quả xuất hiện. Đừng để những mất mát tạm thời biến thành tổn thất vĩnh viễn, khi muốn kết thúc 1 vấn đề hãy nghĩ về những lý do để bắt đầu, phương án khả thi đôi lúc nằm ngay trước mặt và còn niềm tin là sẽ còn tất cả.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết mới nhất: